Chuyện về những cựu chiến binh được kết nạp Đảng trên chiến hào

08:01, 13/01/2020

Được đứng trong hàng ngũ của Đảng là mong mỏi và vinh dự với nhiều người, nhất là những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường. Với những cựu chiến binh như ông Lê Văn Kỷ ở thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường), nguyên Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 106, Tiểu đoàn 130, Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312); Đại tá Nguyễn Thắng Lợi, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 22, Sư đoàn 3 Sao Vàng…, được kết nạp Đảng ở ngay trên chiến hào trước ngày chiến thắng là kỷ niệm đặc biệt không thể nào quên. 

Đại tá Nguyễn Thắng Lợi (thứ 3 từ trái sang), nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 22 - Sư đoàn 3 Sao Vàng và các cựu chiến binh xã Trung Thành (Vụ Bản) cùng ôn lại truyền thống những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đại tá Nguyễn Thắng Lợi (thứ 3 từ trái sang), nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 22 - Sư đoàn 3 Sao Vàng và các cựu chiến binh xã Trung Thành (Vụ Bản) cùng ôn lại truyền thống những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trận Him Lam mở màn

Sinh ra ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng xã Xuân Bảng (nay là thị trấn Xuân Trường), năm 1950, khi mới vừa 17 tuổi, chàng thanh niên Lê Văn Kỷ đã tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và được cử làm liên lạc viên. Hơn một năm rưỡi sau, ông Kỷ được cử làm chiến sĩ công vụ có nhiệm vụ liên lạc giúp việc cho đồng chí Hoàng Cầm, khi đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209. Năm nay, ông đã gần 90 tuổi nhưng vẫn còn khá minh mẫn. Ngồi chia sẻ với chúng tôi, từng dòng ký ức trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp lại ùa về. Đó là trận chiến đánh đồi Him Lam, đơn vị ông đã đánh giáp mặt với Lữ đoàn lính lê dương của Pháp với đội quân tinh nhuệ. Thời điểm đó, trung tâm đề kháng Him Lam là cụm cứ điểm phía Đông Bắc trên con đường 41 từ Tuần Giáo vào, được coi là “cửa mở” vào trung tâm Mường Thanh. Địch cũng dự kiến đây là hướng tiến công chính của quân ta nên bố trí lực lượng rất thiện chiến thuộc Lữ đoàn lê dương số 13 (từng tham gia chiến tranh thế giới) đóng giữ. Để đảm bảo nguyên tắc “trận đầu phải thắng”, quân ta bố trí lực lượng mạnh, có cả dự phòng; kế hoạch phòng pháo, phòng không, phòng địch phản kích, dự kiến các tình huống cơ bản và cách xử lý trong quá trình diễn biến chiến đấu. Trung đoàn 209 sử dụng một tiểu đoàn tiêu diệt cứ điểm số 3, một tiểu đoàn làm nhiệm vụ dự bị, một tiểu đoàn chặn quân địch phản kích trên đường 41 và toàn bộ hoả lực trong biên chế và tăng cường 8 khẩu lựu pháo 105mm, 6 khẩu sơn pháo 75mm và DKZ, 7 khẩu cối 120mm, 32 khẩu cối 82mm. Đúng 17 giờ ngày 13-3-1954 cuộc tấn công lịch sử vào Tập đoàn cứ điểm chính thức bắt đầu. Từng đợt pháo kích liên tiếp nhằm thẳng Him Lam và phân khu trung tâm. Chưa bao giờ kẻ thù phải nếm những đòn khủng khiếp đến vậy. Không riêng trung tâm đề kháng Him Lam mà cả khu trung tâm cũng rung lên dưới đợt oanh kích. Trong khi pháo ta vẫn đang bắn cấp tập vào các vị trí mục tiêu, quân địch chưa kịp phản ứng thì các đơn vị xung kích đánh cứ điểm 2 báo cáo mở cửa xong, bắt đầu xung phong. Sau 2 ngày, 3 đêm chiến đấu cùng với việc tiêu diệt gọn Đại đội lê dương số 11 của địch, nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, diệt 300 tên, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị. Trung tâm đề kháng Him Lam thất thủ đã giáng một đòn mạnh mẽ vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo thời cơ thuận lợi tiến công đánh chiếm hai cứ điểm còn lại trong kế hoạch của đợt tấn công thứ nhất là Độc Lập và Bản Kéo. Trong cuộc chiến ấy, do điều kiện thông tin liên lạc còn hạn chế nên vai trò của chiến sĩ liên lạc rất quan trọng. Sự nhanh nhẹn, lanh trí giữa trùng trùng “mũi tên hòn đạn”, ông Kỷ đã đảm bảo liên lạc thông suốt giữa Trung đoàn trưởng với chỉ huy góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Với những chiến công trong chiến đấu, ông Kỷ vinh dự được kết nạp Đảng sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, ở cương vị nào, ông Kỷ luôn là tấm gương điển hình trong các hoạt động phong trào của cơ quan, đơn vị. Về địa phương nghỉ chế độ, ông động viên con cháu phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và đóng góp, ủng hộ xây dựng xóm làng đạt chuẩn nông thôn mới.

