Thăng Long - Hà Nội, những chặng đường lịch sử

08:10, 01/10/2010

[links()]

(Tiếp theo kỳ trước)
Hà Nội trong thời đại Hồ Chí Minh

... Giai đoạn 1996-2000, thành phố Hà Nội đã tập trung nguồn lực phát triển kinh tế Nhà nước trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu như kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống tài chính, ngân hàng bảo hiểm, những cơ sở sản xuất, thương mại dịch vụ then chốt. Những chủ trương và giải pháp quan trọng đó đã tạo sự phát triển kinh tế - xã hội toàn diện của Hà Nội, góp phần đáng kể cho việc động viên nguồn thu ngân sách Nhà nước. So với cả nước, năm 1990 thu ngân sách địa bàn Hà Nội đạt 9,2%, năm 2000 đạt 16,3%. Năm 2000, Hà Nội chiếm 3,6% về dân số và 2,8% diện tích lãnh thổ quốc gia nhưng đã đóng góp với cả nước 7,8% GDP. Đời sống nhân dân có nhiều cải thiện. Bộ mặt của Thủ đô có nhiều thay đổi, vị thế của Thủ đô được nâng lên. Một vinh dự lớn đối với Thủ đô Hà Nội, năm 1999 được tổ chức UNESCO của Liên hợp quốc trao tặng danh hiệu vẻ vang "Thành phố vì hoà bình" và lấy làm nơi phát động "Năm quốc tế hoà bình - 2000". Năm 2000, Hà Nội được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Thủ đô Anh hùng.

Tượng đài Lý Thái Tổ. Nguồn: Internet
Tượng đài Lý Thái Tổ. Nguồn: Internet

Thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH đất nước (2000-2010), về kinh tế, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Hà Nội tập trung trí tuệ đẩy nhanh tiến độ sắp xếp cổ phần hoá vững chắc doanh nghiệp Nhà nước; đổi mới công nghệ, thiết bị và mô hình quản lý; tích cực thu hút vốn đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh và nâng cấp hạ tầng đô thị. Những năm đầu của thế kỷ XXI, bộ mặt Thủ đô đổi thay nhanh chóng, Hà Nội đã mở ra 4 hướng với những khu công nghiệp hiện đại như: Sài Đồng A, Sài Đồng B, Bắc Thăng Long, Chèm, Mễ Trì, Thượng Đình, Thanh Trì, Cầu Bươu, Cầu Diễn, Nghĩa Đô, Đông Anh, Sóc Sơn... phát triển công nghiệp Hà Nội gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu và công nghiệp của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh thực hiện thành công bước đi ban đầu chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hà Nội trở thành trung tâm du lịch của cả nước, chất lượng dịch vụ du lịch từng bước được nâng cao. Thủ đô Hà Nội tích cực đi đầu trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng văn hoá sinh thái. Cùng với phát triển kinh tế, Hà Nội tiếp tục đạt nhiều thành tựu nổi bật trong sự nghiệp phát triển văn hoá - xã hội và con người, tạo nên sức mạnh và độ bền vững của quá trình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Những năm đầu thế kỷ XXI, Hà Nội đổi thay từng ngày. Không gian Hà Nội được phân thành các vùng rõ nét. Khu vực trung tâm được bao quanh bằng các đường La Thành - đường Láng - Trường Chinh - Đại La - Minh Khai và dọc hữu ngạn sông Hồng. Khu phát triển mở rộng, được quy hoạch theo hữu ngạn và tả ngạn sông Hồng. Trong đó hữu ngạn gồm khu vực phía Nam cầu Thăng Long, dọc quốc lộ 32. Ở đây, có khu công nghiệp Cầu Diễn, khu công nghệ cao Nam Thăng Long, khu đô thị Ciputra, các khu dân cư tập trung Mai Dịch, Nghĩa Đô, Cầu Diễn, Tây sông Nhuệ, khu dân cư theo quốc lộ 6 và vành đai 3. Các khu công nghiệp Thượng Đình, công viên mới Mễ Trì, khu trung tâm Thể thao quốc gia, khu đô thị mới Trung Yên, Yên Hoà, Thanh Xuân. Khu công nghiệp Xuân Mai, Định Công, Linh Đàm, Cầu Bươu, Mai Động. Khu Bắc cầu Thăng Long; khu thị trấn Gia Lâm - Sài Đồng - Đức Giang - Yên Viên; khu dọc đường quốc lộ 3.

Việc cải tạo, xây dựng Thủ đô thành một đô thị văn minh, hiện đại, xứng đáng với tầm vóc của một quốc gia khoảng trên một trăm triệu dân, trong thế kỷ XXI là một yêu cầu cần thiết. Quốc hội đã có Nghị quyết số 15-2008/QH12 về mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 260/CT-TTg, ngày 4-3-2008 về việc tổ chức thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội. Theo đó, Hà Nội mở rộng bao gồm toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình. Sau khi hợp nhất, mở rộng, Hà Nội có diện tích 3340km2 với gần 6,5 triệu dân, 29 đơn vị huyện, quận; 577 xã, phường, thị trấn; 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao sinh sống.

Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đặt mục tiêu sau năm 2010 xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc tương xứng với truyền thống ngàn năm văn hiến. Hướng phát triển của thành phố Hà Nội về phía Tây, hình thành chuỗi đô thị Miếu Môn - Xuân Mai - Hoà Lạc - Sơn Tây; phía Bắc là cụm đô thị Sóc Sơn - Xuân Hoà - Đại Lải - Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) và các đô thị khác. Điều chỉnh xây dựng thêm các khu công nghiệp tập trung mới như Bắc Thăng Long, Sóc Sơn, Thăng Long, Đông Anh, mở rộng khu công nghiệp Đức Giang, Cầu Diễn, Cầu Bươu. Các hệ thống công viên, khu cây xanh, vui chơi, giải trí, khu du lịch các công trình công cộng... được rà soát, quy hoạch, đảm bảo môi trường sống ngày càng văn minh, hiện đại.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, Thăng Long - Hà Nội luôn là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của cả nước, là nơi kết tinh tinh hoa của dân tộc, hội tụ nhân tài của đất nước. Đảng bộ và nhân dân Hà Nội coi trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, kết hợp hài hoà trong quy hoạch và xây dựng đô thị, phát huy cao độ truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, đoàn kết xây dựng Hà Nội là "Thủ đô xanh, văn hiến - văn minh và hiện đại", phát huy tốt vai trò là trung tâm lớn về văn hoá, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, kinh tế và giao dịch quốc tế...

(Còn nữa)
P.V
(Theo Đề cương Tuyên truyền của Ban Tuyên giáo TW)


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com