Trở lại Hải Hòa trước mùa mưa bão

08:03, 31/03/2021

Hải Hòa là xã ven biển huyện Hải Hậu, thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, bão gió gây nhiều thiệt hại về tài sản của nhân dân. Sau sự cố vỡ đê năm 2005, được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương, hệ thống đê biển của xã được kiên cố hóa hoàn toàn. Cùng với sự nỗ lực của địa phương trong công tác phòng chống thiên tai (PCTT) đã hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong những năm gần đây. Song đây vẫn là một trong những vị trí dễ bị “tổn thương” nhất của tỉnh trước thiên tai, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, bão lớn, nước biển dâng, cần được các cấp, ngành tiếp tục quan tâm.

Tu sửa đoạn đê Cồn Tròn địa phận xã Hải Hòa bị sập, sạt do bão trong tháng 10-2020.  Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Tu sửa đoạn đê Cồn Tròn địa phận xã Hải Hòa bị sập, sạt do bão trong tháng 10-2020.

Hơn 15 năm trước, bão số 7 với sức gió mạnh cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 12 đổ bộ đúng lúc triều cường đang lên kèm theo mưa lớn đã làm vỡ hơn 1km đê Táo Khoai. Đê vỡ, nước biển tràn vào khiến 8/12 xóm của Hải Hòa ngập sâu trong nước. Với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và nỗ lực tối đa của địa phương, việc xử lý khắc phục đê vỡ và các hậu quả sau bão được làm tốt, không để xảy ra thiệt hại về người. Cố Thủ tướng Phan Văn Khải khi về thăm và kiểm tra sau bão đã chỉ đạo tỉnh cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) có kế hoạch kiên cố hóa các tuyến đê, kè biển đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai ở mức cao hơn. Trở lại Hải Hòa hôm nay, toàn bộ hệ thống đê kè dài 4,42km của xã được Chính phủ, Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh đầu tư kiên cố hóa hoàn toàn, trong đó 2,2km đê Táo Khoai được đặt 9 mỏ kè chữ T giảm sóng. “Năm 2008, tuyến đê biển qua xã Hải Hòa bắt đầu được thi công kiên cố hóa đến năm 2010 hoàn thiện đưa vào sử dụng. Mặc dù được đầu tư kiên cố song còn đoạn đê Cồn Tròn trên địa bàn xã vẫn là điểm xung yếu, do chưa được bố trí hệ thống mỏ kè chữ T giảm sóng nên thường xuyên bị ảnh hưởng của sóng biển gây sập sụt. Năm 2017, do ảnh hưởng của các cơn bão số 10, 11 kết hợp triều cường khiến gần 1km mái đê trong đồng bị sập. Xã đã huy động 320 người kịp thời triển khai xử lý giờ đầu, khắc phục các sự cố về đê điều, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản” - Đồng chí Phạm Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã cho biết. 

Là nơi thường xuyên xảy ra mưa bão, lũ lụt, UBND xã Hải Hòa luôn xác định PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Hàng năm, UBND xã thành lập Ban chỉ huy PCTT và TKCN, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Những thiệt hại, tổn thất của thiên tai cũng là kinh nghiệm quý báu để xã đúc kết, xây dựng phương án PCTT và TKCN với các phương châm “phòng là chính, tích cực chống”, chủ động “4 tại chỗ”. Trước mỗi mùa mưa bão, Hải Hòa luôn chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư dự trữ, giao chỉ tiêu nhân lực hộ đê cho từng đơn vị, làm hợp đồng với các chủ phương tiện theo chỉ tiêu huyện giao, sẵn sàng ứng cứu khi có bão đổ bộ. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các phương tiện và số lượng nhân lực tham gia đánh bắt thủy sản, chất lượng an toàn của các thuyền, mủng, mảng để có biện pháp kịp thời nhắc nhở. Công tác di dân được xã đặc biệt chú trọng với phương án được xây dựng chi tiết từ địa điểm đón nhận, phương tiện hỗ trợ dân sơ tán cho đến các tuyến đường di dân, các hiệu lệnh sử dụng khi có bão khẩn cấp. Ngoài ra, UBND xã thành lập đoàn công tác, thường xuyên khảo sát thực địa, phát hiện những hư hỏng trên tuyến đê biển, sông, mương tiêu ở khu dân cư, đường bộ. Từ đó xây dựng kế hoạch tu bổ, sửa chữa, nạo vét, giải tỏa dòng chảy đảm bảo chủ động ứng phó với mưa bão và di chuyển nhân dân, phục vụ sản xuất. Từ năm 2017 đến nay, các bộ, ngành Trung ương, Sở NN và PTNT, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã thực hiện một số dự án nâng cao năng lực giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Cụ thể, dự án “Rừng và Đồng bằng” hỗ trợ cho xã một số trang thiết bị PCTT như: máy cưa, máy cắt, cáng cứu thương, loa cầm tay, áo phao… đồng thời tập huấn, hướng dẫn người dân các kỹ năng cần thiết như sơ tán cho tất cả các đối tượng khi có thiên tai xảy ra. Dự án Tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu cho cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển đã tập huấn cho cán bộ, người dân ở các xóm về nội dung nâng cao năng lực phòng chống lụt bão, rét đậm, rét hại, nắng nóng… Năm 2019, Hải Hòa là xã đầu tiên của tỉnh thành lập đội xung kích PCTT gồm 110 người. Đây là lực lượng chủ chốt tại chỗ để thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch và phương án PCTT và TKCN của xã. Ngay sau khi được thành lập, đội xung kích xã tổ chức thành công diễn tập thực binh xử lý giờ đầu ứng phó với cơn bão số 4 năm 2019 trên tuyến đê biển Cồn Tròn và được Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Hải Hậu đánh giá cao.

Chủ động trước mùa mưa bão năm nay, UBND xã Hải Hòa đã xây dựng kế hoạch và phương án PCTT và TKCN; chuẩn bị gần 4.700 cọc tre rừng, 3.800 chiếc bao tải, 2 chiếc máy phát điện, 100 chiếc áo phao, 100 chiếc phao bơi, 4 chiếc ô tô vận tải, 4 xe khách sơ tán di dân… để đảm bảo “vật tư tại chỗ”. Hiện nay, xã Hải  Hòa đang tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo và hướng dẫn các biện pháp, kỹ năng phòng tránh hiệu quả, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản trước các tình huống thiên tai có thể xảy ra trong năm nay nhằm hạn chế thiệt hại. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, xử lý kịp thời những vi phạm theo thẩm quyền. Để đảm bảo an toàn các công trình đê điều PCTT, UBND xã đề nghị Chính phủ, Bộ NN và PTNT, các bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư các mỏ kè chữ T để giảm sóng, giữ an toàn cho tuyến đê biển Cồn Tròn. Quan tâm đầu tư trang thiết bị PCTT và tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho nhân dân trong xã nâng cao năng lực phòng chống, giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com