Giáo dục Nam Định từ 1945 đến 1975

07:06, 14/06/2012

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, phong trào học chữ quốc ngữ ở Nam Định được đẩy mạnh. Trường cấp I được xây dựng ở cấp xã và trường cấp II ở cấp huyện. Hình thức học tập đa dạng vì vậy đến tháng 10 năm 1949, toàn tỉnh Nam Định có 250.908 người thoát nạn mù chữ. Các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Hải Hậu đã thanh toán được 80% số người mù chữ.

Trong kháng chiến chống Pháp, toàn tỉnh vẫn còn 13 vạn người mù chữ, đặc biệt là vùng đồng bào công giáo. Nhiều địa phương, đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua diệt dốt như các xã Kim Thái, Cốc Thành (Vụ Bản), Mỹ Thành (Mỹ Lộc), Trực Chính (Trực Ninh), Hải Phúc (Hải Hậu), khu phố 3 và 4 (thành phố Nam Định) và Nhà máy dệt Nam Định được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích xuất sắc trong phong trào diệt dốt năm 1958.

Đến năm 1960, tỉnh Nam Định đã căn bản hoàn thành xoá mù chữ trong nhân dân, đạt 93,8%. Phong trào thi đua "Hai tốt" được đẩy mạnh. Toàn tỉnh có 51.900 người theo học bổ túc văn hoá.

Trong thời gian chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ, sự nghiệp giáo dục không ngừng phát triển. Tính đến giữa năm 1965, Nam Định là một trong bốn tỉnh được công nhận hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất về bổ túc văn hoá, được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và Bằng khen của Bộ Giáo dục.

Năm 1969 - 1972, phong trào bổ túc văn hoá ở thành phố Nam Định và các khu vực tập trung cũng tăng hơn trước, nhất là cấp II và cấp III. Trong năm 1969, hệ phổ thông và bổ túc văn hoá có 715.000 người đi học, đưa mức bình quân lên 2,4 người dân có 1 người đi học.

Các em học sinh đội mũ rơm đi học
Các em học sinh đội mũ rơm đi học. Ảnh: Internet

Năm học 1971 - 1972, bổ túc văn hoá có nhiều hình thức học tập thích hợp. Năm học 1973 - 1974, toàn tỉnh Nam Định có 63.380 học viên bổ túc văn hoá.

Về giáo dục phổ thông: Cho đến năm 1946, toàn tỉnh Nam Định có 138 trường, gồm 208 lớp học (thành phố có 6 trường, 49 lớp).

Kháng chiến bùng nổ, trừ một vài trường xung quanh thành phố đóng cửa, còn các trường ở nông thôn vẫn tiếp tục hoạt động.

Những năm 1948-1949, toàn  tỉnh có 341 trường Tiểu học với 16.789 học sinh. Ngoài trường Trung học Nguyễn Khuyến, có thêm 6 trường tư thục: Nguyễn Trường Tộ, Nam Hải (huyện Hải Hậu), Nội Hoàng, Trí Thành; Trung học Ý Yên (huyện Ý Yên), Quang Trung (huyện Xuân Trường). Toàn tỉnh chỉ có 24 giáo viên trung học và 620 học sinh.

Tháng 9 năm 1952, tại khu du kích, nhiều lớp học được khai giảng năm học mới. Nhiều thanh niên, học sinh trong vùng bị địch chiếm đã ra theo học ở khu căn cứ. Hệ thống trường phổ thông quốc lập gồm 1 trường phổ thông cấp II Ninh Cường, 125 truờng cấp I. Các trường dân lập và tư thục gồm có 2 trường cấp II và 213 trường cấp I. Các trường phổ thông có 712 giáo viên và 24.79 học sinh. Trường cấp II Ninh Cường là trường phổ thông cấp II đầu tiên do tỉnh mở, thu hút cả học sinh ở thành phố Nam Định về học.

