Nghề trồng cây cảnh ở Hải Lý

08:03, 26/03/2021

Về xã Hải Lý (Hải Hậu) giữa những ngày xuân ấm áp, chúng tôi như “lạc” vào một khu vườn nhiệt đới với đủ các giống cây hoa, cây cảnh, cây ăn quả được các thợ nghề trưng bày công phu đẹp mắt. Dẫn khách tham quan một vòng nhà vườn rộng mênh mông, nghệ nhân sinh vật cảnh cấp tỉnh Nguyễn Văn Đức, thôn Tây Cát mê mải giới thiệu về từng cây sanh, si, tùng la hán. “Nghề làm cây cảnh ở Hải Lý mới xuất hiện trong vài chục năm trở lại đây nhưng có lẽ do cây hợp đất, hợp người nên phát triển rất nhanh. Từ nghề cây cảnh, chúng tôi có điều kiện để xây sửa nhà cửa, nuôi con cái học hành”.

Nghệ nhân sinh vật cảnh Nguyễn Văn Đức, thôn Tây Cát, xã Hải Lý chăm sóc cây cảnh trong vườn nhà.
Nghệ nhân sinh vật cảnh Nguyễn Văn Đức, thôn Tây Cát, xã Hải Lý chăm sóc cây cảnh trong vườn nhà.

