Kỷ niệm của người chỉ huy đánh địch trên cầu Rạch Chiếc

06:04, 29/04/2012

Chiến tranh đã lùi xa 37 năm nhưng trong tâm trí của CCB Nguyễn Cao Thí, ở phường Cửa Nam (TP Nam Định) vẫn còn đầy ắp những hồi ức nóng bỏng của một thời khói lửa khi ông cùng đồng đội trực tiếp chiến đấu, tiêu diệt địch trên cầu Rạch Chiếc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Niềm vui trong cuộc sống thường nhật của CCB Nguyễn Cao Thí.
Niềm vui trong cuộc sống thường nhật của CCB Nguyễn Cao Thí.

Cầu Rạch Chiếc nằm trên sa lộ Sài Gòn - Biên Hòa, cách trung tâm Sài Gòn 7km về hướng đông nam. Cầu Rạch Chiếc có vị trí chiến lược rất quan trọng với cả ta và địch. Ta có chiếm được cầu thì mới đưa được lực lượng tiến công vào giải phóng Sài Gòn. Đối với địch, Rạch Chiếc là mục tiêu sống còn tử thủ, nên chúng đã tăng cường một tiểu đoàn biệt động, một tiểu đoàn pháo 105 ly, 4 đại liên và cối 61 ly ở hai đầu cầu, bố trí 4 lô cốt bằng bê tông, đồng thời rào thêm dây thép gai, gài sẵn 2 quả bom ở chân cầu để nếu không giữ được thì chúng sẽ phá hỏng cầu. Tiểu đoàn 81 đặc công do Nguyễn Cao Thí làm chính trị viên được giao nhiệm vụ đánh cầu ở hướng Sài Gòn ra. Hai đơn vị đặc công khác có nhiệm vụ vượt sông đánh địch từ phía Thủ Đức vào. Xác định quy mô trận đánh sẽ diễn ra khốc liệt, nên các đơn vị tác chiến đã xây dựng phương án tiêu diệt địch trên cầu Rạch Chiếc rất chi tiết với mục tiêu chiếm bằng được cầu, bảo toàn lực lượng, giữ cầu an toàn cho đại quân ta tiến công thẳng vào Sài Gòn - Gia Định, đánh chiếm Dinh Độc Lập. Tối ngày 27-4-1975, các đơn vị hành quân chiếm lĩnh trận địa. Do các vị trí ém quân ở các căn cứ: Rạch Dừa, Phú Hữu, Bình Chưng của huyện Thủ Đức đều là sình lầy nên rất khó khăn cho bộ đội trú ngụ. Trên sông, ca nô địch tuần tiễu liên tục. Gần khu vực trận địa, địch bắn pháo 105 ly phát sáng xung quanh cầu Rạch Chiếc. Trên trời, 10 chiếc trực thăng của địch bay lượn xuống rất thấp, soi đèn pha sáng như ban ngày càng làm cho ta khó tiếp cận mục tiêu. Theo mệnh lệnh, vào hồi 1 giờ ngày 28-4-1975, bộc phá do lực lượng đặc công nước đảm nhận sẽ phát nổ tại đầu cầu hướng đông. Nhưng đợi mãi đến hơn 2 giờ vẫn chưa thấy bộc phá phát nổ nên tiểu đoàn trưởng và chính trị viên tiểu đoàn 81 xác định đặc công ta vẫn chưa vượt được sông do địch càn quét quá dày đặc. Sau những tính toán cẩn trọng, chính trị viên Nguyễn Cao Thí đề đạt với đồng chí tiểu đoàn trưởng đến 3 giờ sáng sẽ nổ súng, tập trung hỏa lực mạnh tấn công địch bất ngờ nhằm đánh chiếm các mục tiêu. Đúng như dự định, sau khi loạt đạn B40, B41 của ta bắn dồn dập vào lô cốt, làm cho khu nhà lính của địch ở đầu cầu bốc cháy, quân địch chạy tán loạn. Lúc này đặc công nước đã vượt được sông, cùng phối hợp đánh chiếm các mục tiêu khác. Pháo của địch ở các nơi bắn tới tấp vào trận địa làm cho bộ đội ta thương vong rất nhiều. Địch tăng quân ở Sài Gòn ra, ở Thủ Đức đánh vào với nhiều vũ khí, trang bị hiện đại như xe tăng, xe lội nước, máy bay phản lực nên bộ đội ta phải tạm thời rút ra khỏi trận địa lúc 15 giờ ngày 28-4-1975. Đêm 29 rạng ngày 30-4-1975, tiểu đoàn 81 củng cố lực lượng, bổ sung vũ khí đạn dược đầy đủ, quyết tâm chiếm đánh mục tiêu. Với sự mưu trí, dũng cảm, tiểu đoàn 81 đã hoàn thành nhiệm vụ đánh địch, chiếm được cầu Rạch Chiếc và tiêu diệt, bắt giữ gần 700 tên địch, thu hơn 500 súng các loại cùng một số phương tiện, trang bị. Khoảng 9 giờ ngày 30-4-1975, đại quân của ta gồm xe tăng, thiết giáp, pháo binh tiến quân như vũ bão qua cầu Rạch Chiếc đánh chiếm Dinh Độc Lập, sào huyệt đầu não của chính quyền ngụy Sài Gòn...

Trong cuộc đời binh nghiệp gần 30 năm, từng tham gia chiến đấu tại nhiều chiến trường khốc liệt ở trong nước và nước bạn Campuchia, nhưng trận đánh cầu Rạch Chiếc vẫn luôn in đậm trong ký ức người CCB Nguyễn Cao Thí. Năm 1989, khi về nghỉ chế độ tại địa phương với quân hàm trung tá, phát huy truyền thống của người lính bộ đội Cụ Hồ, ông lại tiếp tục mang tâm sức và lòng nhiệt huyết của mình đóng góp vào hoạt động của Hội CCB địa phương. Trên cương vị ủy viên ban chấp hành rồi ủy viên ban thường vụ Hội CCB phường, ông đã có nhiều đóng góp đưa phong trào của hội ngày càng phát triển vững mạnh. Ở gia đình, ông luôn là người chồng, người cha mẫu mực khi hết lòng chăm sóc người vợ thường xuyên đau ốm và nuôi dạy người con trai duy nhất khôn lớn, trưởng thành hiện là đại tá, công tác tại Học viện Quốc phòng. 74 tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng, CCB Nguyễn Cao Thí đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Quân đội trao tặng 11 tấm Huân chương các loại, bao gồm Huân chương Chiến công, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Giải phóng, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, Huân chương Vì nghĩa vụ quốc tế... Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo./.

Bài và ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com