Nhọc nhằn nghề lao công bệnh viện

08:07, 22/07/2022

Để đem lại môi trường sạch sẽ, giúp người bệnh phần nào thoải mái khi điều trị, những lao công của các bệnh viện trên luôn âm thầm và miệt mài với công việc.

Nhân viên lao công tại Bệnh viện Phụ sản Nam Định (thành phố Nam Định) vệ sinh khu vực hành lang.
Nhân viên lao công tại Bệnh viện Phụ sản Nam Định (thành phố Nam Định) vệ sinh khu vực hành lang.

Một ngày làm việc của những nhân viên vệ sinh bệnh viện thường bắt đầu từ rất sớm. Chị Lê Thị Hà, nhân viên vệ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Nam Định (thành phố Nam Định) cứ sáng sớm là đi xe máy từ nhà ở huyện Vụ Bản đến viện để kịp 6 giờ điểm danh, thay quần áo và bắt đầu công việc. Công việc dọn dẹp vệ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Nam Định do hàng chục nhân viên vệ sinh đảm nhận, chia làm 2 ca, mỗi tầng có một người dọn dẹp vệ sinh từ trong phòng ra ngoài hành lang. Chị Hà cho biết, phải tranh thủ lau thật nhanh và sạch trước khi người nhà bệnh nhân vào thăm người bệnh đông, vì khi đó sàn nhà chưa kịp khô mà lại gặp vết bẩn sẽ khiến sàn nhà khó lau hơn. Hơn nữa, vì là bệnh viện phụ sản, có nhiều sản phụ và trẻ sơ sinh nên yêu cầu của bệnh viện là phải duy trì môi trường sạch sẽ, an toàn cho bệnh viện, khu vực nào càng nhiều người qua lại càng phải được dọn dẹp kỹ nên những lao công bệnh viện như chị Hà lúc nào cũng “luôn tay luôn chân”, từ sáng đến chiều lau chùi, dọn dẹp. Vì phải làm công việc “cường độ cao” dưới thời tiết nắng nóng nên những lao công trong bệnh viện thường mệt mỏi, mất nước. Sau mỗi ca làm việc, họ lại tranh thủ nghỉ ngơi uống nước lấy lại sức. Bên cạnh đó, công việc của những người dọn vệ sinh tại bệnh viện thường xuyên phải tiếp xúc với rác thải y tế và nguy cơ lây nhiễm. Chị Nguyễn Thị Ngọc, nhân viên dọn vệ sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ, hồi mới đi làm chưa quen việc, xử lý rác là bông băng dính máu, ống tiêm sắc nhọn, hay những túi dịch của bệnh nhân... khiến chị luôn thấy sợ và lúng túng vì rủi ro lây các bệnh truyền nhiễm là rất cao. Vì thế, chị đã trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về an toàn lao động và tuân thủ nghiêm ngặt quy định về bảo hộ lao động như: Đeo khẩu trang y tế, mũ trùm đầu, đi găng tay, đeo ủng... trong quá trình làm việc. Trong các nhà vệ sinh ẩm thấp, những nơi tập kết rác thải y tế, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, người lao động càng phải cẩn trọng, không được lơ là, chủ quan. Trường hợp bị máu của bệnh nhân dính ra tay hoặc vô tình bị kim tiêm đã qua sử dụng đâm trúng, phải lau rửa thật sạch, sau đó đi xét nghiệm để phát hiện sớm nếu có vi-rút gây bệnh. Công việc vất vả, nguy hiểm, mức lương chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/người/tháng nhưng những người lao công tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh luôn cố gắng, cần mẫn. Thế nhưng vẫn có một bộ phận người dân ý thức chưa cao, vứt xả rác bừa bãi khiến công việc của những người lao công thêm cực nhọc hơn. Chị Ngọc chia sẻ: “Công việc lao công tại bệnh viện vất vả, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh nhưng tôi không tìm được công việc nào khác ổn định hơn. Làm việc trong môi trường này, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, tôi lại thấy mình may mắn vì còn có công việc ổn định để làm kiếm thu nhập. Tôi chỉ mong có sức khỏe, chăm chỉ làm việc để lo cho con ăn học, được đóng góp một phần công sức mang đến môi trường trong lành cho bệnh viện”. Chị Phạm Thị Ngọ, nhân viên dọn vệ sinh tại Bệnh viện Nhi tỉnh cho biết: “Mặc dù lúc nào cũng luôn tay, luôn chân với công việc nhưng khi nhìn những đứa trẻ với nụ cười ngây thơ, trong sáng tôi lại có thêm động lực để lao động. Nhiều lúc chúng tôi cũng nhận được những lời động viên, cảm ơn từ bệnh nhân và người nhà, những lúc đấy tôi rất vui vì biết rằng công việc của mình đang góp phần làm môi trường bệnh viện sạch sẽ hơn, giúp các bệnh nhân an tâm điều trị và hồi phục”. Không bằng cấp, gia cảnh khó khăn đã khiến nhiều người phải lựa chọn công việc lao công bệnh viện đầy nhọc nhằn, vất vả để mưu sinh. Dù vậy, họ vẫn luôn làm việc tận tâm, hết mình và luôn tự hào về công việc của mình. Cũng từ công việc này, những người lao công có chung hoàn cảnh luôn yêu thương, đoàn kết với nhau, động viên nhau cùng làm tốt công việc. Thế nhưng vẫn có một số ít người có cái nhìn không thiện cảm, coi thường những người làm nghề lao công. Chị Ngọ cho biết: “Có những lần, quét dọn phòng bệnh, do vô tình lỡ tay đụng chổi nhẹ qua người nhà bệnh nhân, thậm chí có khi quét phòng lỡ để phát ra tiếng động mạnh làm bệnh nhân tỉnh giấc, họ quát ầm lên. Nhiều chị em có khi tủi thân chỉ biết khóc hoặc tâm sự với đồng nghiệp khác. Nhưng rồi chúng tôi lại động viên nhau, chẳng có nghề gì là xấu, là mặc cảm, quan trọng là công việc mình làm là công việc chân chính, mình phải tận tâm, cố gắng làm tốt công việc”. 

Những nhân viên dọn dẹp vệ sinh tại các bệnh viện cứ âm thầm đến làm rồi lặng lẽ rời khỏi bệnh viện khi hết ca. Với số lượng người đến bệnh viện khám bệnh rất đông và ai cũng canh cánh nỗi lo bệnh tật trong người nên chẳng mấy người để ý đến hoạt động của các nhân viên vệ sinh bệnh viện. Âm thầm là thế, nhưng không lúc nào bệnh viện thiếu bóng dáng của nhân viên vệ sinh. Nhìn những hành lang sạch sẽ, những phòng bệnh không vết bẩn mới thấy được sự đóng góp của họ nhiều đến thế nào./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com