Sôi động thị trường hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán

07:01, 09/01/2020

Thị trường hàng hóa phục vụ Tết Canh Tý đang vào kỳ nước rút nên rất sôi động, phong phú, tuy nhiên giá hầu hết các nhóm hàng thiết yếu không có nhiều biến động lớn trừ thịt lợn tăng giá do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài.

Khách hàng mua sắm hàng hóa Tết tại thành phố Nam Định.
Khách hàng mua sắm hàng hóa Tết tại thành phố Nam Định.

Lưu lượng hàng hóa vận chuyển về các chợ đầu mối, chợ dân sinh đã rất tấp nập, nhộn nhịp. Khởi động sớm nhất là thị trường hoa, cây cảnh. Ngay từ đầu tháng Chạp, các vườn quất, vườn đào ở Nam Phong, Nam Điền, Nam Toàn, Nam Mỹ... đã tấp nập khách đến tham quan, mua bán. Nhiều nhà vườn đến thời điểm này đã cơ bản bán hết hàng cho khách đặt. Dọc các tuyến phố Cột Cờ, Phạm Hồng Thái, Minh Khai, Đông A, đường Lê Đức Thọ (thành phố Nam Định), Quốc lộ 21… các loại lan rừng, cây thế, hoa cúc, đào, quất cảnh đã được các hộ kinh doanh, nhà vườn bày bán. Thị trường Tết năm nay gia tăng nhiều mặt hàng chất lượng cao bởi sự góp mặt của các sản phẩm OCOP: gạo hữu cơ Toàn Thắng; gạo 888, L25 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân; gạo Sen của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đình Mộc… Dòng sản phẩm cao cấp này được các nhà sản xuất sử dụng bao bì đẹp, chia lượng nhỏ từ 1kg, 3kg, 5kg nên mặc dù có giá bán cao gấp 3-7 lần so với gạo thông thường nhưng đã được thị trường tiêu thụ mạnh. Chị Trần Thị Nga, đang lựa chọn mua gạo tại Siêu thị mini MinMart (thành phố Nam Định) cho biết: Tôi rất thích sản phẩm gạo tám bao tử của Hợp tác xã Toàn Thắng (Hải Hậu) bởi đó là đặc sản quê hương. Chất lượng tốt, bao bì đẹp, đảm bảo yêu cầu bảo quản sản phẩm cũng như vận chuyển đi xa nên tôi sẽ lựa chọn sử dụng trong những ngày Tết và làm quà biếu. Ngoài gạo, các nông sản khác như thịt gà, thủy hải sản, bánh mứt, hạt dưa và thực phẩm chế biến sẵn: giò, chả, xúc xích… của doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh sản xuất cũng được các nhà phân phối tăng cường quảng bá kích thích người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng nội tỉnh. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán năm nay ngoài thịt bò, gà, cá, nhiều người tiêu dùng chuyển sang dùng thịt lợn rừng. Với giá ngang bằng với thịt lợn “nhà” nên thịt lợn rừng được tiêu thụ nhiều. Chị Trần Thị Hằng, bán hàng tại chợ Văn Miếu (thành phố Nam Định) cho biết: Giá bán lợn rừng hợp lý, trọng lượng con lợn vừa “xinh” cho vài gia đình chung nhau nên rất được ưa chuộng. Năm nay, tôi đã đặt lợn rừng ở các tỉnh miền núi phía Bắc về phục vụ người tiêu dùng trong tỉnh. Tại chợ Cồn, thị trấn Cồn (Hải Hậu), tiểu thương cho biết, sức mua của người tiêu dùng đã tăng lên từ đầu tháng Chạp. Các sản phẩm như gạo, mắm, muối, dầu ăn, hải sản, thịt gà, thịt bò được bán rất “chạy” do các gia đình chuẩn bị Tết sớm để đón con cháu ở xa về hoặc làm quà cho người thân ở xa. Theo ghi nhận của chúng tôi, gạo tẻ thường có giá xấp xỉ 120 nghìn đồng/kg, gạo nếp thơm có giá chừng 160 nghìn đồng/kg; rau, củ, quả, cà rốt có giá khoảng 17-18 nghìn đồng/kg, cà chua 15 nghìn đồng/kg. Đối với thực phẩm, gà ta còn sống có giá 120-130 nghìn đồng/kg, trứng gà 25-30 nghìn đồng/chục, thịt bò tùy loại dao động ở mức 250-280 nghìn đồng/kg, cá biển các loại từ 50-150 nghìn đồng/kg. Theo số liệu của cơ quan chức năng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đưa ra thị trường phục vụ Tết giá trị hàng hóa khoảng 1.200 tỷ đồng. Trong đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng phục vụ Tết Nguyên đán như bánh mứt kẹo, giò chả, nông sản chế biến, chè, miến dong… chuẩn bị hàng hóa với tổng giá trị khoảng 150 tỷ đồng; các cơ sở kinh doanh thương mại dự trữ và đưa ra thị trường giá trị hàng hóa khoảng 400 tỷ đồng; hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa thực phẩm truyền thống trên địa bàn dự kiến dự trữ hàng hóa phục vụ Tết khoảng 500 tỷ đồng... Đến thời điểm này, các doanh nghiệp chủ lực trên địa bàn đã chuẩn bị một số lượng hàng hoá gồm: 500 tấn gạo tẻ, 300 tấn gạo tám, 300 tấn gạo nếp; 100 tấn thịt lợn hơi, 30 tấn thịt bò, 1.000 tấn bánh kẹo, 300 tấn đường ăn, 500 nghìn thùng bia, 120 nghìn chai rượu, 20 tấn chè, 100 tấn thuỷ, hải sản, 3 triệu bao thuốc lá, 20 nghìn m3 xăng, 18 nghìn m3 dầu các loại, 1.500 tấn LPG... để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn dự kiến dự trữ hàng hóa phục vụ Tết khoảng 500 tỷ đồng. Đồng thời xây dựng kế hoạch điều chuyển hàng hóa trong hệ thống của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân các địa bàn và triển khai chương trình bình ổn giá, “khóa giá”, không tăng giá đối với đa số với các mặt hàng phục vụ nhân dân dịp Tết.

Hàng hóa phong phú, sức mua lớn, để phòng ngừa, hạn chế những biến động đột ngột của thị trường, nhất là tình trạng đầu cơ, găm hàng tăng giá, Sở Công Thương chỉ đạo cơ quan chủ động theo dõi mọi diễn biến, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các địa phương kiểm soát tốt thị trường, xử lý nghiêm những hành vi gian lận thương mại cũng như điều hành, điều tiết, bình ổn thị trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo hàng hóa lưu thông, đáp ứng các yêu cầu an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng; ngăn chặn lợi dụng Tết đầu cơ, tăng giá./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com