Những cựu chiến binh tiêu biểu làm kinh tế giỏi ở Hải Sơn

08:09, 12/09/2019

Hội Cựu chiến binh xã Hải Sơn (Hải Hậu) hiện có 11 chi hội với trên 600 hội viên. Một trong những nội dung quan trọng được đặt ra trong công tác hội nhiều năm qua, đó là vận động hội viên cựu chiến binh gương mẫu tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo nhằm thực hiện Nghị quyết chuyên đề III của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam về “Chăm lo đời sống hội viên và tổ chức động viên cựu chiến binh tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”. Đồng chí Nguyễn Xuân Oánh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hải Sơn cho biết, “sau thời gian ở trong quân đội, trở về cuộc sống đời thường, nhiều cựu chiến binh đối diện với không ít khó khăn như thiếu việc làm, không có thu nhập, có người sức khỏe yếu, bệnh tật, có người mang trong mình nhiều vết thương do hậu quả chiến tranh và những năm tháng chiến đấu ở chiến trường. Trong hoàn cảnh đó, nêu cao ý chí tự lực, tự cường và những phẩm chất của người lính cách mạng, nhiều cựu chiến binh đã vươn lên, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, mang lại nguồn thu nhập cao, cải thiện đời sống của gia đình và tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa cho xã hội, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao”. 

Mô hình trồng cây ăn quả của cựu chiến binh Nguyễn Đức Cai, xóm 3, xã Hải Sơn (Hải Hậu) cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.
Mô hình trồng cây ăn quả của cựu chiến binh Nguyễn Đức Cai, xóm 3, xã Hải Sơn (Hải Hậu) cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.

Nhằm tạo thuận lợi cho cựu chiến binh phát triển kinh tế, Hội Cựu chiến binh xã đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ các cựu chiến binh phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Hội Cựu chiến binh xã phối hợp với các cơ quan liên quan mở các lớp tập huấn, tạo điều kiện cho hội viên tham gia các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; tổ chức cho cựu chiến binh tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả, mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, hỗ trợ vốn… Qua đó góp phần tạo điều kiện để hội viên có thêm nguồn lực mở rộng sản xuất, kinh doanh. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương cựu chiến binh tiêu biểu trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Đến thăm gia đình cựu chiến binh Nguyễn Đức Cai, xóm 3, chúng tôi càng thêm cảm phục nghị lực phi thường và ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu của ông. Năm 1983, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Đức Cai lên đường nhập ngũ và được điều động về Trường Sĩ quan ô tô Q151 tại Sơn Tây (Hà Nội) (nay là Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng). Thời gian cống hiến trong quân đội, ông đã được tặng thưởng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về những thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, công tác ở đơn vị. Sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, Ông Cai xây dựng gia đình và bắt tay vào phát triển kinh tế. Những ngày đầu lập nghiệp, gia đình ông gặp nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng, hai vợ chồng lao động vất vả cũng chẳng đủ nuôi các con đang tuổi ăn học. Không lùi bước trước khó khăn, ông Cai quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế. Năm 2002, ông nhận thấy đất đai quê hương rất màu mỡ, thuận lợi cho phát triển trồng cây ăn quả, lại phù hợp với điều kiện gia đình, ông đã bắt tay vào tìm hiểu các mô hình trồng cây ăn quả có hiệu quả để học tập, rồi mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất. Với sự cần cù, chịu khó, ông từng bước cải tạo vườn tạp, dồn đổi ruộng đất để mở rộng diện tích canh tác lên trên 2.000m2. Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông bắt đầu trồng từ các loại cây ăn quả như: vải Thanh Hà, bưởi Diễn, roi miền Nam, cau ăn quả, rồi ổi lê, táo lê, cam sành… Mùa nào thức nấy, cây trái trong vườn nhà ông lúc nào cũng xum xuê quả, lại đảm bảo chất lượng được nhiều thương lái đến tận vườn thu mua. Trong vườn nhà ông còn có 40 gốc giống bưởi sù, quả to (đường kính 50x50cm), mỗi gốc từ 20-30 quả, có giá bán từ 150-200 nghìn đồng/quả vào dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, chung quanh vườn ông còn trồng hơn 100 gốc cau, mỗi vụ cau cho thu nhập 30-40 triệu đồng. Tổng thu nhập từ vườn cây ăn quả mỗi năm từ 150-170 triệu đồng. Chia sẻ kinh nghiệm, ông Cai cho biết, để có được vườn cây trái quanh năm cho thu hoạch, ông luôn phải tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của những nông dân có kinh nghiệm để tìm ra bí quyết cho riêng mình. Ông cũng là người đầu tiên ở địa phương tìm ra cách ghép quả, ký quả trực tiếp vào thân cây để có giống quả chất lượng, đẹp về mẫu mã. Với việc nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên vườn cây ăn quả của gia đình ông Cai luôn sinh trưởng phát triển tốt, sản phẩm của gia đình đã có thị trường tiêu thụ ổn định, được các thương lái thu mua ngay tại trang trại.

