Giáo dục Nam Định dưới thời Pháp thuộc

07:06, 07/06/2012

Thời Pháp thuộc, ngoài chữ Hán, học trò phải học thêm chữ quốc ngữ và chữ Pháp với ba bậc: ấu học, tiểu học và trung học. Thực hiện chủ trương của chính quyền Pháp, năm 1919, nhà cầm quyền tỉnh Nam Định ra lệnh cho các trường học trong tỉnh ngừng việc dạy chữ Hán và thay bằng việc dạy chữ quốc ngữ. Phần lớn cha mẹ các học sinh xin cho con thôi học để học tư các thầy đồ dạy chữ Hán.

Trường Tiểu học phủ Xuân Trường được mở từ 1897 để dạy chữ quốc ngữ và chữ Pháp, nhưng đến năm 1907 không có một trẻ em nào theo học. Công sứ Nam Định khuyến khích việc học chữ quốc ngữ và chữ Pháp tại trường này bằng cách cấp sách vở cho các học sinh, cấp học bổng hàng tháng cho các học sinh xuất sắc nhưng cũng không thành. Phải đến năm 1908, sau khi có ảnh hưởng của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục mới có học sinh Hành Thiện đến học trường này.

Người Hành Thiện đầu tiên học chữ quốc ngữ là Cử nhân Hán học Đặng Hữu Nữu, làm Tri huyện tại An Dương, Hải Phòng. Ông đỗ kỳ thi ký lục năm 1898.

Ngày 21 tháng 12 năm 1917, Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut ra nghị định ban hành "Quy chế chung về ngành giáo dục ở Đông Dương" trong đó quy định: tại mỗi xã  có thể mở ít nhất một trường công bậc Tiểu học Pháp - Việt dành  cho con trai. Các trường tiểu học Pháp - Việt được mở tại các phủ lỵ, huyện lỵ, các thành phố. Tuy nhiên số các trường này được mở rất ít. Một số làng lớn cũng có trường tiểu học Pháp - Việt. Tại Nam Định có trường: Sơ học Hành Thiện, Nữ sơ học Xuân Trường, Tiểu học Xuân Trường...

Khung cảnh trường thi ngày xưa.
Khung cảnh trường thi ngày xưa.

Trường Tiểu học Xuân Trường được xây dựng năm 1897, ban đầu chỉ có 3 phòng học. Đến năm 1924, xây dựng thêm 2 phòng học. Trường mái ngói, tường gạch, cửa sổ kính, hiên rộng, có sân chơi giống kiến trúc của các trường tiểu học khác do Sở Học chính Bắc kỳ quy định. Từ khi khai giảng cho đến năm 1924, trường chỉ dạy bậc sơ học. Học trò học xong lớp ba (lớp sơ đẳng) phải lên thành phố Nam Định học lớp nhì, lớp nhất để thi bằng tiểu học Pháp Việt. Theo nghị định của Thống sứ Bắc kỳ ngày 21 tháng 10 năm 1924, trường chuyển thành trường Tiểu học Kiêm Bị gồm đủ 6 lớp tiểu học: lớp năm, lớp tư, lớp ba, lớp hai, lớp nhì phụ, lớp nhì chính, lớp nhất. Trường nhận cả nữ sinh theo học từ lớp nhì phụ đến lớp nhất. Nữ sinh Hành Thiện đầu tiên theo học lớp nhì phụ niên học 1929-1930 là bà Nguyễn Thị Hợi. Vì trường chỉ có 5 phòng học cho 6 lớp nên 1 lớp được dạy nhờ tại đình làng Ngọc Cục. Trường bị phá huỷ trong kháng chiến chống Pháp năm 1947.

Trường Sơ học Hành Thiện được thành lập theo nghị định của Thống sứ Bắc kỳ ngày 19 tháng 9 năm 1922 sau khi phê duyệt đơn xin của cụ tiên chỉ Hành Thiện là Tổng đốc hưu trí Đặng Đức Cường. Trường được xây từ tiền công quỹ của làng để mua sắm bàn ghế, dụng cụ học tập và trả lương cho giáo viên. Trường có hai phòng học (một phòng dành cho lớp ba và lớp tư, một phòng dành cho lớp năm). Giáo viên của trường là những người được phủ Thống sứ Bắc kỳ bổ nhiệm. Ngoài ra còn có Tú tài Nguyễn Ngọc Ngoạn được Hội đồng Hương chính làng mời dạy học chữ Hán cho học sinh lớp tư, lớp ba trường làng mỗi tuần một ngày. Từ tháng 5 năm 1937, nghị định của Toàn quyền Đông Dương, việc dạy chữ Hán tại các trường Sơ học bị bãi bỏ. Năm 1950, trường bị phá huỷ trong kháng chiến. Học trò phải chuyển đến học tại miếu Văn Xương và từ đường cụ Tú tài Nguyễn Ngọc Ngoạn. Từ cuối năm 1949 đến năm 1954, trường Sơ học Hành Thiện được đổi thành trường Tiểu học dạy học trò đến lớp nhất tiểu học.

Trường Nữ sơ học Xuân Trường được xây dựng theo nghị định của Thống sứ Bắc kỳ ngày 8 tháng 12 năm 1924. Trường được đặt tên là Henri Géhin, Công sứ Nam Định, người tán thành đề nghị lập trường của Tri phủ Xuân Trường là Bùi Bằng Đoàn. Trường dạy các nữ sinh thi bằng sơ học yếu lược. Trường chỉ có một nữ giáo viên dạy cả 3 lớp Đồng ấu, Dự bị và Sơ đẳng. Bà giáo đầu tiên dạy tại trường 10 năm là Nguyễn Thị Sen có bằng Tiểu học Pháp Việt. Người thay thế bà là Phó Thị San có bằng Cao đẳng tiểu học Pháp Việt dạy tại trường cho đến cuối năm 1946. Cả hai bà giáo đều được học trò yêu mến.

