Tản mạn "chợ cóc"

08:04, 03/04/2020

Không cần ki-ốt hay mái che, người ta tận dụng những khu đất trống trải bạt rồi bày hàng bán. Cũng có người trưng hàng ngay trên xe máy, xe đạp bằng một cái rổ nan, hai cái sọt theo kiểu xe thồ hình thành nên những “chợ cóc, chợ tạm” ven đường nằm bên cạnh các khu, cụm công nghiệp dành cho công nhân. Chợ họp từ khoảng 4 giờ chiều đến 7 giờ tối với đa dạng các loại hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người lao động.

Một góc khu chợ dành cho công nhân tại Khu công nghiệp Mỹ Trung, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc).
Một góc khu chợ dành cho công nhân tại Khu công nghiệp Mỹ Trung, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc).

Đến Khu công nghiệp Mỹ Trung, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc), chúng tôi được chứng kiến buổi họp chợ dành cho những người công nhân lao động trong khu công nghiệp. Khác hẳn với những khu chợ tập trung ở các xã, thị trấn, thành phố, các khu chợ gần khu, cụm công nghiệp này toàn là các mặt hàng giá rẻ, rẻ hơn chợ truyền thống, siêu thị từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng/món. “Sở dĩ, chợ có giá rẻ như thế vì khách hàng chủ yếu là công nhân làm trong các khu công nghiệp, thu nhập thấp, giá cả các mặt hàng ở đây cũng thấp hơn so với các khu chợ khác”, chị Phạm Thị Minh, 35 tuổi quê ở xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) là một tiểu thương đã bán hàng ở đây được 5 năm cho biết. Học hết lớp 9, chị nghỉ hẳn ở nhà phụ cha mẹ công việc đồng áng. Gần 10 năm trước, chị theo người trong làng đến Khu công nghiệp Mỹ Trung để tìm việc làm. Được khoảng 5 năm chị lập gia đình rồi sinh con. Do cuộc sống gia đình bận rộn, con cái thường xuyên ốm đau nên chị đã xin nghỉ làm ở công ty và chuyển sang bán hàng. Thời gian đầu do chưa quen khách nên chị lấy các mặt hàng đồ khô như cá, tôm đem đến đây để bán cho công nhân. Được một thời gian quen dần với công việc, chị chuyển sang bán thêm các mặt hàng rau củ, quả. Hiện tại, chị bán đầy đủ các mặt hàng thực phẩm từ rau củ cho đến các loại hàng tươi sống như: ngao, hến, trai, đậu phụ… Đối với chị, bán hàng ở đây cũng chỉ tạm trang trải cho cuộc sống gia đình vì công nhân ở đây đa số là có thu nhập thấp mà sản phẩm hàng hóa giá trị không cao, được cái thời gian thoải mái, không bị gò bó. Không riêng gì Khu công nghiệp Mỹ Trung, mà các con đường dẫn vào Cụm công nghiệp Cổ Lễ (Trực Ninh) cũng được người bán tận dụng không gian, mặt bằng. Ngoài những mặt hàng thiết yếu hàng ngày như rau củ, thực phẩm tươi sống, quần áo còn có cả những gian hàng đồ gia dụng, đồ điện tử. Đặc điểm chung của những khu chợ này là nhộn nhịp nhất khoảng thời gian từ 4 giờ chiều đến 7 giờ tối. Trò chuyện với  chị Nguyễn Thị Hoa, 30 tuổi, một tiểu thương bán hoa quả, chúng tôi được biết, trước đây chị bán hàng rong trên Hà Nội, do điều kiện gia đình nên chị về gần nhà tiện việc chăm sóc con cái ăn học. Nhiều lần ghé qua chợ dành cho những công nhân để mua hàng, chị đã quen với cách thức mua bán ở chợ. Hàng ngày, buổi sáng chị bán hàng hoa quả ở một chợ khác gần nhà, chừng khoảng 3 giờ chiều chị lại chở hàng đến đây. Công việc này gắn bó với chị cũng đã được 3 năm. Xe