Vất vả mưu sinh mùa nắng nóng

07:07, 07/07/2020

Tháng sáu, giữa cái nắng như thiêu đốt, thợ xây, phụ hồ, xe ôm, bán quán nước vỉa hè, thợ lắp điều hoà… vẫn đành chấp nhận nắng, nóng rát mặt vật lộn mưu sinh. Nắng nóng gay gắt khiến cho cuộc sống mưu sinh của người lao động càng trở nên vất vả, khắc nghiệt.

Giữa cái nắng gay gắt của mùa hè, thợ bốc xếp hàng hoá kinh doanh tại chợ Rồng (thành phố Nam Định) vẫn cần mẫn làm việc. (Ảnh chụp lúc 14 giờ 50 phút trên đường Phạm Hồng Thái - thành phố Nam Định).  Bài và ảnh: Đức Toàn
Giữa cái nắng gay gắt của mùa hè, thợ bốc xếp hàng hoá kinh doanh tại chợ Rồng (thành phố Nam Định) vẫn cần mẫn làm việc. (Ảnh chụp lúc 14 giờ 50 phút trên đường Phạm Hồng Thái - thành phố Nam Định). 

Trong đợt nắng nóng vừa qua nhiệt độ ngoài trời lúc đầu giờ sáng cũng đã 36-37 độ C, tăng dần lên 40 độ C vào giữa trưa và trên thực tế, nhiệt độ có thể cao hơn 3-5 độ C so với dự báo thời tiết đưa ra, do nhiệt cộng hưởng của hiệu ứng nhà kính, sức nóng động cơ phương tiện tham gia giao thông hoặc từ mặt đường nhựa, bê tông...Với những người không phải làm việc ngoài trời, đều tìm cách ở trong văn phòng, cơ quan hoặc ở nhà và không thể rời quạt mát, điều hòa để xua đi nắng nóng. Tuy nhiên, đối với những lao động làm các công việc ngoài trời đặc thù như thợ lắp điều hoà, bán hàng, công nhân xây dựng, công nhân vệ sinh môi trường đô thị... chẳng thể vào nhà để trốn nắng chấp nhận cái nóng rát mặt nhọc nhằn mưu sinh. Quệt mồ hôi chảy dài trên mặt, anh Đỗ Xuân Dương, thợ điện lạnh chuyên nghiệp với gần chục năm thâm niên trong nghề chia sẻ: “Mùa nắng nóng cũng là mùa cao điểm của thợ điện lạnh chúng tôi. Thông thường từ đầu tháng 3 đến hết tháng 7, thợ điện lạnh phải chạy bở hơi tai mới kịp phục vụ nhu cầu của khách hàng. Công việc vất vả lắm anh ạ!”. Dưới cái nắng hừng hực như đổ lửa, mồ hôi vã ra như tắm, anh Dương cùng với 1 thợ khác vẫn mải miết bắt chân giá, lắp đặt cục nóng ngoài trời rồi kiểm tra máy móc trước khi hoàn thành công đoạn cuối là thử máy; lượng đơn đặt hàng không cho phép họ chậm trễ. Sức khỏe và sức chịu đựng của thợ điện lạnh được thử thách khắc nghiệt dưới cái nóng gay gắt của mùa hè. Vào mùa cao điểm, thông thường một ngày làm việc của thợ điện lạnh bắt đầu từ 7 giờ 30 sáng đến tận nửa đêm. Phơi mình liên tục dưới nắng ngoài trời, nhiều anh em thợ điện lạnh nói vui, một ngày làm việc được “tắm” hơn chục lần bởi phải “rang mình” dưới cái nắng bỏng rát, nền bê tông hấp nhiệt phả ra hơi nóng đến khó thở, lại không có lấy một chút gió mát. Mồ hôi vã ra như tắm nhưng lại nhanh chóng bị cái nắng thiêu đốt làm cho khô cong chỉ trong 2-3 phút đồng hồ. Từ ngoài trời vào nhà, mắt như “mù” tạm thời, nhìn mọi vật xung quanh đều một màu đen do bị lóa vì ở quá lâu ngoài trời nắng. Với thợ điều hòa, thời gian nghỉ giải lao 15 phút chính là giúp mắt về trạng thái bình thường. Hay lúc chạy trên đường từ nhà này tới nhà khác cũng được coi là “thời gian vàng” để họ nghỉ ngơi lấy lại sức tiếp tục gồng mình dưới cái nắng gay gắt của mùa hè. Anh Dương tâm sự: “Chỉ những người trẻ, khoẻ, lành nghề và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao mới có thể bám trụ lâu dài được với nghề này anh ạ. Vào những ngày quá nắng nóng, mong rằng sự nhọc nhằn, chịu khó của người thợ sẽ được thấu hiểu và xoa dịu bởi sự hiểu biết và cảm thông