Còn đối với cựu chiến binh Mai Thiện Nhuệ, xóm 2 lại vươn lên làm giàu từ nuôi ba ba và trồng cây cảnh. Cũng như bao lớp thanh niên trong và ngoài xã, năm 1978, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Nhuệ lên đường nhập ngũ tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc thuộc đơn vị Lữ đoàn 191, Quân đoàn 1, trực tiếp chiến đấu tại địa bàn huyện Đình Lập (Lạng Sơn). Năm 1983, do sức khỏe, ông được phục viên và về tham gia công tác Đoàn Thanh niên ở địa phương. Vừa tham gia công tác ở địa phương, ông luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập. Nói chuyện với chúng tôi, ông Nhuệ cho biết: “Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ nuôi ba ba, tôi đã tận dụng 400m2 mặt nước ao của gia đình đầu tư nuôi 200 con ba ba. Với tinh thần quyết tâm làm giàu từ nuôi ba ba, tôi đã tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật nuôi ba ba từ những mô hình nuôi hiệu quả cao”. Để giảm chi phí tiền mua thức ăn, hàng ngày, ông Nhuệ đã đi đặt đó, bắt ốc, mò cua hoặc cất vó ven sông nhằm tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, lại đảm bảo lượng dinh dưỡng cho việc nuôi ba ba an toàn. Ông Nhuệ chia sẻ thêm: “Ba ba là giống bản địa ở nên tốc độ sinh trưởng của nó rất nhanh. Nuôi hơn 1 năm có thể đạt trọng lượng từ 1,7-2 kg/con, với giá bán 350-400 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình tôi đã có thu nhập trên 170 triệu đồng”. Ba ba là một loài tương đối dễ nuôi, ít khi bị bệnh dịch, chỉ cần chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, chú ý cho ăn đúng, đủ chất và vệ sinh môi trường nước sạch, tránh gây ô nhiễm sẽ đạt hiệu quả cao. Hàng tháng, ông Nhuệ thường cung cấp ba ba cho các nhà hàng ở quanh vùng, duy trì thu nhập ổn định. Có thể thấy, nuôi ba ba mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro, đầu ra tương đối ổn định nên mô hình nuôi ba ba của ông Nhuệ đã được nhiều người đến tham quan học tập. Ngoài ra, ông còn giúp đỡ các hộ nghèo, hộ khó khăn về vốn, kiến thức khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất góp phần hỗ trợ cùng nhau phát triển và giảm nghèo bền vững. Không những làm kinh tế giỏi, ông tích cực tham gia hoạt động của Hội Cựu chiến binh, được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh xã Hải Sơn, nhiệm kỳ 2017-2022; xóm trưởng xóm 2.

Đó chỉ là 2 trong rất nhiều cựu chiến binh xã Hải Sơn tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở địa phương. Cùng với sự nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, bản thân các cựu chiến binh còn tích cực tham gia các phong trào của địa phương và giúp đỡ nhiều hội viên khác vươn lên thoát nghèo bền vững, phát huy mạnh mẽ phẩm chất bộ đội Cụ Hồ chống lại nghèo nàn, lạc hậu, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Bài và ảnh: Thanh Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com