Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở Nam Định

08:05, 03/05/2012

Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở Nam Định tiến hành trong 3 năm (1958-1960). Đến năm 1960 cải tạo xã hội chủ nghĩa mới tiến hành đồng loạt và căn bản đã thực hiện được mục tiêu đề ra là xoá bỏ thành phần kinh tế tư bản và tiểu chủ trong ngành công nghiệp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm nhà máy Dệt Nam Định ngày 24-4-1957.
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm nhà máy Dệt Nam Định, ngày 24-4-1957.

Cuối năm 1960, hầu hết lực lượng tiểu chủ, thợ thủ công (trên 3 vạn người) này đã vào sản xuất trong 888 đơn vị sản xuất tập thể. Cùng năm, 100% hộ tư bản công nghiệp đã được cải tạo. Trong thời gian này, Nam Định có 4 cơ sở công nghiệp quốc doanh Trung ương và 18 cơ sở quốc doanh địa phương và 11 xí nghiệp công tư hợp doanh. Trên thực tế, các xí nghiệp công tư hợp doanh ở Nam Định cũng như các nơi khác trên miền Bắc đều do Nhà nước quản lí.

Từ năm 1960 trở đi, ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Nam Định chỉ tồn tại hai thành phần kinh tế căn bản là công nghiệp quốc doanh và HTX tiểu thủ công nghiệp.

Năm 1961, toàn tỉnh đã có khoảng 400 HTX và tổ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thu hút gần 1/2 lực lượng tiểu thủ công nghiệp trong các địa phương. Vào cuối năm 1961 các HTX nhỏ được được tổ chức thành 26 HTX lớn. Năm 1962 toàn tỉnh đã xây dựng được 318 HTX tiểu thủ công nghiệp.

Năm 1962, Nhà máy dệt Nam Định được trang bị các máy móc mới, hiện đại của Ba Lan, Tiệp Khắc. Nhà máy đã mở rộng qui mô sản xuất và đổi tên thành Nhà máy Liên hợp dệt Nam Định, trở thành cơ sở dệt lớn nhất của miền Bắc. Sự đầu tư tập trung, có trọng điểm của trung ương làm cho tỷ trọng ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh (bao gồm cả công nghiệp trung ương, địa phương, thủ công nghiệp) tăng nhanh. Sự phát triển của công nghiệp trung ương trong thời kì thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã tạo điều kiện cho một số ngành công nghiệp và thủ công nghiệp địa phương phát triển và công nghiệp trung ương cũng đã cố gắng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Cùng với sự lớn mạnh của ngành công nghiệp tại thành phố Nam Định, các điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cũng được mở rộng hoặc xây dựng mới ở  tất cả các huyện. Phần lớn các cơ sở công nghiệp mới và các HTX tiểu thủ công nghiệp vừa được mở rộng nằm trong các thị trấn, cạnh các trục giao thông chính. Từ trung tâm của huyện, các điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khác nối tiếp phát triển đến hầu hết các xã trong tỉnh.

Nhiệm vụ trọng tâm của sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp địa phương là phục vụ nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng và một phần hàng xuất khẩu. Nói chung trong thời kì thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, công nghiệp địa phương đã hoàn thành kế hoạch. Tuy nhiên, ngay trong thời kì này, một số ngành thủ công truyền thống đã suy giảm, khá nhiều thợ thủ công phải chuyển sang lao động nông nghiệp.

Sự hình thành mạng lưới công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp từ tỉnh xuống huyện trong thời kì này đã xoá những “điểm trắng công nghiệp” của thời thuộc Pháp. Sự phát triển, mở rộng điểm và cơ sở sản xuất công nghiệp có tác động mạnh mẽ đến các ngành kinh tế khác.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com