Gặp những chiến sĩ Điện Biên năm xưa

08:05, 07/05/2020

Cứ đến tháng 5 là bao ký ức lại ùa về trong tâm trí của những cựu chiến binh (CCB) “Một thời hoa đỏ”. Với họ, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ luôn là đề tài nóng hổi mỗi khi gặp mặt, là kỷ niệm về những người đồng đội nằm lại nơi chiến trường, là ký ức về những trận đánh nảy lửa giành nhau từng tấc đất giữa ta và địch.

CCB Nguyễn Đức Tuấn (ngồi ngoài cùng bên phải), cùng đồng đội ôn lại những kỷ niệm trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
CCB Nguyễn Đức Tuấn (ngồi ngoài cùng bên phải), cùng đồng đội ôn lại những kỷ niệm trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong không khí cả nước kỷ niệm 45 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, 66 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi về thăm những CCB ở huyện Xuân Trường. Cả huyện hiện còn 30 CCB trong hàng trăm người con quê hương đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở chiến trường Điện Biên. Theo chân cán bộ Hội CCB huyện, chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Đức Tuấn, nguyên Thiếu úy, Chính trị viên Trường Quân chính Quân khu Tây Bắc, hiện đang sinh sống tại thị trấn Xuân Trường; ông Bùi Xuân Hướng, nguyên Tiểu đội trưởng 50 Đại đội 346, Trung đoàn 57, Sư đoàn 304, hiện đang ở xóm 19A, xã Xuân Kiên (Xuân Trường). Lần dở từng trang ký ức, các ông vẫn bồi hồi “Đây là hầm Đờ Cát-tơ-ri, kia là đồi A1, D1, hố sâu của quả bộc phá nặng 1.000kg...”.

Năm nay ông Tuấn vừa thượng thọ 90 tuổi, còn ông Hướng cũng đã ở tuổi 88. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng các ông vẫn khỏe mạnh và minh mẫn khi kể cho chúng tôi nghe về chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa. Khi đó, tháng 12-1952, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Tuấn đang tham gia du kích ở địa phương thì được lệnh lên đường tham gia chiến dịch. Ông được nhận nhiệm vụ trinh sát ở Đại đội 256, Tiểu đoàn 920, Trung đoàn 148. Đơn vị của ông được giao nhiệm vụ trinh sát, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực đánh chiếm sân bay Mường Thanh. Thực hiện nhiệm vụ trinh sát, ông và đồng đội phải đào các hầm, hào, đánh lấn bằng bùi nhùi rơm. Theo đó, các ông bện các bùi nhùi rơm đặt phía trước để chống địch bắn thẳng và đào hầm, tiến sâu vào sân bay. Các hầm, hào được phát triển theo các nhánh hình xương cá và đào ụ chiến đấu, phòng ngự cố thủ. Quân địch ý thức được rằng, mất sân bay là đồng nghĩa với thất bại liền kề nên đã tập trung hỏa lực đánh phá vào ban đêm nhằm mục đích giành thế chủ động. Trên bầu trời Mường Thanh thời điểm đó không lúc nào ngớt tiếng bom nổ, pháo sáng như ban ngày. Ông Tuấn kể: Tôi cùng đồng đội lúc này gặp rất nhiều khó khăn vì vừa phải đào giao thông hào vào ban đêm dưới hỏa lực rất mạnh của địch lại vừa chiến đấu, bảo vệ hầm, hào, ngăn địch tập trung lực lượng san lấp và chiếm lại. Để giữ vững từng mét hào, từng ụ cố thủ, các anh em trong đơn vị đã anh dũng chiến đấu không quản ngày đêm. Trong dòng hồi tưởng, ông Tuấn nhớ lại: “Lúc bấy giờ, có 5 đơn vị là Đại đoàn 312, 308, 316, 304 và 351 cùng tham gia; trong đó Đại đoàn 312 là đơn vị chủ công. Đại đoàn 308 và các đơn vị khác có nhiệm vụ hỗ trợ đơn vị chủ công trong chiến dịch. Xác định sân bay Mường Thanh với vị trí chiến lược đồng thời là con đường tiếp tế cuối cùng nên quân địch cố giữ bằng mọi giá. Cuộc chiến đấu tại đây diễn ra vô cùng ác liệt, ta và địch giành nhau từng tấc đất”. Ta bắt đầu những ngày tháng kiên cường chiến đấu với một trong những quân đội mạnh nhất trên thế giới với những đơn vị lính lê dương của địch, trang bị súng đạn hạng nặng. Các đơn vị đều mong mỏi được đánh trận mở màn, tuy vậy họ ít nhiều đều bị tiêu hao lực lượng trong những trận truy kích địch trước đó. Với nhiệm vụ trinh sát dẫn đường cho đơn vị chủ lực, ông và đồng đội đã dẫn đường thành công cho các đơn vị đánh chiếm Pom-lót, Mường Pồn, chiếm Mường Lói, cửa khẩu Tây Trang, đánh chặn không cho địch từ các ngả chi viện cho sở chỉ huy của địch, góp phần vào thắng lợi chung của chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Tuấn tiếp tục tham gia chiến dịch Nậm Pạc, đánh đồn Tông Sơn. Cuối năm 1954, ông được điều động về làm trợ lý chính trị ở huyện Điện Biên. Năm 1971 tham gia cùng đơn vị giúp nước bạn Lào đánh Vàng Pao. Đến năm 1975, do điều kiện sức khỏe, ông được về Viện an dưỡng (Quân khu 4) rồi nghỉ phục viên với quân hàm Thiếu úy, thuộc đơn vị Trường Quân chính Quân khu Tây Bắc.

