Vì sao khách hàng khó tiếp cận vốn vay chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

07:10, 04/10/2019

Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7-3-2017 của Chính phủ, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo và đôn đốc các tổ chức tín dụng trên địa bàn tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng có nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, kết quả cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch chưa đạt mục tiêu kỳ vọng đặt ra. 

Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPost) chi nhánh Nam Định, ông Nguyễn Văn Khiêm ở xóm 15, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) đã đầu tư mua máy gặt đập Kubota phục vụ cơ giới hóa sản xuất.
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPost) chi nhánh Nam Định, ông Nguyễn Văn Khiêm ở xóm 15, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) đã đầu tư mua máy gặt đập Kubota phục vụ cơ giới hóa sản xuất.

Đến nay, tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh đạt trên 5,65 tỷ đồng, trong đó cơ cấu vay ngắn hạn là 3 tỷ đồng, trung và dài hạn là 2,65 tỷ đồng. Toàn tỉnh mới có 1 doanh nghiệp và 25 cá nhân được thụ hưởng nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng để xây dựng dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Về phía các ngân hàng, hiện mới có 3 đơn vị là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Nam Định, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Nam Định và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPost) chi nhánh Nam Định có giải ngân nguồn vốn triển khai cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Vietcombank chi nhánh Nam Định cho biết: “Hiện tại, ngân hàng mới chỉ giải ngân được 3 tỷ đồng cho 1 doanh nghiệp vay theo chương trình cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp sạch là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công Phượng của anh Nguyễn Văn Công ở xóm 3, xã Hải Xuân (Hải Hậu). Ngoài ra, đến nay, chưa có thêm doanh nghiệp hay cá nhân nào khác đủ điều kiện để cho vay mặc dù ngân hàng luôn bố trí vốn sẵn cho chương trình”. Mới đây, có thêm 1 đơn vị là Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông thủy sản an toàn Võ Chinh ở xã Hải An (Hải Hậu) được vay vốn theo chương trình nông nghiệp sạch từ Agribank chi nhánh Nam Định với số vốn 200 triệu đồng, lãi suất 8%/năm. 

Thực tế trên cho thấy, doanh nghiệp tổ chức vẫn chưa thể “chạm tay” đến với vốn vay của chương trình này. Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, nguyên nhân chủ yếu khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của chương trình do lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là lĩnh vực đầu tư mới, các quy định, hướng dẫn trình tự thủ tục, thẩm định cho vay còn hạn chế. Thêm vào đó, sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh khó lường, gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp và ngân hàng cho vay; lĩnh vực xuất khẩu nông sản luôn phải đối mặt với rào cản thương mại ngày càng phức tạp, khắt khe. Các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong nông nghiệp còn thiếu như bảo hiểm nông nghiệp, vì vậy hiệu quả đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực này không cao, thiếu hấp dẫn. Các tiêu chí xác định dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định tại Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14-3-2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn chưa rõ ràng, chưa quy định rõ cơ quan nào xác nhận các tiêu chí đó của dự án (ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh…) gây khó khăn cho ngân hàng trong việc xác định đối tượng thụ hưởng chính sách để cho vay. Tài sản đảm bảo cho khoản vay thường là đất nông nghiệp có giá trị thấp, trong khi tài sản gắn liền với đất nông nghiệp chưa được chứng nhận quyền sở hữu để làm thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo vay vốn ngân hàng. Bản thân nhiều doanh nghiệp nông nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính còn yếu; công tác hạch toán kế toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch, thiếu tài sản đảm bảo dẫn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp nông nghiệp khó khăn. Trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp của người dân còn hạn chế. Hiện nay, các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, chưa được mở rộng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp còn yếu. Cùng với đó là quy mô sản xuất nông nghiệp trong tỉnh còn nhỏ lẻ, phân tán, khả năng cạnh tranh chưa cao; chất lượng nông sản còn thấp, chưa ổn định, nhiều sản phẩm chủ lực không có thương hiệu; chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chưa hình thành được nhiều vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch để cho các tổ chức tín dụng tiếp cận đầu tư.

Để doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tập trung sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nông nghiệp và các hộ gia đình đầu tư sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch. Rà soát, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền trên đất nông nghiệp để làm thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo tiền vay tại các tổ chức tín dụng. Các sở, ngành chuyên môn tích cực hướng dẫn doanh nghiệp và người dân áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp, công nghệ sinh học, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản nông sản... nhằm áp dụng có hiệu quả vào sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Chú trọng phối hợp các khâu đầu tư tạo ra chuỗi giá trị các sản phẩm, hàng hoá trong nông nghiệp từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp và nông dân. Kiến nghị, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí xác định dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại đẩy nhanh quá trình thẩm định và xem xét cho vay theo chương trình. Cùng với đó, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cần mở rộng thêm đối tượng được vay vốn chương trình nông nghiệp công nghệ cao; bổ sung quy định về việc ngân hàng được nhận tài sản hình thành từ vốn vay của dự án làm tài sản đảm bảo cho khoản vay của khách hàng theo quy định pháp luật./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com