Sẵn sàng các phương án bảo vệ trọng điểm cống Cồn Năm

08:04, 19/04/2021

Trong các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, đại diện cử tri 5 xã: Giao Hương, Giao Thiện, Giao Thanh, Giao An và Hồng Thuận (Giao Thủy) đã nhiều lần kiến nghị với các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ngành chức năng của tỉnh quan tâm kiểm tra, có phương án xử lý tình trạng công trình cống Cồn Năm thuộc địa bàn xã Giao Hương bị xuống cấp nghiêm trọng, khiến mặn xâm nhập vào trong đồng và tiềm ẩn nguy hiểm trong tình huống nước lũ dâng cao kết hợp với gió to trong mùa mưa bão, gây nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo đảm an toàn cho người, tài sản và hoạt động sản xuất của người dân trong khu vực.

Cống Cồn Năm đã được gia cố xử lý nhưng hiện công trình vẫn đang trong “chế độ theo dõi đặc biệt”.
Cống Cồn Năm đã được gia cố xử lý nhưng hiện công trình vẫn đang trong “chế độ theo dõi đặc biệt”.

Cống Cồn Năm nằm ở Km217+069 trên tuyến đê hữu Hồng thuộc địa bàn xã Giao Hương và được xây dựng từ năm 1962; thuộc lưu vực tưới Cồn Năm - Hành Tổng có nhiệm vụ tưới cho 2.400ha lúa, hoa màu của các xã: Giao Hương, Giao Thanh, Giao Lạc, Giao An, Giao Thiện, Giao Xuân và Hồng Thuận. Đây là vùng trọng điểm lúa của huyện Giao Thủy; số lao động trong nông nghiệp chiếm trên 80% dân số trong vùng. Cống Cồn Năm có 1 cửa rộng 4m, cao trình mặt cống +3,19m, cao trình đáy cống -2m. Theo anh Nguyễn Minh Tuân, thủ cống Cồn Năm cho biết: trước mùa mưa bão năm 2020, cống Cồn Năm bị nứt gãy, chân giàn van bị nổ, 2 bên thân cống có 3 lỗ rò rỉ; trên mặt đê có nhiều vết nứt rộng 3-5cm chạy dài; mái kè phía đồng bị sạt lở, phai cánh cống bằng gỗ đã bị mọt rỗng và hư hỏng từng phần nên việc vận hành rất khó khăn. Ngay sau khi công trình cống Cồn Năm bị hư hỏng sạt sụt do ảnh hưởng thiên tai, nước lũ, các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện đã tiến hành xử lý giờ đầu bằng rọ đá xếp tạo cơ phản áp phía hạ lưu chống sạt trượt mái kè và đổ bê tông cốt thép mái hạ lưu; xây lại kè 2 bên mang cống phía hạ lưu, đầm nện mặt đê bị nứt và đổ bê tông đoạn đê bị nứt dài 10m. Mặc dù liên tục được sửa chữa, khắc phục hư hỏng, công trình đã đáp ứng được phần nào nhu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất nhưng hiện vẫn đang trong “chế độ theo dõi đặc biệt” do lại xuất hiện vết nứt trên mặt đê; phần tiếp giáp với tường thân chính phía đông và mái đá phía đồng bị nứt và có hiện tượng trượt về phía hạ lưu. Ngoài ra, hèm phai cánh chính bị bong tróc, khi vận hành đóng, mở trong điều kiện có sự chênh lệch mực nước giữa thượng lưu (phía sông Hồng) và hạ lưu (phía nội đồng) thì cánh phai thường bị kẹt không đóng xuống được, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa, bão năm nay. Theo tính toán của huyện Giao Thủy, nếu cống Cồn Năm xảy ra sự cố sẽ làm ngập lụt 10 xã phía nam sông Cồn Nhất, gây tình trạng xâm nhập mặn vào trong đồng, ảnh hưởng rất lớn đời sống sinh hoạt và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Nam Định, đồng chí Trần Quang Hưng, Trưởng phòng NN và PTNT huyện Giao Thủy cho biết: Ngay khi nhận được ý kiến phản ánh của người dân, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Phòng NN và PTNT đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra hiện trạng công trình, xác định và xây dựng các phương án bảo vệ công trình trọng điểm cống Cồn Năm trong mùa mưa, bão năm 2021 theo 2 tình huống, bao gồm: Tình huống 1, khi lũ về trùng với thời kỳ thủy triều lên cường xuống kiệt, trong quá trình vận hành bị kẹt cánh cống, mặn lên nhanh không đóng được cống, nước mặn tràn vào trong đồng. Tình huống 2, khi bão, lũ về kết hợp với triều cường làm nước biển dâng cao, chênh lệch mực nước lớn làm mố cống phần tiếp giáp tường thân cống bị trượt sạt về phía hạ lưu. Để xử lý hiệu quả các tình huống trên, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ huy trọng điểm cống Cồn Năm; giao Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Xuân Thủy và 2 xã Giao Hương, Hồng Thuận chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” với lực lượng xung kích khoảng 430 người, các loại vật tư: bao tải 9.500 cái, cát - đất 2.000m3, đá hộc 500m3, 200 rọ thép, 450 cây tre, cây phi lao, 12 xe ô tô tải, 3 máy xúc, 3 máy phát điện sẵn sàng xử lý hiệu quả ngay từ giờ đầu các tình huống có thể xảy ra. Yêu cầu lực lượng quan trắc thường xuyên túc trực 24/24 giờ, kiểm tra, kịp thời phát hiện các hiện tượng, sự cố để báo cáo lực lượng chức năng xử lý ngay từ giờ đầu theo các phương án đã được phê duyệt nhằm bảo đảm an toàn cho công trình trong mùa mưa, bão năm nay. Tuy nhiên, qua kiểm tra đánh giá tình hình cống Cồn Năm, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Giao Thủy cho biết việc xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm chỉ là giải pháp trước mắt, tạm thời để giảm bớt mức độ thiệt hại do lụt, bão gây ra. Về lâu dài, để bảo đảm an toàn công trình trong mùa mưa, bão năm 2021 và những năm tiếp theo, công trình cống Cồn Năm cần được đầu tư xây dựng mới, phục vụ tốt yêu cầu phòng, chống thiên tai, phục vụ giao thông, làm nhiệm vụ ngăn mặn xâm nhập vào đồng và bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong thời gian tới./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com