Vua Trần nhân Tông

07:06, 01/06/2012
Tượng vua Trần Thánh Tông ở đền Trần (Nam Định).
Tượng vua Trần Thánh Tông ở đền Trần (Nam Định).

Vua Trần Nhân Tông, tên thật là Trần Khâm, vị vua thứ 3 của nhà Trần là con trai trưởng của vua Trần Thánh Tông, mẹ là Nguyên thánh Thiên Cảm Hoàng Thái hậu Trần Thị Thiều. Ông sinh ngày 11 tháng 11 âm lịch năm Mậu Ngọ (1258), lên ngôi năm 1279, mất ngày 3 tháng 11 năm Mậu Thân (1308).

Khi Trần Nhân Tông được vua cha truyền ngôi năm 1279, nước Đại Việt đứng trước nguy cơ bị quân Mông Cổ xâm lược. Năm 1282, vua mở Hội nghị quân sự Bình Than để phân công các tướng lĩnh, vương hầu đi đóng giữ những nơi hiểm yếu của đất nước; sau đó, phong Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc công Tiết chế, thống lĩnh các lực lượng quân sự. Tháng Chạp năm Giáp Thân (1284), trước tình hình quân giặc tập trung đông ở biên giới, âm mưu xâm chiến Đại Việt lần thứ 2, Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông mở Hội nghị tại điện Diên Hồng, triệu họp bô lão đại diện cho trăm họ bàn chủ trương nên hòa hay nên đánh trước họa xâm lăng. Năm 1285, khi kẻ thù tiến hành xâm lược, vua Trần Nhân Tông cử Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản cùng Nguyễn Khoái đem quân chặn đánh quân Nguyên ở Tây Kết, đuổi quân Thoát Hoan ở trận Vạn Kiếp. Trận chiến xảy ra ở Hàm Tử Quan, quân địch bị tiêu diệt. Cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai thắng lợi. Năm 1288, quân Nguyên lại sang xâm lược nước ta một lần nữa. Dưới sự lãnh đạo của vua Trần Nhân Tông và Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, quân dân Đại Việt đã giành thắng lợi oanh liệt với chiến thắng Bạch Đằng ngày 9-4-1288.

Khi đất nước sạch bóng quân thù, vua Trần Nhân Tông đã chú trọng khuyến khích nghề trồng dâu nuôi tằm, chiêu mộ dân khai khẩn ruộng hoang, mở rộng các công trình thủy lợi, đại xá cho thiên hạ. Nơi nào bị địch tàn phá thì miễn sưu thuế, những nơi khác thì giảm thuế theo thứ bậc khác nhau. Vua Trần Nhân Tông luôn luôn nhắc các quần thần phải biết thương dân. Có lần vua trực tiếp phân xử phải trái cho những người dân đón đường thưa kiện, vạch rõ cái sai của quan lại cận thần.

Sau 14 năm làm vua, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần  Anh Tông, về làm Thái thượng hoàng và đi tu, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Thuyết lý của phái Trúc Lâm không kêu gọi tín đồ lìa bỏ cuộc sống trần tục, không ép xác khổ hạnh, mà đề cao nhân nghĩa, giáo dục lòng nhân đạo, không phân biệt giàu sang, luôn luôn nhớ đến cội nguồn.

Trần Nhân Tông là vị vua anh minh, có công trong sự nghiệp trấn hưng đất nước, góp phần quan trọng vào việc lãnh đạo dân tộc trong hai lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông; là người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Trần Nhân Tông qua đời năm 1308 tại am Ngọa Vân núi Yên Tử (Đông Triều, Quảng Ninh). Để tỏ lòng biết ơn Đức Quân vương, Đệ nhất Tổ Trúc Lâm, người xưa đã tạc tượng Trần Nhân Tông niết bàn tại chùa tháp Phổ Minh, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) để thờ tự./.

PV
(Theo “Mười bốn vị Hoàng đế thời Trần”)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com