Để trở thành "quán quân" xây dựng nông thôn mới (kỳ 2)

10:08, 29/08/2019

[links()]

Kỳ 2: Xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững

Với mục tiêu "xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng; nông dân giàu có; nông thôn văn minh, hiện đại", trải qua 2 nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành 18 Nghị quyết chuyên đề; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các chỉ thị, kết luận tập trung lãnh đạo nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững. Các nghị quyết đều xác định rõ quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, là cơ sở để các cấp chính quyền tổ chức chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế -  xã hội nói chung và nhiệm vụ xây dựng nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp, điều kiện sống và làm việc của người dân được nâng cao. Thu nhập của người dân ở nông thôn năm 2018 tăng hơn 3,5 lần so với năm 2010. Mức sống của người dân nông thôn được cải thiện đáng kể, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm còn 1,35 lần; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 2%.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm xã nông thôn mới Hải Đông (Hải Hậu) tháng 2-2018.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm xã nông thôn mới Hải Đông (Hải Hậu) tháng 2-2018.

Công thức "5 cây, 4 con" trong tái cơ cấu nông nghiệp

Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 17-7-2014 về tăng cường lãnh đạo việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định; UBND tỉnh có Quyết định số 1346/QĐ-UBND ngày 30-7-2014 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020. Từ các đặc điểm và lợi thế về sinh thái, thổ nhưỡng, tỉnh đã lựa chọn và xây dựng chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực gồm “5 cây, 4 con”, đó là: lúa chất lượng cao, lúa giống, lạc, khoai tây và rau chất lượng cao; lợn, gà, ngao và tôm.

Là địa phương có tiềm năng và thế mạnh về kinh tế biển, huyện Giao Thủy triển khai phát triển mũi nhọn chủ lực "4 con" (lợn, gà, ngao, tôm) trong tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa chuyển dần từ nuôi bán công nghiệp sang công nghiệp và nuôi công nghệ cao, hình thành các vùng nuôi tập trung ở các xã ven biển; phát triển đội tàu có công suất lớn, khai thác xa bờ, ổn định tiến tới giảm sản lượng khai thác thủy sản gần bờ, tăng sản lượng thủy sản khai thác xa bờ. Đồng chí Nguyễn Thành Mạnh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Sau 5 năm triển khai đề án tái cơ cấu, toàn huyện có 93 cơ sở sản xuất giống thủy sản mặn lợ (80 trại sản xuất giống ngao, 13 trại sản xuất giống thủy sản khác), đảm bảo cung ứng cho nghề nuôi trồng thủy sản của huyện, tiêu biểu như giống ngao, hàng năm sản xuất 10 tỷ con giống cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, ngoài ra còn một số đối tượng như cá bống bớp, hàu, tôm sú, cá hồng Mỹ… Đến năm 2018, diện tích nuôi thủy sản của huyện đạt 5.142ha. Đồng thời huyện tập trung phát triển các chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa như: Mô hình sản xuất tiêu thụ ngao thương phẩm của doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung liên kết tiêu thụ cho 109 hộ, quy mô 968ha, sản lượng tiêu thụ 5.000 tấn/năm; mô hình liên kết đánh bắt, chế biến, tiêu thụ thủy hải sản của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hải sản Hùng Vương, sản lượng trên 800 tấn/năm; mô hình sản xuất, tiêu thụ thủy sản Nông trường Bạch Long cho các thành viên, quy mô 139ha, sản lượng đạt 1.400 tấn/năm... Giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản năm 2018 của huyện đạt 1.586.512 triệu đồng (giá năm 2010). Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 38.748 tấn. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha nuôi trồng thủy sản đạt 435 triệu đồng.

Quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các huyện, thành phố đều xây dựng kế hoạch, chương trình hành động về đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Sản xuất nông nghiệp có bước chuyển mạnh từ coi trọng sản lượng sang chất lượng, từ chủ yếu phục vụ tiêu dùng sang kết hợp giữa tiêu dùng với sản xuất hàng hóa gắn với quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi có truy xuất nguồn gốc đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong lĩnh vực trồng trọt, tỷ lệ lúa chất lượng cao tăng từ 20% (năm 2008) lên 71,5% (năm 2018); sản xuất rau màu theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với truy xuất nguồn gốc được coi trọng. Lĩnh vực chăn nuôi, giảm mạnh chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, phát triển nhanh chăn nuôi hàng hóa theo mô hình doanh nghiệp, trang trại, gia trại; sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2018 đạt 179,8 nghìn tấn, tăng 1,4 lần so với năm 2010. Kinh tế thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7-8%/năm, cơ cấu chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, giảm tỷ trọng khai thác, sản lượng thủy sản năm 2018 đạt 149,63 nghìn tấn tăng 1,7 lần so với năm 2010.

Mô hình nuôi ngao thương phẩm giá trị kinh tế cao tại xã Giao Xuân (Giao Thủy).
Mô hình nuôi ngao thương phẩm giá trị kinh tế cao tại xã Giao Xuân (Giao Thủy).

Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp được quan tâm, chỉ đạo, thực hiện theo hướng tổ chức lại các hợp tác xã hiện có và khuyến khích hộ thành viên thành lập mới các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Đến nay, kinh tế tập thể và hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh có bước phát triển rõ rệt. Toàn tỉnh hiện có 241 hợp tác xã được tổ chức lại và 96 hợp tác xã nông nghiệp được thành lập mới và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Luật Hợp tác xã năm 2012; trong 133 hợp tác xã xếp loại khá, tốt, có 96 hợp tác xã mới thành lập. Cùng với việc thành lập Hiệp hội nông sản sạch, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện quy trình, điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn nông sản an toàn… các tổ chức, cá nhân đã thuê gom, tích tụ được trên 2.000ha đất để sản xuất hàng hóa tập trung; đã xây dựng được 25 chuỗi liên kết sản xuất, hoàn thiện nhãn hiệu sản phẩm và dán tem truy xuất nguồn gốc (QR code) cho 150 sản phẩm nông nghiệp, như: Gạo sạch Toản Xuân, Ngao sạch Lenger,…

Công nghiệp chế biến nông sản có bước phát triển mới, toàn tỉnh đã có 590 cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản; trong đó có nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến hiện đại, điển hình như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Dương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân, Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Biển Đông, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công Danh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Lenger Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải sản Hùng Vương… góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động nông thôn

Nhằm tạo đột phá trong phát triển "Tam nông", Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở nông thôn; Nghị quyết 05-NQ/TU về "Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020". Đồng thời, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp, tạo mặt bằng thu hút đầu tư trên địa bàn các huyện, thành phố; tập trung các giải pháp phát triển nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp và doanh nghiệp nông thôn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, mở rộng các vùng nguyên liệu, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Toàn tỉnh đã quy hoạch 9 khu công nghiệp và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích gần 2.000ha; trong đó có 4 khu công nghiệp đi vào hoạt động là: Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh, Rạng Đông. Tổng vốn đầu tư hạ tầng đã đăng ký của 4 khu công nghiệp là 6.290 tỷ đồng. Trên địa bàn các khu công nghiệp có 175 dự án đầu tư của 150 nhà đầu tư thứ cấp; trong đó có 40 dự án của 37 nhà đầu tư nước ngoài. Tổng số vốn đăng ký là 7.412 tỷ đồng và 775,2 triệu USD, vốn thực hiện đạt 4.219 tỷ đồng, bằng 57% và 457,6 triệu USD, bằng 59% vốn đăng ký. Gần đây, Nam Định đang trở thành "điểm đến" của các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài với nhiều dự án FDI có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại. Đến tháng 6-2019, đã có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào 6 lĩnh vực với 106 dự án phân bổ ở khắp 10 huyện, thành phố. Trong đó, Singapore có 2 dự án với vốn đăng ký hơn 2 tỷ 152 triệu USD, Hàn Quốc có 29 dự án với vốn đăng ký hơn 237 triệu USD, Trung Quốc có 17 dự án với vốn đầu tư hơn 216 triệu USD... Các dự án đầu tư FDI trong thời gian qua đã thu hút gần 68 nghìn lao động, góp phần vào việc đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết bài toán công ăn việc làm cũng như thúc đẩy chuyển dịch trong cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Sản phẩm
Sản phẩm "Tám xoan bao tử" của Hợp tác xã Toàn Thắng (Hải Hậu) tham gia chương trình OCOP năm 2019.

Trên địa bàn nông thôn có trên 5.000 doanh nghiệp (tăng trên 3.000 doanh nghiệp so với năm 2010), giải quyết việc làm cho trên 100 nghìn lao động. Toàn tỉnh hiện có 130 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn (tăng 51 làng nghề so với năm 2010) với trên 52 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm thường xuyên cho 130 nghìn lao động. Cùng với duy trì, phát triển các nghề truyền thống, nhiều địa phương đã phát triển một số nghề mới như: may công nghiệp, mây tre đan, tranh thêu, mộc mỹ nghệ, móc sợi, dát đồng... Hàng hóa của làng nghề Nam Định có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, một số mặt hàng được xuất khẩu ra nước ngoài. Các hộ làm nghề đều có thu nhập khá.

Qua 10 năm triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1956), Nam Định được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện có hiệu quả các mô hình liên kết giữa các trường đào tạo nghề với doanh nghiệp; gắn đào tạo nghề với yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn. Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn được đặc biệt coi trọng, thông qua các hoạt động thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp kết hợp với đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề tăng từ 31,5% (năm 2010) lên 63% (năm 2018). Từ năm 2010 đến nay, thực hiện Đề án 1956, mạng lưới cơ sở dạy nghề phát triển, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề được tăng cường đầu tư; chương trình dạy nghề được chỉnh sửa bổ sung phù hợp nhu cầu thực tiễn từng địa phương; đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề các cấp và của cơ sở dạy nghề, giáo viên dạy nghề được tăng cường về số lượng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng. Tổng kinh phí thực hiện Đề án 1956 là 222.627 triệu đồng; trong đó, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề 87.100 triệu đồng, hỗ trợ lao động nông thôn học nghề 122.127 triệu đồng… Trên địa bàn tỉnh hiện có 46 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với tổng số 1.738 cán bộ, giáo viên. Phương thức đào tạo nghề theo nhu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động đã hình thành rõ nét; khoảng 70% chương trình, giáo trình đã các doanh nghiệp tham gia xây dựng và góp ý chỉnh sửa đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 54.219 lao động nông thôn theo Đề án 1956 (trong đó có 19.211 lao động đào tạo nghề nông nghiệp, có 34.998 lao động đào tạo nghề phi nông nghiệp).

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn đã góp phần quan trọng tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao thu nhập và làm thay đổi cơ cấu thu nhập của hộ dân nông thôn Nam Định. Năm 2018, tỷ lệ hộ có thu nhập chính từ nông nghiệp, thủy sản giảm còn 20%, tỷ lệ hộ có thu nhập chính từ phi nông nghiệp đạt trên 80%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 12,7 triệu đồng/người (năm 2010) lên 45 triệu đồng/người (năm 2018). Năm 2018, có 100% số xã đạt tiêu chí thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 2,15%; 100% số xã đạt tiêu chí hộ nghèo và 100% số xã đạt tiêu chí lao động có việc làm.

(Còn nữa)

Nhóm Phóng viên Phòng Văn hóa - Xã hội

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com