Rặng hoè

08:07, 23/07/2010

Làng tôi nhà nào cũng làm nhà theo hướng nam. Hai xóm đầu và cuối làng kéo dài về phía nam như hai cánh tay vươn ra ôm lấy sự thuần phác cổ kính của hồn quê Việt Nam. Ở đó, giữa màu xanh của cỏ cây hoa lá, cây cổ thụ, những thân cau dân dã, bờ dâm bụt thân quen, men theo những lối đi liu diu cỏ dại là những cây hoè xum xuê toả bóng xuống nền đất mát rượi về mùa hè, vàng rực rỡ, lung linh bảng lảng như những áng mây bay khi gió heo may gọi thu về.

Rặng hoè nhà tôi chỉ có bẩy cây, trồng cạnh ngõ nhỏ thôi nhưng cũng đủ để lại trong ký ức tôi những kỷ niệm không bao giờ quên. Cây hoè nhà tôi cao tới năm bảy mét, phủ bóng mát trên đường đất mịn, đượm mưa đượm sương, đượm nắng trời và trả cho đời màu vàng đến ngẩn ngơ lòng. Những trưa hè, khi con ve kêu râm ran, chúng tôi rủ nhau ra đây - dưới gốc hoè chơi ô ăn quan. Người thắng cuộc được búng tai kẻ thua 5 cái búng. Chỉ ngần ấy thôi cũng đủ xưng đỏ tai lên. Bọn con gái thì chơi chuyền chuyền. Những que tính lôi ra từ cặp sách trải đều trên bắp chân thon thon như bắp chuối hoa non. Quả chuyền bằng đất viên lại tròn xoe tung lên rồi nhón một que chuyền cho đến hết 10 que thì được chuyền theo vòng tay đưa từ trái sang phải, mắt ngước lên nhìn quả chuyền để bắt sao thật chính xác, miệng vẫn lẩm nhẩm: "Chuyền chuyền một, chuyền chuyền đôi…". Ai làm được mười lần thì thắng cuộc. Lớp đàn chị, đàn anh thường sai chúng tôi nhặt hoa hoè rụng về làm phẩm vàng học vẽ. Chúng tôi đứng hàng giờ theo dõi các anh, các chị dùng màu vàng tươi rói điểm tô cặp ngà voi của Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh quân Nam Hán, tô lọng vàng của những ông Trạng trong tranh cổ, hoặc tô màu vàng rực của cánh đồng lúa chín làng tôi. Nhờ màu vàng của hoa hoè, nhiều lớp đàn anh, đàn chị người làng đã trở thành hoạ sỹ. Có người tham gia bộ đội hy sinh trong lúc vẽ tranh ký họa mô tả các chiến sỹ xông vào đồn giặc đánh bộc phá. Cũng từ vẽ tranh, mê tranh của nhau, không ít người thành vợ thành chồng sinh con đẻ cái…

Tháng ba, khi hoa gạo đã rụng vãn, quả khô tách vỏ và tơ gạo trắng bay la đà khắp cành cây, thì hoa hoè nở. Cây hoè ra hoa hết lớp này đến lớp khác và tàn phai vào tháng chín khi heo may bắt đầu rải đồng làm sao xuyến tuổi 15… Những chùm hoa, cành hoa thướt tha dưới nắng thu mỏng như lớp mỡ gà óng ánh, đung đưa trong gió thu gợi hồn quê êm đềm thanh bạch. Mẹ tôi gọi hoa hoè bằng cái tên mộc mạc "hoè Sòi". Không ngờ cái tên làng "Sòi" từ thuở hồng hoang ấy lại trở thành kỷ niệm của bất cứ ai được uống nước hoa hoè làng tôi. Tháng bẩy tôi trèo lên hái hoa hoè còn đương nụ, đem phơi mấy nắng là khô, ủ trong vò kín hãm với chè xanh, uống vừa giải nhiệt vừa phòng được bệnh tai biến mạch máu não. Hoa hoè, người làng tôi uống nhiều thành nghiện. Còn chúng tôi thì nghiện cái màu vàng của hoa hoè, mang theo nó trong ký ức của mình. Chả thế mà thời còn học ở Hà Nội, sống giữa hoa bằng lăng tím biếc, hoa phượng rực đỏ nhưng tôi vẫn không thể quên rặng hoè quê hương. Nó thao thức trong hoài niệm, nó gần gũi và thương nhớ khôn nguôi, gợi cuộc sống thanh bạch. Ở đó có vòng tay mẹ với chiếc quạt mo phe phẩy cho tôi ngủ mỗi độ hè về.

Bây giờ làng tôi chả mấy ai trồng cây hoa hoè nữa. Cái ao cạnh nhà tôi đã lấp đi. Con ngõ nhỏ mở rộng ra và bê tông hoá, xe bốn chỗ vào tận sân. Vẫn biết đây là sự phát triển của xã hội, nhưng mỗi lần về thăm quê tôi vẫn nuối tiếc rặng hoè vàng rực rỡ… Nhớ những buổi tan học chạy tắt ngang triền đê sông Đào về xem cô láng giềng vẽ tranh bằng sắc vàng của hoa hoè… Nhớ ánh mắt ai trong trẻo và cái nhìn dài theo rặng hoè vàng… Nhớ một thời hoa hoè vàng theo chúng tôi vào mùa thi cấp 3 (nay là mùa thi THPT). Rặng hoè vàng ở làng tôi đã đi vào dĩ vãng, nhưng trong tôi thì màu vàng của hoa hoè vẫn mãi mãi làm nao lòng dù sống ở bất cứ đâu./.

Nguyễn Đức Hoè

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com