Cách đây khoảng 20 năm, trước khi biết đến nghề trồng cây cảnh, anh Đức là một ngư dân chính gốc. Vườn rộng, những lúc rời tàu thuyền, anh Đức ươm thêm cây, mục đích lấy bóng mát là chính. Lúc rỗi rãi ra vườn ngắm cây, anh “tiện tay” cắt tỉa, lựa chiều để tạo dáng, thế. Từ những cây phôi ban đầu, qua bàn tay anh Đức trở thành những cây cảnh có thế, có dáng, có “đời sống” riêng sinh động, được nhiều người trầm trồ khen ngợi rồi hỏi mua. “Phấn khởi”, anh nhanh chóng nhân thành vườn, thành bãi, bỏ tàu thuyền chuyển sang trồng cây cảnh. “Làm mãi thành quen, qua thời gian, qua học hỏi, tìm hiểu nghề rồi say nghề, chúng tôi trở thành những thợ cây”, anh Đức vui vẻ cho biết. Thú chơi cây cảnh của anh Đức cũng như nhiều người Hải Lý bắt đầu từ “cái duyên” rất tự nhiên ấy. Trong xã, hầu như thôn xóm nào cũng có hộ trồng cây cảnh, tập trung nhiều ở các thôn Xương Điền, Tây Cát và Văn Lý. Điều đặc biệt ở đây là gần như mỗi thôn lại chuyên về một công đoạn khác nhau của việc trồng cây. Nếu Xương Điền có thế mạnh về cây phôi (cây cảnh nguyên thủy) thì Tây Cát và Văn Lý giúp nâng tầm các loại cây này lên phôi cấp 2, cấp 3 hoặc cây hoàn thiện, cây nghệ thuật. Không chỉ trồng cây, tạo thế cho cây, trước sự phát triển mạnh mẽ của nghề, những thợ cây cảnh ở đây còn là những người sưu tầm, mua bán cây sành sỏi. Họ đi khắp các vùng trồng cây cảnh trong huyện, tỉnh như thị trấn Cồn, các xã Hải Sơn, Hải Đông, Hải Chính (Hải Hậu), Nam Mỹ, Điền Xá (Nam Trực)… để nhập cây phôi về hoàn thiện rồi bán. Cây cảnh ở Hải Lý vì thế rất đa dạng. Vào các nhà vườn, khách có thể chiêm ngưỡng những cây sanh có giá tiền tỉ nhưng cũng có thể hỏi mua được các loại cây cảnh giá vài trăm nghìn đồng, phù hợp với túi tiền, sở thích. Giữa những khu vườn rộng hàng ha, người chơi cây ở đây tự hào vì có những cây cảnh được định giá cao, được giới nghề công nhận, đánh giá đạt đến độ “cổ, kỳ, mỹ” như: cây sanh dáng “long mã hồi đầu” già đến mức hóa thạch tại đầu mỗi búp hoa của nghệ nhân Nguyễn Hoài Phong; cây sanh dáng long bồ của anh Nguyễn Trường Định có “tuổi cây” gần 100 năm; cây si thế trực siêu của anh Vũ Viết Văn vào những năm 2012-2013 được trả tới hơn chục tỷ đồng. Hay cây sung thế song siêu của anh Nguyễn Văn Thanh cũng có giá trị kinh tế lên đến tiền tỷ. Riêng đối với anh Đức, cây si thế trực cổ của anh đáng giá cả một gia tài... Trong xã có những vườn cây rộng đến mức đi “mỏi chân” như nhà vườn của ông Nguyễn Xuân Quang, xóm Tây Cát với khoảng 1.000 cây, trong đó có trên 200 cây được xếp vào loại đẹp, quý. Vườn cây của ông Mai Công Đĩnh rộng trên 1ha trưng cây si “lão giả chi tôn” giữa vườn, là của “gia bảo” thuộc 3 thế hệ gia đình… Cây đẹp chắc chắn là do người biết chơi. Hải Lý hiện có 4 nghệ nhân được công nhận là nghệ nhân cấp tỉnh gồm: Nguyễn Minh Dự, Trần Chu Sa, Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Văn Đức. Ngoài ra còn có ông Nguyễn Hoài Phong được công nhận là nghệ nhân cấp huyện. Xã có xóm Văn Lý được công nhận là làng nghề trồng hoa cây cảnh có tiếng. Về Hải Lý chúng tôi còn vô cùng thích thú khi được đi chợ cây nằm ngay ở xóm Văn Lý. Theo anh Đức, chợ cây hình thành từ năm 2009 do nhu cầu giao thương, giới thiệu cây của các hộ dân. “Sơ khởi” của chợ là ý tưởng của một vài gia đình mang cây cảnh ra mặt đường bày bán. Từ vài gia đình ban đầu, sau dần, người trong xóm thấy việc bày bán cây ngoài mặt đường có nhiều lợi thế, ưu điểm nên dần dà “học theo”. Chợ được hình thành từ đó, anh Đức nói. Những năm trở lại đây, khi nhu cầu chơi, mua bán cây cảnh ngày càng lớn thì quy mô chợ cũng được mở rộng. Tại đây, hiện có trên 30 bãi cây của các hộ gia đình  trong xóm trưng bày, buôn bán. Các loại cây trong chợ rất đa dạng, có dòng cấy đá, có dòng rễ, lại có cả những dòng cảnh là cây ăn quả, cây giống, cây bon sai, cây công trình... Khách hàng có thể tùy theo nhu cầu mà lựa chọn các loại cây khác nhau trong chợ. Khách nào muốn mua để uốn thế có thể chọn những cây phôi, khách có nhu cầu trưng bày thì chọn các cây đã hoàn thiện. Như những chợ phiên ở mọi vùng quê, sáng sớm, các nhà vườn mở cửa chào đón khách thập phương. Tuy nhiên vào những ngày chẵn, theo quan niệm của thương lái, là ngày tốt họ sẽ chọn để cẩu cây, chuyển hàng. Do đó, những ngày này, không khí trong chợ tấp nập, nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường. Đến chợ, dễ dàng bắt gặp được các giọng nói của nhiều vùng miền khác nhau. Có khách mua đến từ các tỉnh thành phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, có khách nói giọng Thanh Hóa, Quảng Nam, Sài Gòn… Dừng chân tại nhà vườn của nghệ nhân Nguyễn Văn Mạnh nằm ngay giữa chợ, chúng tôi ước tính trong hơn 1 giờ, anh Mạnh có 2-3 khách hỏi mua cây. Cuối buổi anh “chốt” bán được 2 cây với giá tiền triệu. Vào những ngày đông khách, đặc biệt là dịp trước Tết, có ngày anh Mạnh thu đến vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu từ bán cây. Theo ước tính của anh Mạnh, với những bãi cây lớn như nhà anh, tháng nhiều bù tháng ít, trừ chi phí, anh thu về từ 10-15 triệu đồng/tháng. Những bãi cây nhỏ hơn cũng được khoảng 10 triệu đồng/tháng. “Đây cũng là mức thu nhập chung của các hộ trồng, buôn bán cây cảnh trong xã. Mức thu nhập này thấp hơn so với những năm cây cảnh được giá nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay chúng tôi hài lòng với “đãi ngộ” từ nghề”, anh Đức chia sẻ thêm. 

Giữa đồng muối mênh mông, những xóm làng ở Hải Lý giờ đây được phủ bóng xanh mát, tốt tươi bởi vườn cây cảnh quanh năm xanh tốt. Nhanh nhạy chuyển đổi nghề, những người thợ trồng cây, chơi cây cảnh ở đây đang thu hái được “quả ngọt”. Xóm làng thay đổi từng ngày, đi dọc chợ cây Văn Lý, khách phương xa có cảm giác “choáng ngợp” bởi những ngôi nhà, biệt thự được xây dựng khang trang, to đẹp. Bộ mặt NTM khởi sắc hôm nay của xã có đóng góp một phần từ nghề trồng cây cảnh dưới bàn tay của những người thợ chăm chỉ, tài hoa. Rời Hải Lý vào trưa mùa xuân nắng ấm, chúng tôi mang theo nhiều ấn tượng đẹp đẽ, niềm tin về một làng nghề, một nghề sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong tương lai./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com