Độc đáo thú chơi đồng hồ nhạc cổ

05:03, 04/03/2022

Đối với những người mê sưu tầm đồng hồ cổ, những chiếc đồng hồ có tuổi thọ từ vài chục năm đến cả trăm năm với nhiều kiểu dáng độc đáo luôn có một sức hút riêng. Giá trị của đồng hồ cổ không chỉ ở giá tiền, là vật phẩm trưng bày thẩm mỹ cho ngôi nhà mà điều đặc biệt là mỗi chiếc đồng hồ đều chứa đựng sự tài hoa của người xưa cùng triết lý sống sâu sắc.

Anh Nguyễn Hoàng Tuấn, chủ cửa hàng Đồng hồ cổ châu Âu (thành phố Nam Định) thường xuyên chăm chút, căn chỉnh thời gian tại các mẫu đồng hồ cổ.
Anh Nguyễn Hoàng Tuấn, chủ cửa hàng Đồng hồ cổ châu Âu (thành phố Nam Định) thường xuyên chăm chút, căn chỉnh thời gian tại các mẫu đồng hồ cổ.

Dịp đầu năm 2022, chúng tôi có dịp trò chuyện với anh Nguyễn Hoàng Tuấn, 46 tuổi, chủ tiệm đồng hồ cổ châu Âu trên đường Giải Phóng (thành phố Nam Định) về thú chơi đồng hồ cổ hiện đang phát triển. Anh Tuấn vui vẻ cho biết: “Khác với đồng hồ pin, điện tử hiện đại ngày nay, đồng hồ nhạc cổ không chỉ báo giờ mà còn phát ra bản nhạc và chuông điểm giờ. Nhạc phát ra do ảnh hưởng của vồ (búa) vào gông (côn). Chất liệu làm gông đem lại tiếng nhạc mê li nhất chính là gông bằng đồng. Mỗi gông còn tạo mỗi kiểu đánh chuông riêng biệt do được chế tác theo tiết tấu từng bài nhạc với đủ mọi âm vực. Ổ cót được ví như trái tim và gông được ví như linh hồn của chiếc đồng hồ”. Cũng như nhiều dòng đồng hồ châu Âu khác, các bản nhạc của đồng hồ nhạc cổ thường là các bản thánh ca, điển hình như: Westminster, Gai-Carillon, Avemaria, St.Michel, Sonodo. “Trong thời khắc thinh không yên tĩnh, linh nghiệm của đêm Giao thừa chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, gông đồng tung vào không gian tiếng nhạc trầm hùng, đĩnh đạc điểm 12 tiếng báo hiệu năm mới sang, tôi luôn cảm nhận được sự nhẹ nhàng, chậm rãi của những câu chuyện cổ tích xa xưa” - Anh Tuấn chia sẻ thêm.

Theo những người chơi đồng hồ lâu năm, bộ gông nhạc là linh hồn của chiếc đồng hồ. Đồng hồ Odo 36.10 (sản xuất năm 1936, 10 gông) là loại quý nhất, ngân được bản Westminster nên người sưu tầm nào cũng muốn sở hữu. Một chiếc đồng hồ như vậy có giá khoảng 60 triệu đồng. Và nếu cả 10 gông phát nhạc đều còn nguyên bản, không chiếc nào bị thay hay sửa chữa phục chế, mặt kính chắn nguyên bản, hộp gỗ nguyên bản giá có thể cao gấp ba lần; nếu còn nguyên giấy tờ mua bán bằng chữ quốc ngữ hay chữ Pháp thì giá còn cao hơn nữa. Ngoài ra, giá trị còn đến từ thùng đồng hồ nhạc cổ. Thùng đóng vai trò như một chiếc hộp đàn guitar để mang lại hiệu ứng âm thanh hoàn chỉnh, có sự cộng hưởng tạo độ vang và ngân. Hình thức trang trí cũng rất đa dạng, có thể vỏ trơn, vỏ song tiện chạm trổ tinh xảo. Gỗ làm thùng có độ bền và xốp tạo ra chất âm hay. Hoa văn trang trí rất đa dạng và mang chút phong cách châu Âu thời xưa như chùm nho và lúa mỳ nói lên sự no đủ. Trên thị trường buôn bán đồng hồ cổ, tùy theo chất lượng của vỏ đồng hồ có còn sử dụng được không mà đồng hồ cổ nhập từ nước ngoài về theo 2 dạng: chỉ lấy bộ máy, quả lắc hoặc nhập nguyên chiếc. Vỏ đồng hồ có thể được thiết kế, “độ” lại kiểu dáng, hoa văn, chất liệu theo sở thích của người chơi, từ hơi hướng hoài cổ đến tối giản. Ngoài ra, mỗi chiếc đồng hồ cổ còn là tổng hoà của rất nhiều chi tiết tinh xảo đến từ các bộ phận khác như: cót, quả lắc, kim, mặt và tay lên cót... hầu hết được làm thủ công nhưng tất cả các chi tiết đều được lắp ráp chính xác ăn khớp đến từng con ốc, bánh răng nhỏ nhất. Ngay cả những chiếc bánh răng, dù phải vận hành trong gần trăm năm, nhưng độ chính xác vẫn cao, rất ít bị ăn mòn thể hiện sự tinh tế, kết hợp tuyệt hảo giữa nghệ thuật và khoa học gói gọn trong chiếc đồng hồ. Anh Tuấn tâm sự: “Càng đi sâu nghiên cứu về đồng hồ, tôi càng khâm phục những bậc thầy chế tác đồng hồ xưa bởi có những bánh răng đồng hồ làm bằng gỗ, cả trăm năm vẫn không cong vênh, mối mọt. Lại có những chi tiết bên trong chỉ nhỏ như đầu tăm rất tinh xảo khiến tôi bị mê hoặc. Cái thú khi sửa những chiếc đồng hồ cổ nữa là mình có thể tự tìm tòi, học hỏi thêm những kiểu thiết kế, cấu tạo của các dòng đồng hồ khác nhau. Một chiếc đồng hồ sửa xong là một lần kinh nghiệm dày lên”.

