"Nhớ tiếng còi tầm"…

08:01, 07/01/2022

Thành phố Dệt là tên gọi thân thuộc khác của thành phố Nam Định, nơi mà thời kỳ cực thịnh có hơn 70% công nhân làm việc cho Xí nghiệp Liên hiệp Dệt Nam Định. Được xây dựng từ năm 1898, Nhà máy Dệt Nam Định đã từng là nhà máy lớn nhất Đông Dương. Đến năm 1939, nhà máy phát triển lên với quy mô 3 nhà sợi, 3 nhà dệt, 1 xưởng nhuộm, 1 xưởng chăn, 1 xưởng cơ khí, 1 xưởng động lực... Và suốt hơn một thế kỷ, tiếng còi tầm báo giờ tan ca, vào ca đều đặn duy trì suốt từ đó đến giờ, đều đặn như tiếng chuông đồng hồ “đánh thức” thành phố hàng ngày và ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người Thành Nam.

Sáng sớm, đang lững thững trên đường Nguyễn Văn Trỗi chợt nghe tiếng còi tầm vào ca lúc 6 giờ sáng. Loáng một cái con đường vốn đông đúc, chen chúc những xe cộ tấp nập của công nhân vào ca trở về dáng vẻ quen thuộc tĩnh lặng thưa vắng thường ngày. Chị Bùi Minh Hạnh, Giám đốc điều hành Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định dẫn tôi đi tham quan nhà máy chia sẻ: “Hiện tại, Công ty vẫn giữ duy trì 6 nhịp còi tầm mỗi ngày phục vụ sản xuất cho khối 3 ca của 800 công nhân Nhà máy Sợi, Dệt và Nhuộm”. Ngày ngày 6 lần tiếng còi vang lên báo hiệu giờ tan tầm, giờ vào 3 ca làm việc.

Còi điện được lắp đặt trên nóc thông gió tầng hầm trú ẩn nhà máy Sợi. Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Còi điện được lắp đặt trên nóc thông gió tầng hầm trú ẩn nhà máy Sợi.

Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Trò chuyện với nhiều người thuộc các thế hệ gắn bó với Nhà máy Dệt được biết, tiếng còi tầm có từ thời Pháp thuộc suốt từ những ngày đầu thành lập nhà máy. Còi được đặt trên nóc lò hơi Ba Lan ở Nhà máy (xí nghiệp) Động lực. Năm 2015, khi thực hiện chuyển đổi di dời nhà máy ra Khu công nghiệp Hòa Xá để xây dựng Khu đô thị Dệt may trên nền nhà máy cũ, còi được di chuyển đặt trên nóc thông gió tầng hầm trú ẩn nhà máy Sợi được xây dựng từ năm 1938. Vì vậy hơn 30 năm lớn lên cùng tiếng còi tầm nhưng chúng tôi cũng chưa từng nhìn thấy nó. Để tận mắt được nhìn thấy chiếc còi đã gắn bó với bao thế hệ con em thành phố Dệt, chúng tôi nhờ anh Trần Duy Cường, Tổ trưởng và anh Thanh tổ Điện Nhà máy Động lực dẫn đường. Chúng tôi đi qua các phân xưởng, leo từng bước trên cầu thang cũ tối thui để lên nóc nhà. Vừa dẫn đường anh Cường vừa chia sẻ: “Thông thường rất ít người lên đây, chỉ (4 người) chúng tôi có nhiệm vụ duy trì, bảo dưỡng còi mới lên thường xuyên. 3 lần/năm và trước các mùa mưa bão hay khi sự cố hỏng hóc. Còi được đặt ở nơi cao nhất để âm thanh vang xa đảm bảo cho mọi công nhân nhà máy sống xung quanh thành phố đều nghe thấy. Tổ Điện chúng tôi còn được mọi người gọi vui là Tổ gác còi”. Anh Thanh tiếp lời: “Tiếng còi vang xa lắm, nhiều công nhân nhà ở tận thôn An Duyên, xã Đại An (Vụ Bản) cũng nghe thấy”. Mỗi ngày hồi còi đầu tiên vang lên lúc 5 giờ sáng các gia đình, công nhân lục tục thức dậy. Người lớn chuẩn bị đi làm, trẻ con ôn bài rồi chuẩn bị đi học. Băng qua những bờ tường, nóc mái nhà tôn cũ đã ngả màu rỉ sét chúng tôi leo lên nóc nhà đặt còi. Còi chạy bằng điện, được thiết kế nhiều phần: gồm giá đỡ, thân còi và loa. Động cơ vận hành còi có công suất 3,7kW, chân đế đúc gang, cánh còi là vòng đúc chất liệu antimon có 9 lỗ gió. Vòng ngoài còi được gắn với 9 loa (trước đây bằng sắt đen đã bị hư hỏng nay thay bằng loa inox). Hệ thống bật được nối thông với phòng bảo vệ và lắp rơ-le tự ngắt đảm bảo mỗi hồi còi kéo dài từ 30-45 giây; bán kính vọng của tiếng còi có thể vang xa đến tận 5-6km.

