Những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch

08:02, 25/02/2022

Trước diễn biến phức tạp của COVID-19, hưởng ứng Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch COVID-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ths. Đinh Thị Thu Hằng, giảng viên Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định; bác sĩ Trần Việt Cường, Trưởng Trạm Y tế phường Lộc Vượng là những cá nhân tiêu biểu của ngành Y tế tỉnh xung kích lên đường tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh phía Nam. 

Ths. Đinh Thị Thu Hằng, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021.
Ths. Đinh Thị Thu Hằng, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021.

“Vì tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trước hết, trên hết”

Trước làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố phía Nam, Ths. Đinh Thị Thu Hằng cùng với 9 giảng viên và 219 sinh viên Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định tình nguyện thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phòng, chống dịch từ ngày 4-8-2021 đến ngày 30-9-2021 tại tỉnh Đồng Nai, một trong những “điểm nóng” về dịch bệnh và có số ca mắc COVID-19 cao trên cả nước thời điểm đó. 

Trong câu chuyện với chúng tôi về thời gian “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, tham gia hỗ trợ, phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Đồng Nai, chị Hằng chia sẻ: “Với cương vị là một trưởng đoàn, tôi luôn luôn động viên, nhắc nhở bản thân và các thành viên trong đoàn ý thức được trách nhiệm của mình, phối kết hợp chặt chẽ với các lãnh đạo, nhân viên nơi làm việc và nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân, đảm bảo an toàn khi thực hiện nhiệm vụ cũng như trong sinh hoạt hàng ngày. Cá nhân tôi tích cực chủ động nêu cao tinh thần tình nguyện, khắc phục mọi khó khăn; mặt khác cùng với các trưởng nhóm luôn quan tâm sâu sát từng thành viên trong Đoàn. Phần lớn thành viên trong Đoàn là sinh viên, cho nên tôi cùng các thầy cô vừa lo làm nhiệm vụ chuyên môn vừa quan tâm đảm bảo sức khỏe về cả thể chất và tinh thần cho các em, giúp các em luôn ở trạng thái tốt nhất, yên tâm thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị được phân công”.

Trong 58 ngày thực hiện nhiệm vụ, với tâm huyết và trách nhiệm Trưởng đoàn, chị Đinh Thị Thu Hằng kết hợp với 5 trưởng nhóm điều phối nhân lực của đoàn gồm 123 em sinh viên, triển khai công việc tại 23 trung tâm y tế phường, khu cách ly tập trung F1 và khu điều trị F0. Đoàn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn sở tại tổ chức tiêm vắc-xin, truy vết phân loại những người có nguy cơ để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao. Bản thân chị trực tiếp tham gia hỗ trợ, phòng chống dịch tại Trung tâm Y tế thành phố Biên Hòa, phụ trách và giám sát khâu tiêm chủng, truy vết, lấy mẫu và chăm sóc F0 tại các khu cách ly. Kết thúc thời gian hỗ trợ, Đoàn công tác của Nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đó là những nghĩa cử cao đẹp, nêu cao tinh thần “Tương thân tương ái”, thể hiện phẩm chất và y đức của người cán bộ y tế vì cộng đồng, góp sức cùng cả nước nói chung và các tỉnh, thành phố phía Nam nói riêng sớm đẩy lùi dịch bệnh đưa cuộc sống trở lại bình thường. Với những đóng góp trong công tác hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Đồng Nai, Ths. Đinh Thị Thu Hằng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt và tặng Bằng khen năm 2021.

Khát vọng cống hiến

“Đối với chúng tôi - những nhân viên y tế, khi bệnh nhân cần, cộng đồng cần, chúng tôi sẵn sàng tạm xa gia đình để tham gia công tác phòng chống dịch. Hơn 90 ngày tham gia hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 chuyển biến nặng tại Bệnh viện dã chiến số 7 thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), bản thân tôi không may nhiễm COVID-19. Sau thời gian điều trị khỏi bệnh, tôi tình nguyện tiếp tục “chia lửa”, chung sức cùng đội ngũ y tế Bệnh viện dã chiến số 7 điều trị bệnh nhân COVID-19 chuyển biến nặng” - Đó là lời tâm sự của bác sĩ Trần Việt Cường, Trưởng Trạm Y tế phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định).

