Phân loại rác thải tại nguồn: Hiệu quả và giải pháp nhân rộng (kỳ 2)

07:12, 03/12/2020

Kỳ 2

Các mô hình phân loại rác thải tại nguồn (PLRTTN) của các địa phương có chi phí đầu tư thấp, dễ thực hiện; có phát sinh thu nhập từ công đoạn xử lý rác hữu cơ thành phân bón, làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên các mô hình PLRTTN mới được thực hiện tại nguồn thải, chưa thiết lập thành chuỗi quy trình phân loại trong thu gom, xử lý bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp tập trung. Trong điều kiện phải tiếp tục giảm bớt lượng rác sinh hoạt phải xử lý khi rác thải phát sinh ngày càng tăng và kinh phí đầu tư cho xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại còn hạn chế, cần quan tâm duy trì, nhân rộng mô hình PLRTTN và xử lý rác thải hữu cơ trên toàn tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Thúy, đội 4, xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng) giới thiệu hiệu quả xử lý rác thải hữu cơ sau phân loại.
Chị Nguyễn Thị Thúy, đội 4, xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng) giới thiệu hiệu quả xử lý rác thải hữu cơ sau phân loại.

II. Giải pháp nhân rộng

Trong tháng 11-2020, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá các mô hình, từ đó rút ra các giải pháp tiếp tục nhân rộng mô hình PLRTTN và xử lý rác thải hữu cơ tại chỗ trên toàn tỉnh. Theo đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN và MT), tổng hợp tại các địa phương cho thấy: Sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền một số địa phương chưa sâu sát, thiếu đồng bộ, chưa thực sự quyết liệt triển khai PLRTTN và xử lý rác thải hữu cơ. Người dân nhiều nơi chưa có thói quen phân biệt các loại rác thải hữu cơ, vô cơ, thậm chí lúng túng trong việc nhận diện các loại chất thải. Mô hình xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn chỉ thuận lợi cho các hộ gia đình có vườn rộng để tái chế rác ngay tại gia đình. Hầu hết các mô hình phân loại rác mới được thực hiện tại nguồn thải, chưa thiết lập thành chuỗi quy trình phân loại trong thu gom, xử lý bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp tập trung. Kinh phí đầu tư cho việc phân loại rác tại nguồn (dụng cụ, phương tiện chuyên chở, lao động...) còn rất hạn chế. Cán bộ làm công tác môi trường tại các huyện, các xã, thị trấn còn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên việc thực hiện trách nhiệm về quản lý công tác bảo vệ môi trường còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác tuyên truyền việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa được triển khai sâu rộng đến từng người dân. Chưa có quy định pháp lý, hướng dẫn chuyên môn chính thức về phương pháp phân loại chất thải rắn để người dân thực hiện.

Theo đồng chí Phạm Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở TN và MT: Để nâng cao hiệu quả PLRTTN và xử lý rác thải hữu cơ cần có sự quan tâm của toàn hệ thống chính trị và thay đổi nhận thức của nhân dân cũng như cơ quan quản lý. Ở góc độ chuyên môn, Sở TN và MT là cơ quan tham mưu UBND tỉnh về lĩnh vực xử lý rác thải, sẽ tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn người dân các địa phương về phương pháp, cách thức PLRTTN hiệu quả. Cụ thể, đối với khu vực nông thôn có điều kiện về không gian và có nhu cầu sử dụng phân vi sinh: Triển khai nhân rộng mô hình “Phân loại chất thải rắn tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” của một số địa phương triển khai đạt kết quả tốt như các xã: Hải Lý (Hải Hậu), Hợp Hưng (Vụ Bản), Thọ Nghiệp (Xuân Trường) và thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy). Đây là những mô hình đơn giản, dễ thực hiện, mang lại hiệu quả cao trong việc xử lý chất thải rắn hữu cơ, bước đầu giảm thiểu được 40-50% lượng rác thải phát sinh từ hộ gia đình, thu hút được sự tham gia của người dân. Đối với nơi không có không gian rộng và nhu cầu sử dụng phân vi sinh thì đẩy mạnh hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện phân loại rác vô cơ, rác hữu cơ bằng các thùng rác riêng biệt, tận dụng rác thải hữu cơ làm thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó thực hiện phân loại rác thải có thể tái chế để tái sử dụng. Mô hình này vừa góp phần đảm bảo công tác phân loại rác vừa đảm bảo được cảnh quan môi trường xanh - sạch -đẹp. UBND tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được duy trì đạt hiệu quả cao, thúc đẩy việc nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương đảm bảo việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đạt hiệu quả. Về phía các huyện phải chủ động nhận diện việc PLRTTN cần nhanh chóng thực hiện đồng bộ trên quy mô toàn xã; từ đó mới có thể phát  huy tính đồng bộ, hiệu quả trong thu gom, xử lý riêng biệt các loại rác thải đã phân loại. Trước hết, các ngành, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng mô hình phân loại chất thải sinh hoạt tại hộ gia đình theo chỉ đạo của UBND tỉnh; xây dựng kế hoạch đồng bộ để thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi các hộ dân đã tổ chức phân loại tại nguồn. Nâng cao hiệu quả phối hợp của các tổ chức chính trị, đoàn thể thực hiện tuyên truyền, vận động tăng tỷ lệ người dân thực hiện mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn việc phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình; tăng cường công tác quản lý, giám sát và tuyên truyền những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Về lâu dài, các địa phương cũng phải hướng đến giải pháp xử lý triệt để tình trạng quá tải rác thải theo hướng đầu tư các công trình xử lý rác thải quy mô tập trung, công  nghệ hiện đại./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy


 

 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com