hàng của chị gồm có hai cái sọt sắt đựng hoa quả, một cái làn nhựa bên trong có cân, túi ni-lông. Thế là chỉ cần đứng một chỗ, chị có thể bán hàng được. Tầm 4 giờ 30 phút chiều, từng tốp công nhân tranh thủ ghé chợ mua đồ ăn, thức uống chuẩn bị cho bữa tối. Chị Hoa tranh thủ lúc vãn khách, dọn dẹp lại sọt hoa quả cho gọn gàng rồi ngồi đợi tiếp tốp công nhân tan ca lúc 5 giờ chiều và 7 giờ tối. Do ngồi ở đây thường xuyên nên chị nắm rất rõ giờ ra vào của công nhân, cũng như từng khung giờ tan ca. Chúng tôi ghé vào gian hàng nào cũng được người bán hàng niềm nở chào mời bằng một câu cửa miệng: “Ở đây bán hàng toàn cho công nhân, nên chị không bán đắt cho ai đâu. Công nhân làm gì có nhiều tiền, bán với giá đắt thì hàng nhà chị bán được cho ai”. Người bán không phải nói thách và người mua cũng không mất công trả giá vì tất cả những mặt hàng đều được niêm yết giá sẵn như: Quần áo trẻ em 25 nghìn đồng/bộ, người lớn 35-100 nghìn đồng/bộ, áo sơ mi nam 50 nghìn đồng/chiếc. Gian hàng “đồng giá” 39 nghìn đồng/món có đủ thau chậu, cây lau nhà, các vật dụng gia đình, đồ chơi trẻ em hay gian hàng một giá duy nhất với giá 5 nghìn đồng/vật dụng như: cọ nồi, dao, cái rổ… Các thứ khác như: chanh, hành, tỏi, mía được người bán gói sẵn trong túi ni-lông với giá khoảng 10 nghìn đồng/túi. Trái cây, thịt, cá cũng có giá rẻ hơn bình thường và càng về tối giá càng rẻ. Chị Nguyễn Thị Tươi, công nhân Công ty TNHH Giày AMARA Việt Nam cho biết: “Tôi quê Thái Bình, nhưng lấy chồng bên Nam Định. Trước kia mỗi khi đi làm về tôi phải đi vài km mới đến được chợ mua rau, thực phẩm về nấu cơm cho gia đình. Làm về đã mệt, lại còn phải đi chợ xa nữa nên tôi rất ngại. Nhưng từ khi làm ở công ty, tôi không còn mất nhiều thời gian để đi chợ nữa vì chợ nằm ngay chỗ tôi làm. Chiều nào đi làm về tôi cũng ghé vào chợ để mua đồ về nấu bữa tối. Tôi rất hài lòng với những món đồ mình mua được từ khu chợ chỉ dành riêng cho công nhân chúng tôi”. Điều đặc biệt ở những khu chợ này là chợ bán theo giờ tan ca của công nhân và nghỉ ngày chủ nhật. Bởi vì “thượng đế” của những người tiểu thương tại khu chợ chủ yếu là công nhân. Và mỗi tháng, khu chợ sẽ nhộn nhịp tấp nập hơn vào những ngày công nhân được lĩnh lương. Những ngày này, hàng hóa ở chợ càng phong phú với nhiều sản phẩm có giá trị hơn, thương lái thậm chí chở cả ô tô, xe tải hàng hóa về đây bán. 

Những khu “chợ tạm, chợ cóc” mọc lên đáp ứng nhu cầu của công nhân, nhất là những công nhân nhà xa, có con nhỏ tan tầm muộn không có thời gian đi chợ thường xuyên. 5, 6 giờ tan ca là có thể tranh thủ mua ít rau, thức ăn về làm bữa cho gia đình. Tuy nhiên, đây hầu hết là những khu chợ mọc tự phát không có sự quản lý của chính quyền nên cũng còn nhiều bất cập như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quản lý, chợ họp ngay bên lề đường gây mất an toàn giao thông. Do phục vụ cho đối tượng công nhân, người có thu nhập thấp nên giá cả các loại hàng hóa khá rẻ, đi đối với đó là chất lượng có được đảm bảo? Vì vậy cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý các chợ tự phát này nhằm bảo vệ quyền lợi cho công nhân, những người có cuộc sống còn nhiều khó khăn./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com