Một mẫu đồng hồ cổ châu Âu tại cửa hàng của anh Nguyễn Hoàng Tuấn.
Một mẫu đồng hồ cổ châu Âu tại cửa hàng của anh Nguyễn Hoàng Tuấn.

Hiện tại, trong cửa hàng của anh Tuấn có hơn 100 chiếc đồng hồ nhạc cổ với đủ nguồn gốc xuất xứ từ các nước của nhiều hãng như Junghans, Cuckoo của Đức; Odo, FFR, Vedette của Pháp; Thuỵ Sỹ… Để cảm nhận sâu rõ vẻ đẹp thanh âm của đồng hồ nhạc, anh Tuấn chia sẻ: “Muốn nghe và ngắm nhìn chiếc đồng hồ quả lắc, để thấy hết cái đẹp, độ tĩnh của âm điệu, nghe được tiếng ‘tích tắc’ tốt hay không, thì thời điểm tốt nhất vào khoảng 11-12 giờ khuya. Còn nếu muốn chỉnh giờ, để đạt độ chính xác cao, thì thời điểm tốt nhất vào khoảng 9-10 giờ sáng. Về không gian và cách bài trí đồng hồ cổ cũng yêu cầu tỉ mỉ không kém: từ hướng treo phải chuẩn, đảm bảo độ thăng bằng chính xác đến từng milimet... Treo cao quá, hay thấp quá, tiếng chuông đánh cũng khác. Nếu treo lệch, không cân, đồng hồ sẽ không chạy, không chính xác, cót sẽ không cung cấp đủ giờ chạy, giờ đệm nhạc...”. Để sở hữu một chiếc đã khó, bảo quản còn khó hơn. Anh Tuấn chia sẻ: “Thường cứ 3 năm phải lau dầu một lần, lau bằng dầu xăng. Sau đó, tra dầu chuyên dùng cho đồng hồ quả lắc, với ổ cót có loại dầu riêng, với các trục lại có loại dầu khác. Và khi có hỏng hóc, hay sự cố cũng cần có thợ chuyên nghiệp để không phá vỡ kết cấu hoàn hảo của mỗi đồng hồ”.

Gần chục năm trở lại đây, đã hình thành những nhóm chơi đồng hồ nhạc cổ. Hầu hết những người đến với cửa hàng anh Tuấn ban đầu thích thú về hình dáng, hoạ tiết tinh xảo, tính chính xác của đồng hồ, rồi dần dần trở thành thói quen không thể thiếu hàng ngày mê đắm tiếng tích tắc êm dịu, miệt mài ngày đêm, bản nhạc giao hưởng du dương thánh thót. Đồng thời, qua chiếc đồng hồ, người chơi cảm nhận rõ hơn được triết lý người xưa gửi gắm, “Thời gian là vàng bạc và nó chẳng chờ đợi ai cả. Mỗi người vì thế cần trân trọng thời gian, trân trọng những giây phút sống đẹp, sống bình yên trong cuộc đời”. So với các bậc sưu tầm lâu năm, anh Tuấn vẫn chỉ là “người mới", mở cửa hàng với mong muốn tạo lập 1 không gian, sân chơi nhỏ để giao lưu, chia sẻ, kết nối đam mê đồng hồ cổ. Là người nhanh nhạy, kết hợp thỏa mãn đam mê, anh Tuấn đã tổ chức thành công nhiều buổi đấu giá trực tuyến đồng hồ nhạc cổ trên các mạng xã hội, vừa góp phần lan toả tình yêu với một loại đồ cổ. Mặc dòng chảy hối hả, tất bật của cuộc sống hiện đại, giới chơi đồng hồ cổ hàng ngày vẫn mê đắm với một thú vui hoài cổ, tìm đến những phút giây bình yên sống chậm trong tâm hồn./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com