Linh thiêng Nghi lễ chào cờ trên đảo Trường Sa

08:04, 30/04/2020

Đã hai năm trôi qua nhưng đến hôm nay, tôi vẫn luôn thấy mình may mắn khi được cùng đoàn công tác của tỉnh đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 vào những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 2018. May mắn hơn, trong chuyến đi này, tôi vinh dự được hòa cùng quân và dân trên đảo Trường Sa tham dự nghi lễ chào cờ linh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc, giữa trùng khơi sóng biển.

Duyệt binh trong nghi lễ chào cờ trên đảo Trường Sa. Ảnh: Xuân Thu
Duyệt binh trong nghi lễ chào cờ trên đảo Trường Sa. Ảnh: Xuân Thu

Nằm ở phía Nam, cách Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) khoảng 254 hải lý, đảo Trường Sa giống như một pháo đài sừng sững, kiên trung giữa Biển Đông và được mệnh danh là “Thủ đô của huyện đảo Trường Sa”. Đảo có hình dáng như một tam giác vuông, bề mặt bằng phẳng, thổ nhưỡng phần lớn gồm cát và san hô. So với mực nước biển lúc thủy triều xuống thấp nhất, mặt đảo cao khoảng 3,4 đến 5 mét. Do nằm trên nền san hô ngập nước nên đảo có nước lợ nằm ở độ sâu khoảng 2 mét, thuận tiện cho tắm, giặt, tưới cây; đây là sự ưu đãi của thiên nhiên cho con người ở đảo. Điều kiện khí hậu, thủy văn trên đảo có đặc trưng mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp. Mùa khô từ tháng 2 đến tháng 5, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau. Những tháng mùa khô, khí hậu thật khắc nghiệt; nắng, nóng, oi bức kéo dài từ 4 giờ 30 phút sáng đến tận 10 giờ đêm hàng ngày. Tuy nhiên, đây là thời kỳ sóng yên, biển lặng, rất thuận lợi cho các đoàn khách từ đất liền ra thăm hỏi, tham quan, động viên bộ đội và nhân dân trên đảo; đồng thời cũng là mùa đánh bắt hải sản của ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung, miền Nam nước ta. Vì thế, tuy có nắng nóng và thiếu nước ngọt nhưng đây là những tháng mà mọi hoạt động của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo trở lên sôi động hơn. Trên đảo Trường Sa hiện đã có các công trình như: Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa, chùa, nhà đèn, nhà dân, trạm khí tượng thủy văn, nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài liệt sĩ... Nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa, đảo Trường Sa là nơi thuận tiện cho ngư dân tránh trú gió, bão. Vì vậy, nhiều năm qua ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam và một số địa phương ven biển Nam Bộ mỗi khi xa bờ, ra khơi sản xuất, bất ngờ có bão, giông, đau ốm, phần nhiều đều đến Trường Sa tạm lánh, cấp cứu, điều trị, tiếp nhận nước ngọt, lương thực, thực phẩm, tạo nên sự gắn kết bền chặt, thắm đượm tình quân dân, trở thành cột mốc chủ quyền bất tử giữa biển khơi...

Đến với Trường Sa, nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang tung bay ở cột mốc chủ quyền của Tổ quốc, cảm xúc dâng trào thật khó tả. Điều đặc biệt thiêng liêng, để lại ấn tượng sâu sắc nhất là khi được tham dự nghi lễ chào cờ ở Trường Sa, giữa bốn bề sóng vỗ. Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn công tác của tỉnh bày tỏ, cờ đỏ sao vàng đã thấm sâu vào máu thịt của mỗi người dân Việt Nam. Vì vậy, khi nhìn thấy màu cờ Tổ quốc giữa trùng dương mênh mông, hình ảnh hồn thiêng sông núi đang hiện hữu vô cùng xúc động. Giữa bao la nước biếc, trời xanh và mây trắng, màu cờ đỏ sao vàng như tươi thắm, rực rỡ hơn... Ở Trường Sa, thường cứ 5 giờ 30 phút sáng hàng ngày, lễ thượng cờ Tổ quốc được các chiến sĩ trên đảo tiến hành ngay tại cột mốc chủ quyền. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ hết sức thiêng liêng của những người lính đảo. Bên cạnh đó, mỗi tháng một lần, các lực lượng trên đảo đều tổ chức lễ chào cờ Tổ quốc vào sáng thứ hai đầu tiên. Tất cả quân và dân trên đảo đều tham gia hoạt động ý nghĩa này. Người được chọn vào vị trí để làm lễ thượng cờ phải là những chiến sĩ có thành tích xuất sắc trong công việc và rèn luyện. Đây là một trong những cách ghi nhận thành tích cũng như ý chí vươn lên của mỗi cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng gió Trường Sa, bốn bề sóng vỗ rì rào. Quốc ca vang lên hùng tráng từ những người lính đảo, át cả tiếng sóng biển. Tiếp đến là 10 lời thề danh dự của quân nhân, được cán bộ, chiến sĩ hô vang dõng dạc và trang nghiêm. Buổi lễ trở nên uy nghiêm, cuồn cuộn hào khí của dân tộc với phần diễu hành qua cột mốc chủ quyền và cột cờ Tổ quốc dưới nền nhạc của bài “Tiến bước dưới quân kỳ”. Chính những điều đó đã góp phần tạo nên mạch nguồn to lớn, cổ vũ, động viên, thôi thúc thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục trân trọng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng. Khí thế hào hùng, tác phong uy nghiêm, mạnh mẽ của những người lính đảo như khẳng định rõ ý chí quyết tâm giữ vững vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc./.

Xuân Thu

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com