Mô hình du lịch trải nghiệm đồng quê ở Hải Hậu

04:04, 03/04/2020

Nhằm khai thác, quảng bá, giới thiệu những điểm đến hấp dẫn của các vùng quê Nam Ðịnh nói chung, các huyện ven biển nói riêng, Công ty CP Tư vấn và Ðầu tư Ecohost đã xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm đồng quê. Ðây là mô hình du lịch sáng tạo vì cộng đồng, góp phần quảng bá và thiết kế các sản phẩm thủ công độc đáo của các làng nghề, hỗ trợ người dân cải thiện sản phẩm của mình cho phù hợp với thị hiếu khách du lịch để nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Với những đóng góp ban đầu cho cộng đồng, mô hình du lịch của Ecohost Hải Hậu đã được Hội đồng Tư vấn, đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh xếp hạng 4 sao đợt I năm 2020.

Giới thiệu về Ecohost Hải Hậu cho du khách tham quan.
Giới thiệu về Ecohost Hải Hậu cho du khách tham quan.

Trụ sở Ecohost Hải Hậu tại phố cổ Ðồng Nguyên, thị trấn Yên Ðịnh có khuôn viên rộng khoảng 1.000m2, gồm 3 khu nhà 3 gian cổ với mái ngói ta, cửa bức bàn, không gian yên ả, trong trẻo, thanh bình, nội thất bên trong hoàn toàn bằng gỗ. Ðiểm đặc biệt trong các khu nhà cổ này là không có những thiết bị phát thải khí nhà kính như ti vi, tủ lạnh. Không chỉ đơn thuần là ăn, nghỉ dưỡng, sinh hoạt cùng người dân bản địa như các mô hình du lịch cộng đồng khác, Ecohost Hải Hậu mang đến cho du khách những trải nghiệm đồng quê hấp dẫn để có thể tìm hiểu văn hóa, lịch sử đặc trưng riêng có của vùng đất này. Ðể du khách hòa nhập với thiên nhiên và văn hóa bản địa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, ngoài việc giữ nguyên những kiến trúc cổ của ngôi nhà, Ecohost Hải Hậu cũng khuyến nghị du khách không dùng đồ nhựa một lần, hạn chế rác thải có hại cho môi trường. Chị Trần Thị Minh, nhân viên Công ty Du lịch Vietrantour chia sẻ: “Tôi đã trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng ở nhiều nơi nhưng Ecohost Hải Hậu cho tôi thấy thông điệp bảo vệ môi trường cụ thể để phát triển bền vững. Thay vì dùng các chai nhựa đựng nước đóng sẵn, du khách được khuyến nghị mang theo bình nước cá nhân, bàn chải, khăn mặt nhằm hạn chế chất thải từ việc sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân dùng một lần như ở khách sạn. Ngoài ra, để giảm thiểu chất thải có hại, tại đây còn sử dụng chất tẩy rửa được khai thác, chế biến từ nguyên liệu tự nhiên, đó là việc rửa tay bằng nước xả, uống nước vối, chè xanh... Những chi tiết nhỏ ấy đã mang một thông điệp lớn và nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường cho du khách”.

Không chỉ hướng tới việc xây dựng môi trường bền vững, Ecohost Hải Hậu còn chú trọng bảo vệ các yếu tố văn hóa truyền thống bản địa. Trao đổi với chúng tôi, chị Bùi Thị Nhàn, Giám đốc điều hành của Ecohost Hải Hậu cho biết: “Văn hóa truyền thống bản địa tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt cho sản phẩm du lịch của Ecohost Hải Hậu. Chúng tôi luôn cố gắng mang tới cho du khách những cảm nhận đầy đủ, chân thật nhất về những giá trị văn hóa phi vật thể hiện diện trong cuộc sống hàng ngày hay các di sản đã được trao truyền qua bao thế hệ. Ðó có thể là các loại đặc sản, những món quà bình dị của quê hương giàu bản sắc văn hóa như: Nem nắm, bánh nhãn, gạo nếp, bánh chưng cho đến nghệ thuật hát Văn, múa rối nước làng Rạch - nơi nổi tiếng với phường rối nước Nam Chấn, xã Hồng Quang (Nam Trực) hay thăm làng nghề đan lưới Tân Minh, xã Hải Triều; di tích nhà thờ đổ xã Hải Lý. Tại những nơi đến tham quan, du khách sẽ tìm hiểu cuộc sống của cộng đồng bản địa thông qua việc tiếp đón chân thành, cởi mở của người dân địa phương và hướng dẫn viên... Những di sản văn hóa ấy chính là tiền đề và nền tảng căn cốt để mô hình du lịch cộng đồng phát triển một cách bền vững”. Bên cạnh đó, Ecohost Hải Hậu còn liên kết với một số công ty lữ hành, các ban, ngành chức năng và các làng nghề truyền thống của địa phương để xây dựng tour du lịch trải nghiệm thực tế bằng xe đạp. Du khách được đi xe đạp trên con đường sạch sẽ, thoáng mát, hai bên phủ đầy hoa để khám phá cuộc sống thường ngày của người dân địa phương, tìm hiểu phong tục tập quán, tham quan các tuyến điểm du lịch của Nam Ðịnh như Chùa Cổ Lễ, làng ươm tơ Cổ Chất, làng nghề kèn đồng Hải Minh, nhà thờ đổ Hải Lý, Vườn quốc gia Xuân Thuỷ, nhà thờ Phạm Pháo, cánh đồng muối Bạch Long...; trải nghiệm du lịch đồng quê qua việc làm bánh nhãn thủ công truyền thống hay thưởng ngoạn ngư dân đi cà kheo tái hiện lại công việc đánh bắt dưới biển, với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Việc tham gia phát triển mô hình trải nghiệm cộng đồng đã giúp người dân địa phương tăng sản lượng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm của quê hương như: Bánh nhãn Hải Hậu, bánh chưng bà Thìn, nem nắm, gạo nếp, bột đậu Hoàng Thanh, mật ong sú vẹt của Vườn quốc gia Xuân Thủy. Ðây là những đặc sản độc đáo của vùng đất miền biển để phục vụ nhu cầu làm quà cho người thân của khách du lịch khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Ecohost Hải Hậu. Nhờ đó, thu nhập trung bình hàng năm của cộng đồng địa phương tham gia vào chuỗi dịch vụ của Ecohost Hải Hậu đã có sự thay đổi đáng kể, ở mức khoảng 30-50 triệu đồng/hộ/năm. Ðây thực sự là những tín hiệu đáng mừng cho một mô hình du lịch mới được hình thành và phát triển vì cộng đồng.

Ecohost Hải Hậu đang góp phần phát triển du lịch một cách bền vững qua việc tập trung khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương, đồng thời chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên thiên nhiên và nhất là tạo sinh kế ổn định cho người dân địa phương./.

Bài và ảnh: Văn Đại
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com