Nghề đan cói ở Xuân Trường

07:12, 24/12/2020

Những năm qua, huyện Xuân Trường đã triển khai hiệu quả các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó nghề đan cói truyền thống ở nhiều địa phương tiếp tục được gìn giữ và có những bước phát triển vững chắc, tạo việc làm cho nhiều lao động, giúp họ ổn định cuộc sống.

(Ảnh 1): Nhiều cơ sở sản xuất chiếu cói đã ứng dụng máy móc hiện đại nâng cao năng suất lao động.  (Ảnh 2): Nghề dệt chiếu cói làng Xuân Dục, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nữ ở địa phương.
Nhiều cơ sở sản xuất chiếu cói đã ứng dụng máy móc hiện đại nâng cao năng suất lao động.

Về xã Xuân Ninh những ngày này, chúng tôi ấn tượng bởi tiếng thoi lách cách vang đều, giòn giã ở các ngõ xóm làng Xuân Dục dệt cói. Hiện nay, nghề dệt chiếu cói Xuân Dục có hơn 170 gia đình tham gia sản xuất với trên 370 lao động, doanh thu mỗi năm cả làng nghề ước tính đạt hàng chục tỷ đồng. Theo các bậc cao niên ở làng Xuân Dục, nghề dệt chiếu cói truyền thống ở địa phương đã trên 100 năm tuổi. Năm 2012, làng nghề dệt chiếu Xuân Dục được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống theo các tiêu chí của Bộ NN và PTNT. Bà Nguyễn Thị Đào (70 tuổi), làng Xuân Dục cho biết: Chiếu “đậu” là một trong những sản phẩm làm nên thương hiệu chiếu cói Xuân Dục dùng trong các lễ hội truyền thống, dịp cưới hỏi. Để dệt được một lá chiếu đậu, ngoài tay nghề, người thợ dệt phải kỹ càng tỉ mỉ từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến các công đoạn sản xuất khác. Sợi cói phải tròn, săn, cân đối gốc ngọn, nhiều cật, ít ruột và có màu trắng xanh. Sợi đay phải là đay lụa bánh tẻ, xe nhỏ, săn, chắc mối, được đặt làm riêng của những thợ xe đay tay nghề cao tại làng Giáp Nam, xã Hải Phương (Hải Hậu). Bên cạnh chiếu đậu, ở làng Xuân Dục còn có một số hộ chuyên dệt các loại chiếu đặt ngoại cỡ theo yêu cầu riêng của khách hàng. Để gìn giữ và phát triển nghề dệt chiếu bền vững, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Xuân Ninh tập trung thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ như: Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để các hộ làm nghề dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; tạo điều kiện về mặt bằng để các cơ sở sản xuất xây dựng nhà xưởng, kho chứa nguyên liệu, tập kết sản phẩm; chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp dạy nghề, truyền nghề, tập huấn kỹ thuật cho lao động trong làng nghề... Nhờ đó, nghề dệt chiếu ở làng Xuân Dục được bảo tồn và phát triển. Trên địa bàn xã có các đại lý chuyên cung ứng nguyên liệu, thu gom sản phẩm, tìm kiếm thị trường bao tiêu sản phẩm cho bà con. Hiện nay các sản phẩm chiếu cói làng Xuân Dục không chỉ được thị trường nội địa ưa chuộng mà còn xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Đài Loan… 

(Ảnh 1): Nhiều cơ sở sản xuất chiếu cói đã ứng dụng máy móc hiện đại nâng cao năng suất lao động. (Ảnh 2): Nghề dệt chiếu cói làng Xuân Dục, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nữ ở địa phương.
Nghề dệt chiếu cói làng Xuân Dục, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nữ ở địa phương.

Xã Xuân Phú có trên 11.600 khẩu, trong đó có hơn 6.000 người trong độ tuổi lao động. Với nguồn lao động dồi dào, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, đưa nghề về xã, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, mở rộng cơ sở sản xuất. Nắm bắt được chủ trương của xã, chị Vũ Thị Nhung, xóm 2, đã mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Minh Nhung sản xuất, kinh doanh nhiều mặt hàng như: quần áo, khăn, màn, đan cói xuất khẩu. Kể về cái duyên đến với nghề đan cói xuất khẩu, chị Nhung cho biết: “Sau khi học tập một số mô hình phát triển nghề đan cói xuất khẩu, tôi bị thuyết phục bởi những ưu điểm của nghề này như tạo việc làm cho nhiều lao động ở đa dạng lứa tuổi, thu nhập cao hơn so với làm nông nghiệp…”. Nắm vững các kỹ thuật đan các sản phẩm cói, chị Nhung tích cực tham gia đào tạo nghề đan cói cho bà con tại nhà văn hóa các xóm. Chị tìm mối mua cói nguyên liệu ở các tỉnh cung ứng cho bà con đan và đảm nhận bao tiêu sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Thanh, 65 tuổi ở xóm 9, xã Xuân Phú trước đây thu nhập chỉ trông chờ vào sản xuất nông nghiệp, từ khi học và làm các sản phẩm đan cói, thu nhập bình quân của bà Thanh duy trì ở mức 3-5 triệu đồng/tháng, đủ chi trả cuộc sống sinh hoạt gia đình thường ngày. Nghề đan cói dần thu hút nhiều lao động, chị Nhung tiếp tục mở rộng nghề ra thị trấn Xuân Trường và các xã: Xuân Bắc, Xuân Tân, Xuân Hồng, Xuân Phong… Đến nay, chị Nhung tạo việc làm cho hơn 1.500 nhân công đan ró cói xuất khẩu tại nhiều xã trong và ngoài huyện. 

Ở xã Xuân Phong, nghề đan cói truyền thống làng Thọ Vực từng bị mai một do phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm nhựa. Những năm gần đây, người tiêu dùng thay đổi nhận thức về rác thải nhựa, quay trở lại sử dụng các sản phẩm ró cói thân thiện với môi trường. Nắm bắt được xu hướng đó, Đảng uỷ, UBND xã Xuân Phong chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể chính trị xã hội địa phương tập trung khảo sát, khôi phục nghề đan cói. Hội Phụ nữ xã tham quan học tập các mô hình đan cói ở một số xã lân cận, đồng thời tham khảo ý kiến của các bậc cao niên từng có kinh nghiệm làm nghề đan cói ở địa phương. Năm 2016, lớp dạy nghề đan cói đầu tiên của xã thu hút gần 50 học viên tham gia. Sau thời gian thí điểm, nghề đan cói phù hợp điều kiện sức khỏe của chị em phụ nữ và người cao tuổi; sản phẩm không phải lo đầu ra bởi có công ty cam kết đến tận nơi thu mua sản phẩm. Bình quân mỗi lao động làm được từ 3-5 ró/ngày với thu nhập từ 100-120 nghìn đồng/người/ngày. Với hiệu quả thiết thực của mô hình đan ró cói, đến nay, toàn xã có trên 200 lao động nữ và người cao tuổi tham gia sản xuất. Nghề đan ró cói tạo việc làm thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động nữ ở Xuân Phong, giúp họ có điều kiện chăm sóc nuôi dạy con, xây dựng gia đình hạnh phúc. 

Mặc dù chưa thể làm giàu cho các hộ làm nghề song nghề đan cói ở Xuân Trường đã giúp giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động nông thôn, tận dụng đa dạng nhân lực; thúc đẩy phát triển dịch vụ và sự năng động trong tổ chức các mô hình tổ nhóm sản xuất thích hợp góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com