Kiểm tra đảm bảo còi hoạt động trơn tru.
Kiểm tra đảm bảo còi hoạt động trơn tru.

Với nhiều người lớn tuổi ở thành phố Nam Định, tiếng còi tầm đã ăn sâu vào tiềm thức, nhắc nhớ về một thời gian khổ, vất vả nhưng rất đỗi tự hào. Lâu ngày thành quen đến nỗi một ngày bất chợt vắng tiếng còi tầm là thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Nó không ra “chất” của thành phố Dệt - Nam Định nữa. Bà Trần Thị Lan, 67 tuổi, nối nghiệp mẹ vào làm ở máy Tơ (nhà máy Dệt lụa Nam Định) từ năm 19 tuổi. Bà nghỉ hưu năm 2000 sau 25 năm gắn bó với nhà máy. Hỏi chuyện tiếng còi tầm, bà bộc bạch: “Ngày đó, kíp 3 sáng, 2 chiều, 2 đêm, đổi ca 1 ngày” trở thành nhịp sống của những người thợ dệt nhuộm mà mãi sau này về hưu tôi không thể quên được. Kỷ niệm về những phân xưởng sản xuất rộng lớn, tiếng máy tiếng thoi, tiếng còi tầm vang lên mỗi ca làm... cứ luôn thường trực trong tâm trí tôi. Đến giờ tôi vẫn duy trì đều đặn: dậy lúc 5 giờ sáng khi tiếng còi tầm báo tan ca làm đêm và đi ngủ lúc tiếng còi tầm báo 22 giờ vào ca đêm. Còn trong ký ức của anh Trần Tiến Dũng 43 tuổi trú tại phường Phan Đình Phùng thì tiếng còi tầm gắn với kỷ niệm lúc đón mẹ tan ca về cùng miếng bánh mì Ba Lan thơm phức, quấn trong giấy báo được mẹ ủ ấm mang về trong những đêm đông lạnh giá, là ký ức những ngày nghỉ được theo mẹ vào nhà máy. Đang say sưa ngắm các cỗ máy chạy rầm rầm ồn ã, chợt gióng lên tiếng còi tầm cao vút; máy móc ngừng, nhường chỗ cho tiếng người huyên náo gọi nhau chấm công, thay ca, tan ca rộn ràng cả xưởng, rồi theo mẹ hòa vào dòng người đổ ra các ngả đường quanh nhà máy. Chị Hạnh, Giám đốc chia sẻ với chúng tôi: “Năm 2015, khi di dời nhà máy, tiếng còi tầm bị “ngắt quãng” mất 1 năm. Năm sau, 2016, lãnh đạo Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định yêu cầu và thể theo nguyện vọng của nhiều người dân, chúng tôi khôi phục lại tiếng còi tầm. Hóa ra, âm thanh ấy đã trở thành nỗi nhớ trong tâm khảm nhiều người ủng hộ chủ trương di dời Nhà máy ra khu công nghiệp song nhiều người có nguyện vọng giữ lại tiếng còi tầm. Vì thế, Tổng Công ty luôn ý thức phải duy trì và bảo tồn tiếng còi song hành cùng với sự phát triển của Tổng Công ty”.

Một hồi còi tầm lại vang lên làm gián đoạn cuộc trò chuyện của chúng tôi. Dăm phút sau, đoạn đường quanh nhà máy dần tấp nập xe cộ của từng tốp công nhân tan ca, tiếng cười nói huyên náo. Rời nhà máy, hòa vào dòng người tan ca, tôi chợt nhận thấy: Dẫu cuộc sống này rất nhiều thay đổi thì vẫn luôn tồn tại những giá trị mà không sự phát triển nào có thể làm mất đi. Đó là những giá trị truyền thống, nhân văn đã ăn sâu vào trong cuộc sống. Như tiếng còi tầm chẳng hạn. Âm thanh ấy dẫu không hề thay đổi, không cầu kỳ nhưng lại trở thành một “giai điệu” khó quên trong lòng người Thành Nam gọi dậy những ký ức, tha thiết kết nối với quá khứ… Để mỗi khi nghe thấy âm thanh ấy vang lên, mỗi chúng ta lại tự hứa với lòng sẽ cố gắng đóng góp, cống hiến hết mình hơn, chung tay viết tiếp “bản hùng ca” đầy tự hào của thành phố Dệt, tự tin mạnh mẽ hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố Trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng trong tương lai./.

Bài và ảnh: Đức Toàn


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com