Tản mạn thú vui câu cá

07:12, 31/12/2021

Ngày nay, khi xã hội phát triển, cùng với những sức ép bộn bề của cuộc sống, thì đi câu là một cách giải trí, thư giãn được nhiều người lựa chọn. Theo nhiều “cần thủ”, đó là khoảng thời gian suy tư, tự do, thoáng đạt, tránh xa sự phiền nhiễu, xô bồ của xã hội.

Niềm vui của “cần thủ” khi cá cắn câu.
Niềm vui của “cần thủ” khi cá cắn câu.

Dạo một vòng quanh thành phố Nam Định, ở nhiều hồ câu đều bắt gặp hàng chục “cần thủ” đang say sưa móc mồi, thả câu. Kẻ đứng, người ngồi, họ chờ đợi và tán chuyện với nhau một cách rôm rả. Đôi lúc, họ lại vui mừng reo hò với nhau khi cá cắn câu. Mỗi lúc như vậy, không chỉ riêng người câu được cá vui mà những người xung quanh cũng hào hứng, chạy đến giúp đỡ, vui “ké”. Đến đây, ai cũng có cảm nhận mọi thứ thật gần gũi và bình dị như được hòa vào thiên nhiên... Chúng tôi tới hồ Tam Giác thuộc địa phận xã Nam Phong (thành phố Nam Định) hàng ngày luôn thu hút đông các “cần thủ”. Anh Trần Văn Hiển, thôn 3, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) đang câu cá tại đây cho biết: “Ngày trước mỗi lần đi câu thường men theo bờ sông, đoạn nào cây cối thưa thớt thì thả cần. Còn bây giờ tôi thường chọn hồ Tam Giác để đi câu vì có cảnh đẹp, hồ rộng rãi thoáng mát. Ở đây mọi người có thể thoải mái chọn cho mình một chỗ ngồi câu lý tưởng dưới những tán cây xanh mướt, tỏa bóng mát hoặc trên những chòi canh mà chủ hồ đã làm sẵn. Còn gì tuyệt vời hơn khi ngồi giữa khung cảnh thiên nhiên, thư thái tâm hồn và chờ cá cắn câu. Những buổi đi câu dần trở thành thói quen và anh tôi “nghiện” nó lúc nào không hay”. Đến nay, anh Hiển đã có 3 năm kinh nghiệm trong nghề cần cước. Lâu lâu không có dịp đi câu lại thấy nhớ. Dù có đi cả chục cây số mà không câu được con cá nào nhưng vẫn thấy vui. Với những người chỉ lấy câu cá là để giải trí thì không nhất thiết phải mang về chiến lợi phẩm. Đối với anh Hiển, kỹ năng đầu tiên của người “cần thủ”, phải có phản xạ tốt. Cá đớp mồi, phao câu rung lên nhưng người không có kỹ năng giật thì chỉ có mất mồi; thi thoảng được mấy con cá “khờ” an ủi mà thôi. Theo cách của anh Hiển thì khi cá dính mồi, cách giật lên cũng phải thật điệu nghệ, nếu không con cá sẽ rớt trở lại xuống sông. Câu cá là thú vui, nhưng để câu được cá là cả một nghệ thuật. Các cần thủ phải biết cách chọn thời điểm, vị trí câu cho đến việc tìm hiểu đặc điểm, thói quen của từng loại cá. Chỉ cần nhìn tăm cá sủi trên mặt nước, người câu có thể biết đó là loại cá gì, đặc tính như thế nào để tìm ra mồi câu thích hợp. Từ mồi giun để câu cá trê, mồi cám câu cá chép đến mồi ốc câu cá trắm đen... Còn đối với những cần thủ lâu năm và dày dặn kinh nghiệm thì hoàn toàn khác, đồ nghề của họ đắt hoặc rẻ phù hợp với khả năng kinh tế, nhưng ít nhất cũng phải có từ 5 đến hơn chục chiếc cần đủ loại cho một chuyến đi. Bên cạnh đó, có rất nhiều món đồ phụ kiện đi kèm theo mà không bao giờ mua hết như vợt lấy cá, túi đựng cá, bao đựng cần, ghế câu, chuông báo cá, cước, lưỡi câu đủ loại, chì, chống cần, mũ, kính mắt, ô, đèn pin… Đối diện chỗ câu với anh Hiển không xa là chỗ ngồi của anh Nguyễn Mạnh Hùng. Trong lúc đợi cá cắn câu, anh Hùng cho biết: “Tôi theo bạn bè đi câu từ nhỏ, đến nay đã được hơn 10 năm. Câu cá là thú vui, nhưng cũng tập cho con người ta tính nhẫn nại, kiên trì để có kết quả như mong muốn”... Vừa trò chuyện, anh nhẹ nhàng lôi đến 5 chiếc cần loại quay dây từ chiếc ba lô đựng đồ, tỉ mẩn nặn từng chiếc bánh mồi được chế từ bột ngô, đỗ tương, bột nếp và đẩy cả chùm lưỡi câu vào giữa lòng bánh rồi tung nhẹ nhàng, đưa từng chiếc bánh mồi ra giữa lòng sông. Anh cho hay, đây là dạng câu chùm. Riêng việc chế mồi cũng là một kỹ thuật. Có thể nói, đi câu cá đang là thú vui giải trí lành mạnh của nhiều người. Mỗi người có kiểu câu riêng của mình. Người thích câu đêm, người thích câu ao hồ giải trí. Người thích câu mồi giun, mối, ngô... Đi câu không chỉ là một thú vui tao nhã, mà còn là một môn thể thao, một nét văn hóa rèn luyện sự tinh nhanh, tính kiên trì và một tâm hồn thư thái.

Cũng giống như người xưa, ngày nay người ta coi đi câu là một thú vui giải trí, nó cũng là cách thử thách và khẳng định khả năng của bản thân. Đi câu không vì sản phẩm thu được mà là dành cho mình thời gian thảnh thơi, không gian tự do, sự thoáng đạt và gạt bỏ những ưu phiền của cuộc sống. Quay trở về “tuổi thơ” với cành tre chặt vội, sợi dây dù, lò xo bút uốn cong, vài ba con giun cuốc được trong vườn là đã đủ cho “hành trình” kiếm cá. Đó là tuổi thơ của rất nhiều người, một khi đã trải qua rồi không ai có thể quên được. Nhưng bây giờ trò chơi gắn bó với tuổi thơ của nhiều người đã trở thành một thú vui, niềm đam mê bởi có rất nhiều phụ kiện câu cá hiện đại. Từ cần câu cho tới lưỡi câu, đa dạng các mặt hàng và mẫu mã, giá cả cũng có nhiều mức giá khác nhau để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Từ các loại cần câu Trung Quốc có độ đàn hồi cao, độ dài thay đổi linh hoạt với giá từ 100 nghìn đồng cho đến vài trăm nghìn đồng. Hay những loại cần câu chính hãng được sản xuất tại Nhật, Ý với giá vài triệu cho đến vài chục triệu đồng/chiếc. Không còn phải cuốn dây bằng tay, thay vào đó là các loại máy câu tự động đã xuất hiện để trợ giúp các “cần thủ”. 

Hiện nay câu cá là thú vui, môn giải trí kén người chơi bởi những đặc tính vốn có của nó. Nhưng một khi đam mê với bộ môn này, người chơi sẽ bị cuốn hút và xem nó là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Cứ được cầm cần, ngắm phao, nhìn sóng nước lặng lờ là thấy lòng nhẹ bẫng. Bao khó khăn, phức tạp của cuộc sống đời thường dường như tan biến hết./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com