Nhìn lại 10 năm tiếp nhận đầu tư cải tạo lưới điện nông thôn

08:10, 18/10/2019

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, từ tháng 8-2008 đến tháng 9-2009, Công ty Điện lực Nam Định đã tiếp nhận xong lưới điện hạ thế nông thôn ở 194 xã với 324 hợp tác xã nông nghiệp để bán điện trực tiếp đến các hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh. Khối lượng tiếp nhận thời kỳ đó bao gồm 504.649 công tơ các loại, 1.908km đường trục hạ thế, gần 8.000km nhánh rẽ dẫn điện vào các khu dân cư; phần lớn đều xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn cấp điện, chất lượng điện áp kém, tổn thất điện năng rất cao lên đến hơn 30%. Khi đó, Nam Định trở thành địa phương thứ hai ở miền Bắc, sau tỉnh Bắc Ninh, hoàn thành tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp nông thôn để đầu tư, cải tạo, nâng cấp theo tiêu chí số 4 trong 19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. 

Vận hành hệ thống thiết bị bảo vệ tại Trạm biến áp 110kV Trình Xuyên (Vụ Bản).  Bài và ảnh: Xuân Thu
Vận hành hệ thống thiết bị bảo vệ tại Trạm biến áp 110kV Trình Xuyên (Vụ Bản)

Trước thực trạng lưới điện hạ áp nông thôn mới tiếp nhận vừa có quy mô lớn lại vừa xuống cấp nhiều nên Công ty Điện lực Nam Định đã chủ động báo cáo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và UBND tỉnh tạo điều kiện về nguồn vốn để có kế hoạch đầu tư, cải tạo toàn bộ hệ thống theo 2 giai đoạn khác nhau. Trong đó, giai đoạn 1 (2010-2011) Công ty tiến hành đầu tư, thay thế toàn bộ hệ thống công tơ, thay các nhánh dây mất an toàn. Giai đoạn 2 (2012-2017) đầu tư nâng cấp đường dây và trạm biến áp, phần lớn đều là vốn vay ưu đãi nước ngoài thông qua các dự án DEP1, DEP2, KFW. Sau 2 giai đoạn đầu tư, nâng cấp, mở rộng lưới điện nông thôn, Công ty Điện lực Nam Định đã thực hiện được khối lượng công việc lớn bao gồm xây dựng mới 798km đường dây trung áp (tăng 56% so với năm 2009); xây dựng mới 3.190km đường dây hạ thế (tăng 30% so với năm 2009); xây dựng mới 927 trạm biến áp phân phối, đưa tổng số trạm lên gấp đôi so với năm 2009 (đến nay bình quân mỗi xã có 10 trạm biến áp phân phối); cải tạo, nâng cấp 2.454km đường dây trung, hạ thế; 474 trạm biến áp phân phối; thay thế 100% công tơ đạt chuẩn, đồng thời vận động được hầu hết các gia đình thay mới dây dẫn sau công tơ để sử dụng điện an toàn. Tổng kinh phí đầu tư trong 2 giai đoạn là 2.560 tỷ đồng, bình quân mỗi xã hơn 12 tỷ đồng. Tính đến tháng 12-2017, lưới điện của 209/209 xã trên địa bàn tỉnh đều đạt chuẩn theo tiêu chí số 4 về điện trong 19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2018 đến nay, thực hiện chủ trương tái cấu trúc một số đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đáp ứng xu thế phát triển, hội nhập với khu vực và quốc tế, toàn bộ hệ thống điện cao thế 110kV trên địa bàn tỉnh, bao gồm hơn 200km đường dây, 11 trạm biến áp có tổng công suất 695MVA đã được chuyển từ Tổng Công ty Điện lực miền Bắc về Công ty Điện lực Nam Định quản lý, vận hành. Ngay sau khi tiếp nhận, Công ty Điện lực Nam Định đã tiến hành kiểm tra, tu sửa những vị trí xung yếu trên hệ thống điện 110kV nhằm kịp thời phục vụ nhu cầu sử dụng điện tăng cao của các thành phần kinh tế. Đầu năm 2019, công ty đã thực hiện đại tu nâng cao khả năng truyền tải của tuyến đường dây 172 và 173 bắt nguồn từ thành phố Nam Định xuống 6 huyện phía Nam của tỉnh; tiến hành nâng công suất trạm biến áp 110kV Hải Hậu từ 50MVA lên 65MVA; lắp đặt thêm máy biến áp 40MVA ở trạm 110kV Trực Ninh; các trạm biến áp còn lại đang được tính toán để nâng công suất phù hợp với từng khu vực sử dụng.

Sau 10 năm chuyển giao về ngành Điện quản lý, hệ thống điện nông thôn trên địa bàn tỉnh đã thay đổi toàn bộ, được thiết kế lại, đầu tư, nâng cấp đảm bảo mỹ quan, an toàn cho người sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi để ngành nghề sản xuất phát triển, đặc biệt là sản xuất công nghiệp. Thành phần công nghiệp, xây dựng trên địa bàn tỉnh những năm gần đây thường có mức tăng trưởng sử dụng điện cao, đạt trung bình 22,03%/năm, thể hiện sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn đang phát triển mạnh. Các huyện có mức tăng trưởng điện cho sản xuất công nghiệp cao so với 10 năm trước như: Vụ Bản tăng 12,62 lần với tốc độ tăng bình quân 46,12%/năm; Hải Hậu tăng 4,7 lần với tốc độ bình quân 25,16%/năm; Trực Ninh tăng 4,3 lần với tốc độ bình quân 23,75%/năm; Nghĩa Hưng tăng 4,24 lần với tốc độ bình quân 23,5%/năm. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đạt mức tăng trưởng tốt; sản lượng tiêu thụ điện cho sinh hoạt ở khu vực nông thôn đã tăng hơn gấp đôi so với 10 năm trước, thể hiện đời sống của người dân nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thời gian tới, Công ty Điện lực Nam Định tiếp tục khảo sát dự báo nhu cầu phụ tải tại các địa phương; vấn đề quy hoạch, phát triển các khu, cụm công nghiệp để có kế hoạch xây dựng, đầu tư, phát triển lưới điện đáp ứng nhu cầu dùng điện của nhân dân. Ngành Điện đang triển khai xây dựng lưới điện thông minh, lắp đặt các thiết bị đóng cắt điều khiển tự động, sử dụng công tơ điện tử truyền dẫn thông tin về trung tâm điều khiển từ xa để vận hành hiệu quả lưới điện. Bên cạnh đó, ngành điện cũng tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, tạo điều kiện để người dân nông thôn tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và sử dụng các dịch vụ tiện ích về điện, nhất là các dịch vụ trực tuyến, ví điện tử để thanh toán tiền điện. Công ty Điện lực Nam Định đang đồng hành, hỗ trợ các hộ gia đình dùng điện đẩy mạnh lắp đặt điện mặt trời mái nhà để người dân có thể tự sản xuất điện tiêu dùng và bán lại cho ngành Điện, giúp khai thác hiệu quả lưới điện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển./.

Bài và ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com