Sau năm 1954, hưởng ứng phong  trào "nhân dân xây dựng giáo dục", các xã Hải Xuân, Hải Triều, Hải Hà (huyện Hải Hậu), Đồng Tâm (huyện Vụ Bản) đã đóng góp tiền của để tu sửa trường lớp, mua sắm bàn ghế. Xã Nghĩa Hưng (huyện Nghĩa Hưng) xây dựng ngôi trường 13 gian. Một số xã của huyện Trực Ninh đóng góp 2 triệu đồng và 2 ngôi nhà ngói để làm trường học.

Đến cuối năm 1957, Nam Định đã xây dựng được 240 trường, gồm 1461 lớp học, trong đó có 1311 lớp cấp I, 121 lớp cấp II và 29 lớp cấp III. Số học sinh các cấp có 67.085 em trong đó cấp I có 59.207 em, cấp II có 6028 em và cấp III có 1850 em. Toàn tỉnh Nam Định tính đến năm học 1957- 1958 có 2085 giáo viên cấp I, II và 262 giáo viên vỡ lòng.

 Trường quốc lập có ở hầu khắp các huyện và thành phố Nam Định. Riêng các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Xuân Trường có thêm trường cấp II dân lập, thành phố Nam Định có thêm 3 trường tư thục. Chất lượng học tập của học sinh thi cuối khoá 1957- 1958 đạt từ 85- 90 %. Có 4766 em được tuyển từ lớp 4 lên cấp II, đạt 100%. Nam Định là tỉnh có số lượng học sinh trúng tuyển vào cấp II cao nhất trong toàn Liên khu.

Năm học 1960- 1961, hệ giáo dục phổ thông cả ba cấp Tiểu học, Phổ thông cơ sở và Trung học cơ sở lên tới 124.580 học sinh, tăng 28% so với năm học 1959- 1960. Trong đó có 110.000 học sinh cấp I, 13.400 học sinh cấp II, có 3 trường cấp III với 1.180 học sinh; ngoài ra còn 71.000 học sinh vỡ lòng. Mặc dù vậy vẫn còn 4000 học sinh phổ thông cấp II chưa đủ chỗ học. Hai trường Sơ cấp và Trung cấp  Sư phạm, mỗi khoá đào tạo hơn 600 giáo viên. Bên cạnh đó Nam Định đồng thời tiến hành xây dựng thí điểm ở hai xã và thành phố 3 trường phổ thông chuyên nghiệp nông nghiệp và công nghiệp.

Tính trung bình cứ 6 người dân có 1 người đi học phổ thông (không kể mẫu giáo và vỡ lòng). Cứ hai, ba xã có một trường cấp I, II. Mỗi huyện có một trường cấp III.

Mặc dù trong thời gian chiến tranh phá hoại, phong trào "Dạy tốt, Học tốt" góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, đội ngũ giáo viên và học sinh tăng nhanh. Hải Cường (Hải Hậu - bổ túc văn hoá), Trực Bình (Nam Ninh - mẫu giáo), trường Sư phạm 7+2  và các trường phổ thông cấp I Hải Chính, cấp II Trần Đăng Ninh, cấp III Lê Hồng Phong là những lá cờ đầu.

Trong các kỳ thi học sinh giỏi toàn miền Bắc năm 1966 có 24/73 giải; năm 1968 có 4 giải đồng đội và 27/51 giải cá nhân.

Ngày 25 tháng 10 năm 1968, ngành giáo dục tỉnh Nam Định đã vinh dự được đón nhận thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những năm chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ, 1969 - 1972, sự nghiệp giáo dục tiếp tục phát triển. Niên học 1970 - 1971, số học sinh phổ thông tăng 5%, trong đó học sinh cấp II tăng 12,3%; học sinh mẫu giáo tăng 4%. Năm học 1973 - 1974 các  trường trở về địa điểm cũ. Phong trào thi đua Hai tốt tiếp tục được đẩy mạnh. Số học sinh dự kỳ thi cuối khoá ở các cấp tăng hơn các năm trước: 86. 379 học sinh phổ thông và 61.314 học sinh vỡ lòng, 44.448 học sinh mẫu giáo đến trường và 18.085 thầy cô giáo, đưa tỷ lệ học sinh đến trường tăng lên 32,51% dân số.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com