Năm 1922, Giáo hội Pháp lập trường Trái tim thiêng liêng (Sacré Coeur) có 6 lớp với 220 nữ sinh, thường gọi là trường Sơ, hay trường Bà Sơ vì giáo viên là các nữ tu sĩ, trường Saint Thomas d Aquin bậc Cao đẳng tiểu học có 9 lớp cho khoảng trên 300 học sinh nam. Ngoài ra Giáo hội còn một Đại chủng viện đào tạo tu sĩ, với gần 200 học sinh.

Năm 1932, thành phố Nam Định có 5 trường kiêm bị (tương đương cấp I) thuộc 5 nhóm và ở 5 khu vực, đặt dưới sự chỉ đạo của một Đốc học người Pháp, sau chuyển sang người Việt, gồm: trường Con gái (9 lớp, 335 học sinh), Cửa Bắc (19 lớp, 836 học sinh), Vườn Dâu (6 lớp, 259 học sinh), Bến Củi (9 lớp, 414 học sinh) và trường Gốc Ngái (6 lớp, 279 học sinh). Các trường này có khoảng 19 giáo viên (4 nữ) cấp I tốt nghiệp trường Sư phạm, 25 giáo viên (5 nữ) thi sai hay trợ giáo

Đến năm 1930, thành phố Nam Định đã có một số trường bậc tiểu học như Trung Trí, Tri Nam Khê, Minh Tân, Hồng Đức, Huệ Đức... Đến năm 1938, Nam Định đã có một số trường tư thục bậc Cao đẳng tiểu học (tương đương cấp II) như các trường: L Avenir, Charlemagne, Collêgium Paul Doumer. Các trường công, tư này tồn  tại cho đến năm 1945.

Ngoài các trường dạy văn hoá, thành phố Nam Định còn có một trường dạy nghề gọi là trường Kỹ nghệ thực hành hay còn gọi là trường Bách nghệ với  thời gian học là 3 năm.

Thành phố Nam Định trong thời kỳ Pháp thuộc, không có trường dạy ở bậc trung học và đại học, chỉ có bậc tiểu học chia ra làm ba cấp: Sơ học, Tiểu học và Cao đẳng tiểu học, mỗi cấp đều có kỳ thi tốt nghiệp với văn bằng riêng. Tại các bậc học Cao đẳng tiểu học và trung học Pháp Việt đều phải đóng học phí. Nhiều trẻ em ở Nam Định tuy học giỏi nhưng hết bậc tiểu học vì nhà nghèo không có tiền đóng học phí để theo học bậc cao đẳng tiểu học và trung học được.

Dưới thời Pháp thuộc, các trường công lập bậc Cao đẳng tiểu học và bậc trung học Pháp - Việt được mở ở một số nơi như các trường: Thông ngôn Hà Nội, Thông ngôn Nam Kỳ, Trung học Bảo hộ Hà Nội, Trung học Khải Định (Huế)... Tại Nam Định cũng có một trường đó là trường Cao đẳng tiểu học Nam Định (Ecole primaire supérieure de Nam Đinh) hay còn gọi là trường Thành Chung. Trước cách mạng tháng Tám, trường Thành Chung là một trong những ngôi trường nổi tiếng của tỉnh Nam Định.

Trường Thành Chung được thành lập do nghị định ngày 27 tháng 4 năm 1904 của Toàn quyền Đông Dương, có tên là Collège Jules Ferry. Trường hoạt động được 4 năm thì đóng cửa vì được sát nhập vào trường Trung học bảo hộ tại Hà Nội. Học trò đang theo học tại trường phải lên Hà Nội tiếp tục học tại trường Trung học Bảo hộ.

Đến năm 1920, theo nghị định số 1255 của Toàn quyền Đông Dương Maurice Long ký ngày 24 tháng 8, trường Thành Chung Nam Định được tái lập, lấy tên là Cours complémentaires de Nam Đinh (các lớp Thành chung Nam Định)

Trường Thành Chung đặt tại thành phố Nam Định nhận học sinh ở các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình vào học. Sau các tỉnh này đều có các lớp Thành Chung như: các lớp Thành chung Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh, Lạng Sơn.

Chương trình dạy tại trường Thành Chung bằng tiếng Pháp gồm các môn: khoa học tự nhiên: toán, lý, hoá, sinh học, ngữ học Pháp, lịch sử Pháp và lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, mỗi tuần học sinh còn học thêm một giờ Hán văn và Quốc văn.

Học sinh học ở trường Thành Chung, sau khi thi tốt nghiệp có bằng Cao đẳng tiểu học hay còn gọi là bằng Thành chung. Trên bậc Cao đẳng tiểu học là Trung học, người đậu gọi là Tú tài. Thành phố Nam Định không có trường Trung học, nên muốn học cao hơn, học sinh phải về Hà Nội. Ban đầu trường cũng chưa nhận học sinh nữ, nên muốn đi học, nữ sinh phải lên Hà Nội học tại  trường Đồng Khánh, hoặc một số trường tư như Thăng Long, Gia Long, Hồng Bàng. Từ năm 1937, học sinh nữ mới được nhận vào học.

Theo:  Địa chí Nam Định

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com