Hai trận đánh trong một ngày đêm

Đại tá Nguyễn Thắng Lợi (tên gọi khác là Bùi Thắng Lợi), ở xã Trung Thành (Vụ Bản), nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 22, Sư đoàn 3 Sao Vàng, được vinh dự kết nạp Đảng khi đang huấn luyện ở Trường Hạ sĩ Quân khu 3 vào tháng 7-1962. Năm nay ông đã ngoài 80 tuổi, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Nói chuyện với chúng tôi, ông Lợi chia sẻ về những năm tháng tham gia chiến đấu trên các chiến trường. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, từ tháng 12-1964 đến tháng 10-1975, ông tham gia chiến đấu và trưởng thành từ chiến sĩ rồi Trung đội trưởng đến cán bộ Trung đoàn, giữ chức vụ Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 22, Sư đoàn 3 Sao Vàng, chiến đấu trên mặt trận Quân khu 5 (từ Quảng Ngãi, Bình Định đến Phú Yên). Đơn vị của ông vừa tác chiến đánh Hòn Nhọn - Ba Tơ, giải phóng khu Đá Chẻ, khu Phú Bình, hay chỉ huy phục kích tiểu đoàn lính dù của Mỹ… đều giành chiến thắng vang dội. Với những thành tích trong chiến đấu, ông được tặng thưởng 5 Huân chương Chiến công (gồm 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 3 hạng Ba; danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt máy bay…). Trận đánh mà ông nhớ nhất phải nói đến là giải phóng khu dồn dân Đá Chẻ (thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi). Khi đó vào khoảng tháng 6-1968, quân địch ở tỉnh Quảng Ngãi bị ta đánh thiệt hại khá nặng nề nhưng do quân số còn khá đông nên địch tổ chức phản công lại. Chúng tích cực dồn dân, lập ấp nhằm tách bộ đội ta với nhân dân, trong đó lớn nhất là khu dồn Đá Chẻ (được mệnh danh là khu dồn Đông Dương). Chúng điều về đây 4 đại đội (1 đại đội biệt động, 1 đại đội thám báo và 2 đại đội bảo an) và nhiều trung đội dân vệ thuộc huyện Tư Nghĩa. Nhằm phá vỡ âm mưu của địch, Sư đoàn 3 Sao Vàng đã phối hợp với lực lượng bộ đội địa phương mở “chiến dịch vùng ven” nhằm đánh địch xung quanh thị xã Quảng Ngãi. Đơn vị đã tiến hành trinh sát, bắt liên lạc với du kích địa phương, áp dụng yếu tố bất ngờ. Vào lúc rạng sáng ngày 11-6-1968, Trung đoàn 22 và Tiểu đoàn 8 phối hợp đánh úp ngay trong đêm khiến địch không kịp trở tay. Trận này, địch bị đánh tan 2 đại đội thám báo và biệt động, còn đội bảo an, dân vệ chạy trốn ngay trong đêm. Quân ta nhanh chóng phá khu dồn Đá Chẻ, đưa nhân dân trở về làng cũ. Sau trận đánh, đơn vị đã được Chính ủy Trung đoàn biểu dương khen ngợi và tổ chức rút kinh nghiệm cho những trận đánh sau nhằm phá hoạt động “bình định nông thôn” của địch sau này.

Sau ngày giải phóng miền Nam, ông Lợi được điều động tham gia chiến đấu trên chiến trường phía Bắc, đóng quân ở Lai Châu. Giai đoạn 1978-1981, khi thành lập Trung đoàn 19-8 của Tỉnh đội Lai Châu, ông được Bộ Chỉ huy phân công giữ cương vị Trung đoàn trưởng, có nhiệm vụ tổ chức phòng ngự ở phía Bắc tỉnh thuộc địa bàn các huyện Phong Thổ, Mường Tè… Năm 1981, ông được cấp trên cử đi nghiên cứu, học tập tại Học viện Lục quân 2 (Đà Lạt) về đường lối, chiến lược quân sự, cách tổ chức chiến dịch tác chiến binh chủng hợp thành. Sau khi học xong, năm 1982, ông được điều động về tham gia giảng dạy tại Học viện Chính trị Quân sự (Hà Nội) đến năm 1990 thì nghỉ chế độ. Về địa phương, ông tiếp tục tham gia các hoạt động phong trào của xã, tham gia Ban chấp hành Cựu chiến binh lâm thời của huyện Vụ Bản và được Đảng ủy xã Trung Thành chỉ định đứng ra thành lập Hội Cựu chiến binh xã, giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã đến năm 2004. Trên mọi cương vị công tác, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính Cụ Hồ, góp phần vào xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com