Sản xuất công nghiệp Nam Định từ sau Cách mạng Tháng Tám

07:04, 26/04/2012

Sau Cách mạng tháng Tám (1945) thành công,  một thời gian ngắn kinh tế địa phương cũng như cả nước gặp muôn vàn khó khăn. Sau đó cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kéo dài 9 năm đã làm cho ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của tỉnh không có điều kiện phát triển bình thường.

Ngay trong những ngày đầu kháng chiến, chiến sự diễn ra quyết liệt ở hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp.Trước khi thực hiện tản cư khỏi thành phố, ta đã tranh thủ tháo gỡ và mang đi một số thiết bị máy móc để chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài. Hơn nữa, chính sách “tiêu thổ kháng chiến” của ta cũng như chính sách “đốt sạch, giết sạch” của Pháp làm cho ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở vùng xẩy ra chiến sự bị ảnh hưởng nặng nề.

Khi địch chiếm thành phố, chúng không phục hồi được các cơ sở sản xuất. Ngày 1-10-1950 công nhân nhà máy sợi đã đốt cháy nửa triệu mét vải gây tổn thất kinh tế lớn cho địch. Hơn nữa, số công nhân cũ ở lại rất ít, đa số công nhân trong các nhà máy trong thành phố đã tham gia kháng chiến. Khu công nghiệp từng sầm uất trước chiến tranh nay hoạt động cầm chừng.

Trong kháng chiến chống Pháp, ngành công nghiệp quốc doanh địa phương ở vùng du kích chủ yếu là chế tạo vũ khí, ngoài xưởng quân giới của tỉnh (đóng ở Ninh Bình) còn có các phân xưởng quân giới liên huyện.

Các làng thủ công nghiệp truyền thống và thợ thủ công vẫn cố gắng duy trì sản xuất. Dù sản xuất ở các làng thủ công nghiệp không còn sôi động như trước, nhưng vẫn đáp ứng phần nào nhu cầu xây dựng kinh tế ở địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Canh nông ngày 19-11-1954, trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, nghề dệt vải vẫn được duy trì ở Nam Định, Hà Đông, Sơn Tây; nghề chạm trổ ở Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh; nghề khảm xà cừ nổi tiếng và tập trung nhất ở Nam Định.

Ngày 1-7-1954, ta đã tiếp quản Nhà máy dệt Nam Định -  cơ sở dệt lớn nhất Đông Dương lúc đó. Đồng thời các cơ sở sản xuất khác của thực dân Pháp cũng được tiếp quản nhanh chóng.

Nhưng tất cả các nhà máy trong thành phố đang kiệt quệ. Nam Định không điện nước, vật tư nhiên liệu cho sản xuất công nghiệp hầu như không còn. Máy móc lạc hậu, sửa chữa chắp vá trong chiến tranh, lại bị Pháp tháo giỡ đem vào Nam nhiều thiết bị, nên hầu hết các cơ sở sản xuất trong thành phố không hoạt động được. Hàng vạn công nhân thất nghiệp. Ngành tiểu thủ công nghiệp ở các huyện cũng bị đình đốn vì thiếu nguyên liệu và thị trường.

Trước tình hình đó, chính quyền cách mạng nhanh chóng tập trung lực lượng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất của các nhà máy trong địa bàn thành phố.

Đến giữa năm 1955, Nhà máy dệt Nam Định được phục hồi và chính thức sản xuất vào ngày 29-1-1956. Nhà máy dệt Nam Định là cơ sở kinh tế quốc doanh đầu tiên và lớn nhất ở Nam Định. Đồng thời hơn 15 cơ sở mới (bao gồm hợp doanh và cá thể) sản xuất nước mắm, xà phòng, nông cụ, cơ khí, vật liệu xây dựng, đóng thuyền được thành lập ở thành phố. Nhiều nghề thủ công truyền thống trong thành phố và ở vùng nông thôn (như dệt cói ở Đô Quan, Nam Trực, Quần Lạc, Giáo Phòng, Trực Ninh, Xuân Dục, Xuân Trường, rèn ở Vân Chàng (Nam Trực), dệt vải, dệt lụa và làm gạch ngói ở nhiều xã thuộc Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu, Mỹ Lộc...) bắt đầu trở lại sản xuất.

Chính sách khuyến khích các hộ có điều kiện mở cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đã góp phần quyết định cho ngành công nghiệp Nam Định phục hồi nhanh chóng. Kể từ ngày giải phóng đến trước năm 1960 có rất nhiều hộ đầu tư vốn kinh doanh. Trước ngày giải phóng, Nam Định có 230 hộ công nghiệp tư bản tư doanh, trong đó 113 hộ kinh doanh ở thành phố Nam Định. Sau năm 1957, toàn tỉnh có 211 hộ trong đó có hơn 70 hộ kinh doanh lớn.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Trung ương, trước thời kì cải tạo xã hội chủ nghĩa toàn miền Bắc có 128 hộ tư bản có doanh thu từ 50 triệu đồng trở lên. Trong số này ở Nam Định có hộ Vũ Văn Bích, kinh doanh nghề dệt bao tải, có doanh thu trên 50 triệu đồng. Cơ sở sản xuất của Vũ Văn Bích có 103 người làm việc, là 1 trong 36 cơ sở sản xuất tư nhân ở miền Bắc thuê trên 50 công nhân. Trong vùng nông thôn, có khoảng gần nửa vạn hộ sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp và có 33.784 thợ thủ công, tiểu chủ.

Theo Báo cáo ngày 16 tháng 4 năm 1960 của Chi cục Thống kê Nam Định, giá trị tổng sản lượng nông nghiệp ở Nam Định năm 1957 đạt 163.489.000 đồng. Cùng thời gian này, giá trị tổng sản lượng công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 133.982.000 đồng, bằng khoảng 80% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Chỉ số giá trị công nghiệp của Nam Định như vậy khá cao, lại rất tập trung. Trong ngành công nghiệp, khu vực kinh tế trung ương tăng rất nhanh, từ khoảng 2% năm 1955 lên 70% vào năm 1959. So với các địa phương khác, Nam Định là tỉnh có tỷ trọng công nghiệp trung ương cao trong thời kì miền Bắc vừa giải phóng.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com