của khách hàng”. Còn đối với người giao hàng những ngày nắng nóng ảnh hưởng rất lớn tới công việc của họ, do việc thường xuyên phải di chuyển ngoài đường. Vì thế, nhiều biện pháp tránh nóng, đồ bảo hộ được sử dụng để phần nào giảm bớt sự khắc nghiệt của thời tiết. Anh Trần Ngọc Hiếu, nhân viên Viettel Post Nam Định cho biết: “Tôi phải chuẩn bị thêm áo chống nắng, găng tay, khẩu trang để tránh nắng nóng. Ngoài ra, trang bị thêm bình nước uống riêng để uống bù mất nước do liên tục phải di chuyển dưới trời nắng nóng”. Đối với dân chuyên bốc xếp, chạy hàng ở chợ đầu mối lớn nhất - chợ Rồng, do đặc thù công việc, hàng luôn đổ về tập trung từ 11 giờ đến 14-15 giờ nên đây là khung giờ cao điểm để bốc vác. Chiếc khăn mặt lạnh trở thành vật bất ly thân với thợ bốc xếp. Anh Vũ Văn Đức cho biết: “Cơm bụi thường được gọi đến tận nơi để tiết kiệm thời gian dành cho nghỉ ngơi nhưng nhiều khi cũng chả kịp ăn vì phải nhanh chóng đóng gói kiện hàng cho kịp chuyến xe gửi khách đi vào buổi chiều. Bữa cơm trưa thường là lúc 14 giờ chiều”. Chị Nguyễn Thị Lý là công nhân vệ sinh môi trường của Công ty cổ phần Môi trường Nam Định cho biết, nắng nóng khiến công việc của chị trở nên vất vả hơn, vì hàng ngày chị phải ra đường quét dọn theo ca làm đã được giao. Đi bộ nhiều dưới nắng nóng mệt phờ, nhưng vì công việc, chị vẫn phải cố gắng và còn có thu nhập là còn hạnh phúc hơn trong bối cảnh dịch COVID đang khiến nhiều người khó khăn tìm việc. Công ty cũng tạo điều kiện tăng phụ cấp và bổ sung nước mát cho anh em nên cũng đỡ mệt hơn. Nhiệt độ tăng cao kỷ lục thời gian gần đây cũng là nỗi ám ảnh của nhiều người lao động làm các công việc trong ngành xây dựng. Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, các công trường đều điều chỉnh giờ làm việc thích hợp như sáng làm thật sớm, khi trời còn mát. Ca làm việc thường từ 6 giờ sáng, nghỉ khi nắng nóng cao điểm từ 10 giờ sáng đến hết 14-15 giờ; ca chiều thường kết thúc vào lúc 19 giờ. Hầu hết họ vẫn phải phơi mình dưới cái nắng nóng, với hy vọng, dù có vất vả, mệt nhọc, nhưng có đủ việc làm và thu nhập tương đối đều đặn, đủ để trang trải cuộc sống. “Với người lao động chân tay như chúng tôi, chỉ mong thời tiết đừng quá khắc nghiệt như hiện nay, chứ vừa tạm dừng dịch bệnh xong, cứ nắng nóng kéo dài thế này, người lao động chỉ có con đường “đói” - anh Phạm Đức Duy, thợ hồ xây nhà trên đường Trần Duệ Tông, phường Lộc Vượng tâm sự.

Theo cơ quan y tế, thời tiết nắng nóng như hiện nay nếu ở lâu ngoài trời dễ dẫn đến tình trạng sốc nhiệt, đột quỵ, trụy mạch, tổn thương não... Vì thế, những người buộc phải làm việc ngoài trời cần mặc đồ bảo hộ khi ra ngoài trời nắng; bố trí thời gian làm việc ngoài trời và nghỉ ngơi hợp lý. Nếu bắt buộc phải làm việc trong môi trường nhiệt độ cao thì không nên làm trong thời gian quá lâu, nên nghỉ ngơi từ 15-20 phút tại chỗ thoáng mát sau mỗi 45 phút - 1 giờ làm việc dưới nhiệt độ cao. Uống đủ nước bù mất nước do đổ mồ hôi khi làm việc ngoài trời nóng; thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; khi có những biểu hiện như chóng mặt, buồn nôn, ra mồ hôi quá nhiều… cần ngừng làm việc, tìm chỗ mát mẻ, thoáng gió, uống nước mát và nghỉ ngơi. Các trường hợp nặng hơn cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và cấp cứu kịp thời./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com