Lão nông đam mê với kèn Tây

08:04, 17/04/2020

“Từ khi còn bé, tôi hay vào các nhà thờ quanh vùng xem các nhạc công chơi kèn, nhìn ngắm những chiếc kèn vàng óng ánh, lắng nghe những giai điệu trầm hùng của thứ nhạc cụ đặc biệt, dần dần niềm đam mê được chơi kèn Tây ngấm vào người lúc nào không hay. Đợi khi nhạc công rảnh rỗi, tôi thường lân la đến để nhờ họ chỉ dạy về nhạc lý và cách chơi kèn” - ông Đinh Văn Mạnh, xóm 11, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) chia sẻ.  Không chỉ đam mê chơi kèn, từ năm hơn 20 tuổi ông Mạnh còn “tập tành” làm kèn Tây. Ông chính là tác giả của cây kèn Trumpet lớn nhất Việt Nam.

Ông Đinh Văn Mạnh, xóm 11, xã Xuân Tiến đang sửa chữa kèn đồng cho khách.
Ông Đinh Văn Mạnh, xóm 11, xã Xuân Tiến đang sửa chữa kèn đồng cho khách.

Sinh ra trong một gia đình có nghề truyền thống đúc đèn dầu, ông Mạnh đã học được nhiều kỹ năng đúc các loại đèn từ cha, vốn là một thợ đúc nức tiếng của vùng. Đến khi có thể tự tay đúc được các sản phẩm thì cũng là lúc cảnh nhà ông Mạnh gặp nhiều khó khăn. Do kinh tế gia đình khó khăn, có thời điểm ông Mạnh “xoay” đủ nghề để kiếm sống. Từ làm đèn măng xông, đèn dầu, bàn là, lò đốt than… ông đều đã từng trải nghiệm.  Năm 20 tuổi, sau khi tiếp quản xưởng chế tác đồng của cha để lại, ông Mạnh tự mày mò và thử học cách tự chế tạo kèn đồng. Ông mua nguyên liệu đồng về dát mỏng, tự tay vẽ các bản mẫu và làm thử. Tất cả các công đoạn làm kèn, ông Mạnh chủ yếu làm bằng tay. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên những chiếc kèn đầu tiên ra đời hình thức đã tương đối đẹp nhưng phần hơi thì… “tậm tà tậm tịt”, thổi không ra tiếng. Ông Mạnh nhớ lại: “Mấy chiếc kèn đầu tiên tôi làm ra đều bị hỏng bộ hơi nên bỏ đi hết, phải đến khi làm tới chiếc kèn thứ 21, tiền bỏ ra đã tốn ngang với mua vài tạ thóc mới thành công. Lúc làm thành công chiếc kèn đầu tiên thì vui mừng lắm, sau bao ngày đêm mất ăn, mất ngủ, cuối cùng cũng được mãn nguyện, cả ngày cứ ôm kèn ngắm, vuốt, thổi ra thổi vào, mân mê mãi mà không biết chán”. Chiếc kèn đầu tiên ông Mạnh làm là loại kèn Trombone, từ đó đến nay ông đã chế tạo được hàng chục loại kèn đồng khác nhau. Nhiều người biết tiếng bắt đầu đến đặt ông làm kèn, dần dần “thương hiệu” kèn ông Mạnh đã trở thành một cái tên nổi tiếng trong vùng. Kèn do ông Mạnh làm chất lượng không thua kém sản phẩm của các nước châu Âu mà giá thành lại rẻ hơn rất nhiều. Chia sẻ về các công đoạn làm kèn đồng, ông Mạnh cho biết phần làm bộ hơi (hay còn gọi là bộ phiếm) của kèn là khó nhất, mất thời gian hơn cả. Bởi đây là bộ phận quyết định âm thanh của kèn, chỉ cần bất cẩn, lơ là một chút là có thể bị hỏng, phải làm lại từ đầu. Vì vậy, người chế tạo bộ hơi ngoài đôi tay tài hoa còn phải có kiến thức về âm nhạc và quan trọng nhất là phải có đôi tai “đọc” được nhạc. Nguyên do đưa ông Mạnh đến với nghề làm kèn, phần lớn là do yêu thích tiếng kèn Tây. Từ năm 15 tuổi ông Mạnh đã sử dụng thông thạo được hầu hết các loại kèn đồng gồm: Trumpet, Trombone, Baritone, Bas, Saxophone…

