Vươn khơi, bám biển làm giàu

02:01, 09/01/2020

Những ngày cuối năm Kỷ Hợi 2019, trên các cảng cá, làng chài ven biển các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng ngàn ngạt những cơn mưa nhỏ xen cái lạnh tái tê của những cơn gió mùa đông bắc. Thời tiết dường như chẳng chiều lòng người nhưng những ngư dân nơi đây vẫn hối hả với những chuyến ra khơi để mang về ăm ắp cá, tôm và một cái Tết đủ đầy.

Cảng cá Ninh Cơ, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).
Cảng cá Ninh Cơ, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).

Cảng cá Ninh Cơ ở thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) những ngày này san sát những con tàu từ vài trăm đến hàng nghìn tấn neo đậu. Từ bụng những con tàu vừa cập bến sau những ngày lênh đênh trên biển, các loại cá, tôm... nhanh chóng được chuyển lên xe ô tô chở đi tiêu thụ. Quanh đó, những chiếc tàu khẩn trương sửa chữa lại máy móc, bổ sung ngư cụ, lương thực, thực phẩm... sẵn sàng cho chuyến ra khơi mới. “Trong 9 tháng đầu năm nay, thời tiết diễn biến tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân. Tuy nhiên, từ tháng 10 âm lịch đến nay, khi bước vào vụ cá Bắc, thời tiết trong khu vực vịnh Bắc Bộ cũng như trên Biển Đông diễn biến tương đối phức tạp, nguồn cá không dồi dào nên việc ra khơi vì thế thất thường...”, ngư dân Nguyễn Văn Hương quê xã Hải Lý (Hải Hậu) vừa chỉnh lại máy tời lưới của tàu cá NĐ 92752TS cho biết. Hơn 30 năm gắn bó với những con tàu cá lênh đênh trên các vùng biển của Tổ quốc, ông Hương đã chuyển đổi từ con thuyền nhỏ gắn máy Đông Phong (Trung Quốc) công suất 45CV lên con tàu vỏ gỗ công suất gần 450CV có trị giá đầu tư gần 3 tỷ đồng. Cùng làm bạn với ông Hương đi biển còn có 3 ngư dân khác. Anh Mai Văn Vinh ở xóm 3 xã Hải Lý có thâm niên trên 10 năm đi biển cho biết: “Làm nghề này phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều. Biển cứ lặng là tàu nhổ neo lên đường. Mùa hè thì đánh bắt ở các vùng biển Vịnh Bắc Bộ, mùa đông chúng tôi xuống vùng biển các tỉnh miền Trung. Chuyến đi ngắn khoảng 7 ngày, nhiều thì 15 ngày nên cả năm trời, 2/3 thời gian lênh đênh trên biển cả”. Cách đó không xa, con tàu NĐ 92577TS cũng đang được sửa sang lại máy móc, ngư cụ... cho chuyến đi cuối cùng trong năm Kỷ Hợi. Năm nay chưa tới 40 tuổi nhưng anh Hoàng Văn Tính ở xóm Sơn Đông, xã Hải Chính (Hải Hậu) khá già dặn. Tiếng anh sang sảng trong gió: “Con tàu vỏ gỗ công suất 450CV này, năm 2016 tôi cùng 5 anh em cùng quê góp tiền mua từ Nghệ An hơn 3 tỷ đồng. Có người phải cầm nhà vay tiền ngân hàng, có người thì vay mượn anh em, họ hàng nên ai cũng quyết tâm làm việc. Hy vọng chuyến cuối năm tàu sẽ được mẻ cá lớn để chúng tôi đón Tết vui hơn”. Tàu của anh Tính vừa trở về sau hơn 10 ngày lênh đênh trên vùng biển miền Trung với thành quả thu về hơn một tấn cá thu, cá đao... Với giá thương lái mua tại chỗ từ 140 nghìn đến 170 nghìn đồng/kg cá thu, đáng lẽ chuyến đi như này thường mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng cho cả tàu. Tuy nhiên, do tàu bị hỏng máy nên phải chi trả cho việc sửa chữa, vậy nên phần của mỗi người cũng không còn nhiều... Anh Tính cho biết thêm: “Các chuyến đi biển mùa này thường dài ngày, có thời điểm tàu phải tránh gió đông nên việc hỏng máy rất dễ xảy ra. May mắn vừa rồi khi tàu bị hỏng có tàu bạn đi cùng giúp lai dắt nên cập bến an toàn”. Hơn 20 năm đi biển, anh Tính nhớ mãi cuối năm 2017 cũng thời điểm gió mùa đông bắc tràn về, tàu của anh đang đánh bắt hải sản trên vùng biển cách đất liền Thanh Hóa 70 hải lý thì bị chết máy. Giữa biển khơi bao la, sóng biển dập dềnh đưa con thuyền trôi vô định, tàu bạn trong tỉnh cách rất xa, những ngư dân trên tàu đã liên lạc điện đài với Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam. Nhận được tin, Trung tâm đã điều tàu cứu hộ SAR ra lai dắt tàu cá vào bờ an toàn. Không chỉ tàu cá của anh Tính, nhiều tàu cá trong tỉnh khi bị nạn cũng được cứu hộ kịp thời mà không phải chịu bất kỳ chi phí nào đã tiếp thêm động lực cho các tàu cá tiếp tục vươn khơi bám biển. 