Là bác sĩ thuộc tuyến y tế cơ sở, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hỗ trợ công tác phòng,chống dịch tại phía Nam, bác sĩ Trần Việt Cường tiếp tục “căng mình” trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, cùng với nhân viên Trạm Y tế phường ngày đêm thực hiện công việc quản lý, điều trị F0 tại nhà. Phường Lộc Vượng địa bàn rộng, với hơn 14 nghìn nhân khẩu, là điểm “nóng” về dịch COVID-19 của tỉnh và thành phố. Đến nay, toàn phường ghi nhận 1.076 ca nhiễm COVID-19, trong đó, có 962 F0 đủ điều kiện áp dụng cách ly, điều trị tại nhà. Thời gian trước, lực lượng y tế cơ sở phường chủ yếu làm nhiệm vụ truy vết, tiêm chủng, xét nghiệm. Tuy nhiện, trước tình hình dịch hiện tại lực lượng này thêm nhiệm vụ mới là quản lý, điều trị F0 tại nhà.

Ngày 23-2, có mặt tại Trạm Y tế phường Lộc Vượng, chúng tôi chứng kiến không khí làm việc “hết công suất” của bác sĩ, nhân viên y tế cơ sở. Trong 1 ngày trạm tiếp nhận hơn 150 lượt người thuộc diện F0 và nghi nhiễm COVID-19 đến khai báo y tế. Nhiệm vụ mới quản lý, điều trị F0 tại nhà ở tạo “áp lực” không nhỏ cho đội ngũ y tế cơ sở vốn còn mỏng về nhân lực và đang phải đảm đương nhiều công việc phòng, chống dịch tại địa phương. Được biết, Trạm Y tế phường Lộc Vượng có 6 cán bộ, nhân viên y tế thì 2 người nhiễm COVID-19 hiện đang cách ly y tế, do đó, mỗi người trung bình phụ trách, theo dõi gần 250 F0 đang điều trị tại nhà. Câu chuyện giữa chúng tôi với bác sĩ Trần Việt Cường liên tục bị gián đoạn bởi các cuộc gọi điện thoại của bệnh nhân F0. Bác sĩ Trần Việt Cường cho biết: “Việc thực hiện điều trị F0 tại nhà được Trạm y tế phường thực hiện theo quy trình chặt chẽ. Khi tiếp nhận thông tin khai báo của người dân, Trạm lập tức phân tích, lên các phương án. Những trường hợp thực hiện test nhanh hoặc PCR tại các cơ sở y tế có kết quả dương tính sẽ được lập danh sách báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường thông báo tới các tổ trưởng Tổ COVID cộng đồng để thực hiện đánh giá gia đình có đủ các điều kiện thực hiện cách ly tại nhà. Ngày cao điểm phường ghi nhận hơn 200 ca F0 cộng đồng, công tác quản lý, điều trị F0 tại nhà gặp không ít khó khăn, lực lượng y tế cơ sở phối hợp với các Tổ COVID cộng đồng, các tổ theo dõi, điều trị F0 tại nhà ứng dụng công nghệ thông tin và các tiện ích của mạng xã hội để quản lý, giám sát, theo dõi, kiểm tra y tế đối với các trường hợp F1, F0 cách ly, điều trị tại nhà. Với tinh thần “quản lý chặt, giám sát kỹ”, tạo tâm lý thoải mái cho bệnh nhân, công tác giám sát các trường hợp F0 điều trị tại nhà được thực hiện hiệu quả. Đối với 962 F0 đang điều trị tại nhà, Trạm Y tế đã cập nhật thông tin của bệnh nhân; lập nhóm Zalo hướng dẫn khai báo tình hình sức khỏe mỗi ngày qua ứng dụng PC-COVID, lập phiếu theo dõi sức khỏe, kịp thời phát hiện các trường hợp có triệu chứng chuyển nặng để phối hợp với Đội đáp ứng nhanh của Trung tâm Y tế thành phố vận chuyển người bệnh tới cơ sở thu dung điều trị của thành phố. Đồng thời, Trạm thực hiện tốt công tác theo dõi, chăm sóc y tế và điều trị cho ca nhiễm COVID-19, có bệnh nền, cao tuổi; kịp thời tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ, xử lý các trường hợp cấp bách; đảm bảo người nhiễm COVID-19 được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, được theo dõi, chăm sóc y tế và được dùng thuốc điều trị đầy đủ.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đã thấm sâu vào cộng đồng. Hệ thống y tế cơ sở tiêu biểu như cán bộ, nhân viên Trạm Y tế phường Lộc Vượng thể hiện vai trò hạt nhân nòng cốt trong phòng, chống dịch tại địa bàn. Đây là một trong những lực lượng tuyến đầu đã không ngừng nghỉ nỗ lực suốt 2 năm qua chiến đấu với dịch bệnh, cần sự chia sẻ cộng đồng trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định của người dân để không bệnh nhân nào phải gánh chịu quá nhiều thiệt thòi trong đại dịch COVID-19. Trước hết, mỗi người dân, gia đình cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch và luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó khi chính mình hoặc người thân phải cách ly điều trị tại nhà do nhiễm SARS-CoV-2./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com