Tiếp mạch chuyện ông Tuấn, ông Hướng bồi hồi xúc động khi nhớ về lần tham gia trận chiến đánh cứ điểm Hồng Cúm. Là một đơn vị quan trọng trong Đại đoàn 304, theo nhiệm vụ được phân công Trung đoàn 57 được phối thuộc một tiểu đoàn của Trung đoàn 9, cử một tiểu đoàn chốt chặn trên đường đi Tây Trang không cho quân địch rút chạy sang Lào, siết chặt vòng vây xung quanh Hồng Cúm, tập kích trận địa pháo binh, tiêu diệt khu C Hồng Cúm. Qua các cấp chỉ huy, ông Hướng được biết, đây là trận đánh có quy mô lớn, trong đó đơn vị phải đối đầu với 12 nghìn quân địch với trang thiết bị, vũ khí chiến tranh hiện đại bậc nhất. Đại đoàn 304 được giao nhiệm vụ bao vây phân khu Nam, khống chế sân bay và trận địa pháo binh địch, tiến tới chia cắt phân khu Hồng Cúm với phân khu trung tâm Mường Thanh. Đây là một trong ba phân khu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với hơn 2.000 tên địch, gồm một tiểu đoàn lựu pháo 105mm, một đại đội cối 120mm, hai trung đoàn xe tăng. Trong khi Trung đoàn 57 chốt chặn ở phân khu Nam thì Trung đoàn 9 được chia nhỏ, phối thuộc với các đơn vị khác. Cụm cứ điểm Hồng Cúm nằm trên địa hình bằng phẳng. Ở đây, địch bố trí một lực lượng khá mạnh, gồm: Tiểu đoàn lê dương số 3, Tiểu đoàn Angieri số 2, Tiểu đoàn Angieri số 5, Tiểu đoàn Ngụy Thái số 3, một Tiểu đoàn pháo 105, một Đại đội súng cối 120 ly, một Đại đội xe tăng (2 chiếc) với tổng số 2.000 binh lính. Hỏa lực bao gồm nhiều súng cối các cỡ, súng phun lửa và các loại súng bắn thẳng bố trí thành một hệ thống vừa tự bảo vệ vừa yểm hộ cho những cứ điểm xung quanh. Đầu tháng 4-1954, trận địa của Trung đoàn 57 bắt đầu lấn dần vào phân khu nhằm đánh chiếm xây dựng một trận địa hình cánh cung, chạy từ Đông sang Tây, cắt rời phân khu Nam với khu trung tâm Mường Thanh. Đang mạch chuyện, ông Hướng bảo, hồi đấy, bộ đội ta vất vả nhưng hăng hái phấn khởi lắm. Cơm ăn chưa đủ no nhưng với ý chiến quyết thắng, nhất là tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ và đặc biệt là đồng chí Võ Nguyên Giáp, người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam nên bộ đội ta đã bám trận địa, ngày tranh thủ nghỉ, đêm tranh thủ đào chiến hào để lấn dần từng tấc đất, tiến sát vào các lô cốt địch. Nhận thấy nguy hiểm đang rình rập, thực dân Pháp đã điên cuồng đối phó cho máy bay bắn phá dữ dội vào trận địa của bộ đội ta. Ban ngày thì đưa xe tăng, bộ binh ra lấp chiến hào rồi cài mìn đánh bẫy, ban đêm chúng tổ chức từng toán nhỏ phục kích ngay ở mũi các chiến hào. Biết được ý đồ của quân Pháp, chúng ta đã cho thay đổi vị trí đào hào, khi thì đào từ ngoài vào, khi đào từ trong ra, bố trí lực lượng đánh phục kích địch. Thời điểm căng thẳng nhất là giai đoạn bước sang đầu tháng 5, khi những thắng lợi của ta ngày càng mở rộng trên khắp chiến trường Điện Biên thì số lính Pháp đóng tại phân khu Nam ngày càng bị siết chặt bởi những vòng vây lửa của bộ đội Việt Minh, chúng chỉ chống trả yếu ớt trước sự tấn công của ta. Trong những ngày tháng chiến đấu cuối cùng tại lòng chảo Điện Biên, theo quyết định của Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp, thì lính Pháp tại lòng chảo đã chuẩn bị cho 1 cuộc rút chạy khỏi vòng vây Điện Biên sang thượng Lào. Khoảng 17 giờ ngày 7-5-1954, tại Hồng Cúm, chúng ta đã phát hiện địch ném vũ khí xuống sông Nậm Rốn và có những đám cháy trong cứ điểm, chuẩn bị cho một cuộc tẩu thoát. Khi đó, Chính uỷ Lê Chưởng, Đại đoàn 304 hạ lệnh cho pháo bắn thẳng vào Hồng Cúm. Cùng với các đơn vị bạn, tiểu đội 50 dùng súng tiểu liên hỗ trợ đồng đội bắn dồn địch. Hồng Cúm chìm trong khói lửa. Vòng vây của ta cứ vậy xiết chặt xung quanh. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 57 hạ lệnh đốt đuốc truy tìm quân địch, đuốc sáng rực cả một vùng trời, du kích và đồng bào những bản xung quanh Hồng Cúm cũng chủ động phối hợp dẫn đường cho bộ đội đuổi bắt địch.

***

“Khoảng 20 giờ ngày 7-5-1954, quân ta đã làm chủ những cứ điểm cuối cùng tại phân khu Nam, kết thúc số phận của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Đến rạng sáng ngày 8-5-1954 tin thắng trận của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã được phát đi, lúc đó chúng tôi mới tin rằng chúng ta vừa đánh thắng giặc Pháp, giải phóng Điện Biên”. Ông Hướng, ông Tuấn bồi hồi nhớ lại thời khắc lịch sử mà các ông đã góp phần làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”./.

Bài và ảnh: Thanh Tuấn

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com