Thành quả sau các chuyến ra khơi của ngư dân Hải Hậu.
Thành quả sau các chuyến ra khơi của ngư dân Hải Hậu.

Ông Trần Văn Khánh, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Đình Khánh, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) năm nay hơn 60 tuổi đời, trong đó có 40 năm gắn bó với biển khơi. Từng là chủ doanh nghiệp sản xuất nước mắm, kinh doanh thủy hải sản, sở hữu 5 tàu đánh cá công suất nhỏ, khi Chính phủ ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 “Về một số chính sách phát triển thủy sản” có chính sách hỗ trợ đóng tàu vỏ thép để vươn ra khơi xa, ông Khánh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng với hy vọng “đổi tàu để đổi đời”. Ngoài số tiền Nhà nước hỗ trợ cho vay 13,5 tỷ đồng, ông đã cầm cố nhà cửa, vay mượn người thân được gần 4 tỷ đồng hoàn thiện 2 hầm đá lạnh, mua máy phát điện, hệ thống tời thủy lực... Tháng 8-2016, con tàu Minh Triết 09 công suất 1.050CV hiện đại của ông Khánh ra khơi mang theo bao hy vọng. Công việc khai thác thủy sản xa bờ dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn giúp ông có thu nhập trả công 8 thủy thủ với bình quân 9 triệu đồng/người/tháng, trả lãi ngân hàng 11-12 triệu đồng/tháng và thanh toán cho Nhà nước số nợ gốc 350 triệu đồng/3 tháng. Tuy nhiên ngày 28-4-2019, khi đang thả lưới trên vùng biển thuộc tỉnh Thanh Hóa, tàu đã bị đánh cắp mất 200 treo lưới có độ dài 10km với trị giá mua mới khoảng 2 tỷ đồng. Mất lưới, gặp thời tiết bất lợi mấy tháng mưa bão, đến đầu tháng 10-2019, tàu của ông Khánh mới ra khơi trở lại. Dù có chuyến đi chỉ được 6 tạ cá thu, bán được 70 triệu đồng, chưa đủ chi trả xăng dầu, lương cho thủy thủ, mua lương thực, đá lạnh ướp cá nhưng ông Khánh và gia đình vẫn quyết tâm ra khơi, bám biển, vừa tạo việc làm cho anh em, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện toàn tỉnh có 2.134 tàu thuyền khai thác thủy sản tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 6.000 lao động trực tiếp trên biển. Trung bình mỗi tháng, mỗi ngư dân đi biển xa được trả công khoảng 10 triệu đồng, tài công khoảng 15 triệu đồng, chưa kể nếu trúng vụ cá đậm còn được chủ tàu thưởng thêm nên cuộc sống các gia đình khá ổn định. Các chủ tàu cá đánh bắt xa bờ thu nhập trung bình khoảng 300 triệu đồng/năm, những năm được mùa có khi lên tới trên 400 triệu đồng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế biển. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, quyết tâm của ngư dân, thời gian tới hoạt động khai thác thủy sản sẽ tiếp tục khởi sắc, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh, mang lại những mùa xuân ấm no, hạnh phúc./. 

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com