Đổi thay ở Xuân Thượng

09:04, 30/04/2020

Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, niềm vui kỷ niệm 45 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước được cộng thêm sự phấn khởi với những thành quả trong “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19. Nới lỏng giãn cách xã hội, chúng tôi về Xuân Thượng (Xuân Trường). Vùng quê này cũng như nhiều miền quê khác đã đóng góp không tiếc sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam và còn không ít những di chứng nặng nề thời “hậu chiến”. Vượt lên tất cả, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương đã nỗ lực xây dựng quê hương đổi mới toàn diện. Những nếp nhà cao tầng san sát chạy dọc theo tuyến đường nhựa với hai hàng đường hoa, Xuân Thượng đang bước từng bước vững chắc tiến trên con đường hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, trở thành xã nông thôn mới nâng cao của huyện Xuân Trường. 

Các tuyến đường trục chính nội đồng tại xã Xuân Thượng đều được bê tông hoá, đạt chuẩn nông thôn mới.
Các tuyến đường trục chính nội đồng tại xã Xuân Thượng đều được bê tông hoá, đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, nhân dân Xuân Thượng đã đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ: sản xuất và chiến đấu bảo vệ quê hương, đồng thời chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Xuân Thượng đã vượt lên tất cả những khó khăn gian khổ, những hy sinh mất mát để “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, 615 thanh niên của xã đã hăng hái lên đường đánh Mỹ; hơn 3.622 tấn lương thực, 410 tấn thực phẩm vượt qua bom đạn chi viện cho miền Nam ruột thịt. Bước vào thời kỳ đổi mới, tinh thần cách mạng tiếp tục được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Xuân Thượng phát huy trong công cuộc xây dựng quê hương. Chia sẻ về sự đổi thay của quê hương, đồng chí Hoàng Cường, Chủ tịch UBND xã Xuân Thượng cho biết: “Từ làng Thượng Phúc đói nghèo, tăm tối của Xuân Trường trước kia, đến nay, xã đã đổi thay vượt bậc”. Sản lượng lúa bình quân từ 5-6 tấn/ha đã vượt lên hơn 100 tấn/ha. Đường làng xóm được trải nhựa, đổ bê tông lắp điện chiếu sáng ở 100% các dong ngõ ra tới tận ngoài đồng. 100% nhà ở kiên cố, mái ngói hoặc nhà mái bằng, số nhà cao tầng, kiến trúc hiện đại ngày càng nhiều. Kinh tế cả xã dần chuyển dịch từ nông nghiệp sang hướng công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Đến nay, xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tổng thu nhập kinh tế của toàn xã đạt 275 tỷ đồng, trong đó, tỷ trọng cơ cấu kinh tế gồm nông nghiệp là 23,5%; tiểu thủ công nghiệp là 45,2%, thương mại dịch vụ là 31,3%. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân. Trên đồng ruộng, các tuyến đường nội đồng của xã đều đã cơ bản được bê tông hoá rộng thoáng, tỷ lệ cứng hoá đạt 61,5% (15,6/25,3km) đảm bảo cho phương tiện cơ giới đi lại thuận tiện vận chuyển vật tư sản xuất hay thu hoạch sản phẩm, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hoá, cánh đồng lớn. Hệ thống tuyến kênh mương được bê tông hoá đáp ứng yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu phức tạp. Trong phát triển chăn nuôi, xã đã tập trung vận động dịch chuyển dần các hộ chăn nuôi tập trung trong khu dân cư ra các khu quy hoạch tập trung với diện tích 1,5ha tại cánh đồng để bảo vệ môi trường sống. Nhiều mô hình sản xuất lúa nông nghiệp hàng hoá đã được xã khuyến khích thực hiện đem lại những vụ lúa bội thu như mô hình liên kết sản xuất lúa giống của Công ty TNHH Cường Tân với 3 hộ diện tích 33,2ha. Công ty thực hiện bao tiêu toàn bộ sản phẩm mỗi vụ, tính ra mỗi ha đem lại lợi nhuận cho bà con nông dân từ 20-25 triệu đồng/vụ. Các mô hình cánh đồng mẫu lớn khác của 33 hộ dân với diện tích 96,8ha được đầu tư cơ giới hoá hoàn thiện từ khâu gieo cấy đến khi thu hoạch, sấy bảo quản. Hay mô hình cánh đồng lớn của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Thiềm Trang sản xuất 20 mẫu lúa Tám thơm đang được xã hỗ trợ xây dựng thương hiệu theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Mô hình trang trại tổng hợp chăn nuôi lợn khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ ông Nguyễn Văn Toán ở đội 5 với 170 con lợn nái và hàng nghìn con lợn thịt, sản lượng 270 tấn thịt/năm... Nhờ vậy, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác toàn xã đạt 93,6 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân năm 2019 đạt gần 40 triệu đồng/người/năm. 

Không chỉ tái thiết lại đồng ruộng, 5 năm qua, xã đã đầu tư hơn 27,9 tỷ đồng để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn và các công trình an sinh xã hội khác như nhà văn hoá, nghĩa trang nhân dân, sân thể thao, trường học, trạm y tế… Hiện tại, tuyến đường trục xã đã được thảm nhựa dài 952m, toàn bộ tuyến đường được chiếu sáng với hệ thống cột đèn led. 100% dong ngõ xóm được chiếu sáng vào ban đêm. Cơ sở vật chất giáo dục được đầu tư cải tạo, nâng cấp phục vụ việc đổi mới, nâng cao chất lượng trong dạy và học của giáo viên, học sinh. Nền tảng giáo dục được quan tâm phát triển toàn diện, tỷ lệ trẻ em 5 tuổi đến lớp, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Tỷ lệ tốt nghiệp THCS vào THPT và dạy nghề đạt trên 85%, xây dựng trường mầm non, tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, trường xanh - sạch - đẹp - an toàn. Trường THCS đạt chuẩn quốc gia, cả 3 trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3. Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt đạt 97%. Ngoài ra, xã còn vận động xây dựng hệ thống bể bê tông thu gom bao bì, vỏ nhựa, túi đựng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng sau sử dụng, đảm bảo thu gom hơn 80% số lượng rác thải ngoài môi trường về bãi xử lý theo quy định. Chất thải rắn y tế được thu gom chuyển về trung tâm y tế huyện để xử lý. 100% người dân được sử dụng nước sạch. Môi trường sống được chăm lo, bảo vệ đảm bảo cho sức khoẻ của người dân.

Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, người dân Xuân Thượng tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tập trung phát triển kinh tế địa phương, đưa Xuân Thượng trở thành một trong những xã đi đầu thực hiện thành công tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Củng cố, nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững của các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được, nhất là các tiêu chí về: môi trường, giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế... Nâng cao giá trị 1ha diện tích đất canh tác đạt 105 triệu đồng/ha. Tốc độ tăng trưởng CN-TTCN đạt 10%/năm. Thu nhập bình quân theo đầu người đến cuối năm 2025 đạt 55 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo không thuộc chính sách bảo trợ xã hội giảm còn 0,15%. 95% người dân tham gia bảo hiểm y tế./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com