Gắn bó với nghề làm kèn, năm 2005, ông Mạnh nhận được đơn đặt hàng “không giống ai” của một vị khách đặc biệt, là người đứng đầu Giáo phận Bùi Chu, Giám mục Hoàng Văn Tiệm. Ông Mạnh vừa sửng sốt vừa lo lắng vì yêu cầu của khách hàng cây kèn Trumpet trong đơn đặt hàng phải lớn gấp khoảng hơn 1.000 lần so với cây kèn bình thường mà ông vẫn làm. Sau khi bàn thảo với con rể là anh Ngô Văn Hòa, một nghệ nhân tâm huyết với nghề, ông Mạnh đã quyết định nhận đơn đặt hàng. Để làm cây kèn này, ông Mạnh đã mất nhiều đêm thức trắng tính toán, vẽ phác thảo hình dáng, đặt số đo, kích thước của chiếc kèn. Sau đó, ông tự mình cất công đi đặt mua đồng về để tiến hành công việc chế tác. Chuẩn bị chế tác, ông Mạnh chọn ra những thợ kèn giỏi nhất trong vùng, phân công mỗi người phụ trách một mảng, một bộ phận của kèn. Đầu tiên là khâu tạo khuôn, ông phải dùng đến bê tông tạo thành hình một cái kèn, sau đó đẽo gọt rất tỉ mỉ nhưng vẫn không thành. Không dùng được khuôn bê tông, ông Mạnh chuyển sang đúc khuôn bằng thạch cao. Khuôn đổ xong nhưng tính đi tính lại, thạch cao không đủ độ vững chắc để đỡ 300kg đồng. Sau nhiều ngày vắt óc suy nghĩ, ông Mạnh lại quay về dùng bê tông và tạo khuôn theo từng công đoạn và bộ phận riêng biệt. Ông Mạnh kể: “Khí thế ngày nấu đồng đổ vào khuôn rất nhộn nhịp, vui vẻ. Đồng nguyên chất được nấu đúng quy trình, hàng chục thợ lành nghề hì hụi làm mấy ngày liền mới nấu xong 300kg đồng để đổ vào khuôn. Sau 4 tháng chiếc kèn đồng với kích thước dài 5,5m, đường kính loa kèn 1,25m, nặng hơn ba tạ mới hoàn thành. Chiếc kèn khổng lồ lớn gấp hơn 1.000 lần những chiếc kèn cùng loại bình thường khác, nhiều người ôm không xuể nhưng độ chính xác gần như tuyệt đối. Người ta phải dùng đến xe cẩu cỡ lớn mới nhấc được chiếc kèn ra khỏi khuôn để chế tác các bộ phận phụ. Chiếc kèn khổng lồ do ông Mạnh làm được ghi tên vào kỷ lục Guinness Việt Nam bởi kích cỡ “siêu to”. Trong đó, các công đoạn như tán đồng, cuộn, hàn liền mối, lắp, tiện, đánh bóng… ông chủ yếu làm bằng tay. Khi chiếc kèn hoàn tất ông Mạnh thổi thử, tiếng vang như sấm dội, bà con khắp làng nghe thấy kéo đến xem đều ngỡ ngàng, thán phục sự tài hoa của ông.

Yêu thích, đam mê những tiếng kèn Tây từ thời niên thiếu rồi trở thành thợ làm kèn, lão nông làm kèn Tây đến nay đã ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Tuy vậy khi nhắc đến kèn, khi nói về nhạc kèn, ông Mạnh vẫn giữ được sự tinh anh, am tường nhạc lý. Và khi nhắc đến cây kèn lớn nhất Việt Nam, ông có thể kể cả ngày không hết chuyện. Đủ để biết, tình yêu nghề, yêu âm nhạc của một con người tài hoa lớn đến mức nào./.

Bài và ảnh: Hoa Quyên    



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com