Làm giàu từ sản xuất lẵng hoa công nghệ mới

06:12, 06/12/2019

Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất lẵng hoa theo công nghệ mới của chị Trần Thị Hương, thôn Văn Lãng, xã Trực Tuấn (Trực Ninh) đúng lúc gia đình chị đang tất bật giao, nhận hàng. Những chiếc xe kéo, xe tải chở lẵng hoa các loại từ trong xã và các xã lân cận được tập kết xuống sân, vận chuyển vào kho chờ xuất bán, đồng thời lấy thêm nguyên liệu về làm. Trong xưởng sản xuất, chỗ này, các bà các chị đang nhanh tay đan sợi nhựa giả mây theo khung sắt đã hàn sẵn; chỗ kia thoăn thoắt dán giấy hoa xung quanh những chiếc lẵng bằng gỗ để hoàn thiện sản phẩm. Công việc làm lẵng hoa nhiều năm qua đã góp phần tăng thu nhập cho hàng trăm phụ nữ địa phương lúc nông nhàn.

Chị Trần Thị Hương (bên trái) thôn Văn Lãng, xã Trực Tuấn (Trực Ninh) hướng dẫn chị em làm mẫu hàng mới.
Chị Trần Thị Hương (bên trái) thôn Văn Lãng, xã Trực Tuấn (Trực Ninh) hướng dẫn chị em làm mẫu hàng mới.

Trước đây, gia đình chị Hương chủ yếu làm ruộng, công việc rất vất vả mà thu nhập không cao. Hơn 10 năm trước, với vốn liếng ít ỏi, vợ chồng chị đã tự tìm tòi, học hỏi nghề làm lẵng hoa, tìm mua nguyên liệu tận dụng từ các làng nghề sơn mài, mây tre đan, nghiên cứu thị trường và bắt tay vào đầu tư, sản xuất. Thời gian đầu, xưởng của chị làm các sản phẩm giỏ hoa, lẵng cắm hoa đơn giản, do chưa có mối lấy hàng quen, ổn định, phải tự mang đi bán nên gặp nhiều khó khăn. Qua tìm hiểu thị trường cùng đôi tay khéo léo, chị đã sáng tạo ra sản phẩm lẵng hoa với nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú và đã nhận được nhiều đơn hàng lớn trong và ngoài tỉnh. Ðến nay, anh chị đã đầu tư trên 3 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà xưởng với tổng diện tích 500m2 cùng nhiều thiết bị phục vụ sản xuất như máy hàn, máy mộc để pha chế gỗ, sắt. Sản phẩm lẵng hoa của gia đình chị Hương được làm từ nhiều nguyên liệu như: sắt phủ sơn tĩnh điện, gỗ, tre nứa, mây, cói, sợi nhựa giả mây… với đủ kiểu dáng, kích cỡ; từ những chiếc lẵng nhỏ xinh để bàn đến lẵng to, cao hàng mét, dùng để cắm hoa trong các dịp đại lễ, khai trương, các sự kiện lớn. Ngoài ra còn có các sản phẩm khác như hộp đựng giấy ăn, giỏ đựng hoa quả, lẵng trang trí đồ cưới hỏi, giỏ quà Tết… Trung bình một tháng, cơ sở sản xuất của chị Hương bán ra thị trường trên 3 vạn chiếc lẵng hoa với giá bán từ 4 nghìn đến 50 nghìn đồng/chiếc, tùy lẵng to nhỏ, kiểu dáng đơn giản hay cầu kỳ. Chị thường xuyên tham khảo các mẫu mã mới trên mạng và tự mày mò nghiên cứu, sáng tạo để đa dạng các loại sản phẩm, phù hợp với nhu cầu của khách hàng, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Nhiều mẫu xinh xắn ngoài cắm hoa có thể dùng để trang trí như các mẫu lẵng hình xe đạp, tổ chim, lồng đèn… Nhờ đó, sản phẩm lẵng hoa của gia đình chị đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ chỗ chỉ làm nhỏ hẹp trong phạm vi gia đình, cơ sở sản xuất của chị ngày càng mở rộng, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động nữ tại địa phương và các xã lân cận với mức thu nhập từ 2 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Riêng tại khu xưởng sản xuất của gia đình luôn có 30 lao động, trong đó xưởng hàn - mộc có 6-7 người chuyên sản xuất khung lẵng hoa bằng gỗ và sắt sơn tĩnh điện. Bà Phạm Thị Ngoan ở đội 11, xã Trực Tuấn cho biết: “Tôi làm tại cơ sở này đã gần 10 năm, công việc phù hợp với sức khỏe và điều kiện của phụ nữ trung tuổi, cao tuổi, vừa có thể chăm lo việc nhà, vừa kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống”. Nhờ sự cần cù, chịu khó, thường xuyên nghiên cứu thêm các mẫu mã mới để đa dạng sản phẩm nên ngày càng nhiều khách hàng tìm đến đặt mua, doanh thu của cơ sở năm sau luôn cao hơn năm trước. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Trần Thị Hương còn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của Hội Phụ nữ và địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho chị em, giúp các hội viên khác cùng xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả…

Hiện nay, do nhu cầu tăng mạnh, việc sản xuất lẵng hoa ngày càng phát triển, đặc biệt vào các dịp lễ, tết, cưới hỏi hàng năm. Vì vậy, mong muốn của chị Hương được địa phương và các cấp Hội Phụ nữ quan tâm, tạo điều kiện về mặt bằng, nguồn vốn vay ưu đãi để tiếp tục mở rộng sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nông thôn./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com