Ghi ở Trường trẻ em khuyết tật Giao Thủy

08:03, 20/03/2020

Với trách nhiệm và nhiệt huyết của mình, thời gian qua, đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường trẻ em khuyết tật Giao Thủy luôn tận tình chăm sóc, giảng dạy, giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng.

Một tiết học của cô và trò Trường trẻ em khuyết tật Giao Thủy.
Một tiết học của cô và trò Trường trẻ em khuyết tật Giao Thủy.

Trường trẻ em khuyết tật Giao Thủy là trường chuyên biệt duy nhất nằm trong hệ thống giáo dục tiểu học của tỉnh với nhiệm vụ dạy văn hóa, kỹ năng sống, phục hồi chức năng và hướng nghiệp dạy nghề cho trẻ em khuyết tật. Hiện nay, trường đang tiếp nhận 115 học sinh thuộc các dạng khuyết tật như: Khiếm thính, vận động, hội chứng đao (down), trẻ mắc bệnh tự kỷ và đa tật… Trường có 17 cán bộ, giáo viên; trong đó 13 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Để chăm sóc, dạy dỗ các em mỗi giáo viên phải có giáo án, phương pháp riêng. Dự một tiết học, chúng tôi cảm nhận được sự vất vả của giáo viên nhà trường, đặc biệt là sự kiên nhẫn uốn nắn từng nét chữ cho các em câm, điếc, thiểu năng trí tuệ và dị tật bẩm sinh. Giờ học ở lớp 1A1 của cô giáo Nguyễn Thị Chi thật đặc biệt với tiếng trẻ ú ớ phát âm, tập đếm... Mỗi em mang một dạng tật nên trong giờ học để giữ trật tự vô cùng vất vả, kỳ công bởi có khi cháu này yên thì cháu khác lại gây ồn ào. Giáo viên phải dỗ dành từng em để các em tập trung vào bài học. Cô Chi cho biết: Ở xa trung tâm, kinh tế nhiều gia đình còn khó khăn nên việc nhận thức đầy đủ về khuyết tật của các bậc phụ huynh còn hạn chế, dẫn đến trẻ không được can thiệp sớm. Học sinh khuyết tật sống xa gia đình nên thiếu thốn tình cảm. Bởi vậy, các thầy, cô giáo phải đối xử với các em bằng tình thương yêu chân thành như ruột thịt mới giúp các em tiếp thu được kiến thức văn hóa và xã hội. Ở mỗi tiết dạy, giáo viên phải nhẹ nhàng, nắm bắt tâm lý, có lúc nghiêm nghị nhưng có lúc phải chiều theo yêu cầu của học sinh; lúc các em đòi vui chơi thì giáo viên cũng tham gia với các em. Nhờ đó nhiều học sinh trong trường có sự tiến bộ rõ rệt: trẻ khiếm thính đã biết dùng ngôn ngữ ký hiệu kết hợp phát âm hình miệng để diễn đạt điều muốn nói và làm toán trong phạm vi chương trình tiểu học. Nhiều học sinh bị tự kỷ, câm, điếc sau khi học ở trường đã chuyển biến rõ rệt. Em Lã Hoàng Minh Hiếu (15 tuổi) ở huyện Ninh Khánh (Ninh Bình) bị bệnh tự kỷ được trường tiếp nhận từ năm 2017. Hoàn cảnh gia đình Hiếu khó khăn, một anh trai bị khuyết tật vận động. Đến nay Hiếu đã biết đọc, viết thành thạo, hòa đồng với các bạn trong lớp. Em Phạm Mai Tùng Anh, 12 tuổi, xã Xuân Châu (Xuân Trường) mồ côi cha mẹ từ nhỏ lại bị câm điếc bẩm sinh. Sau thời gian học tại trường, hiện nay Tùng Anh có thể giao tiếp thành thạo bằng ngôn ngữ ký hiệu… 

Không chỉ dạy văn hóa, Trường trẻ em khuyết tật Giao Thủy còn hướng nghiệp dạy nghề để khi hoàn thành chương trình tiểu học, các em có thể tham gia các lớp học nghề máy may, nghề điện dân dụng. Ở lớp dạy nghề may dân dụng, em Nguyễn Văn An, xã Giao Thịnh (Giao Thủy) với sự hướng dẫn của giáo viên đang tỉ mỉ với từng đường may. Được theo học lớp dạy nghề may là mơ ước của An. Em bị khuyết tật vận động từ lúc lọt lòng. Trong quá trình học tại trường, vượt lên mặc cảm, em đã có nhiều cố gắng vươn lên trong học tập, luôn được đánh giá là chăm ngoan, học giỏi. Hiện nay em đã có thể may được một số bộ phận đơn giản như nắp túi áo, đường thẳng, dọc quần... Em mong muốn sau khi tốt nghiệp sẽ tìm được việc làm để nuôi sống bản thân, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Qua thực tế, việc học nghề ở trường đã thay đổi cuộc sống của nhiều trẻ khuyết tật. Nhiều em sau khi học ở trường đã tìm được việc làm và có thu nhập ổn định như em Đặng Thị Lành, xã Hoành Sơn (Giao Thủy); em Phạm Văn Điền hiện là Trưởng Phòng kỹ thuật tại một Công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh, em Phùng Hữu Thanh làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin...

Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Oanh cho biết: Hiện nay, trường có 48 học sinh nội trú nên ngoài việc dạy dỗ, hàng ngày thầy cô trong trường còn thay phiên nhau chăm sóc các em từ bữa ăn đến giấc ngủ. Trong khi đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học chưa có sự đầu tư đồng bộ. Vượt qua những khó khăn, trường đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Từ năm 2015 đến nay, trường có 37/64 sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng khoa học Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện công nhận, trong đó 21 sáng kiến kinh nghiệm đạt loại xuất sắc. Để duy trì phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt”, trường đã tích cực tuyên truyền để cha mẹ học sinh kết hợp với nhà trường trong việc quản lý, can thiệp hành vi, phục hồi chức năng phù hợp với từng dạng tật. Kết hợp các đoàn thể tổ chức xã hội, Ban đại diện cha mẹ học sinh huy động trẻ khuyết tật trong độ tuổi đến trường. Chủ động phân loại dạng tật, đối tượng học sinh ngay từ đầu năm học, xây dựng kế hoạch cá nhân để hỗ trợ, giúp đỡ cho học sinh theo từng thời điểm thích hợp. Trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ, các hoạt động vui chơi tập thể ngoại khóa giúp các em tự tin, hòa mình vào các hoạt động tập thể. Với nhiều giải pháp đồng bộ, sau khi kết thúc thời gian học tập ở trường, nhiều học sinh đã thi đỗ vào Khoa giáo dục đặc biệt, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương; nhiều em có tay nghề vững vàng được tuyển vào làm việc tại các công ty may hoặc tự mở các xưởng may ở địa phương. Ghi nhận những đóng góp của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, nhiều năm liền trường được công nhận là tập thể lao động tiên tiến.

Với học sinh ở Trường trẻ em khuyết tật Giao Thủy, các thầy, cô giáo như người thắp sáng niềm tin cuộc sống, chắp cánh ước mơ, giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com