Làm giàu từ nghề truyền thống

04:06, 14/06/2019

Nghề dệt vải ở thôn Dịch Diệp, xã Trực Chính (Trực Ninh) vốn nức tiếng từ lâu trong cả nước. Từ đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân trong làng, những vuông vải mỹ miều, những chiếc khăn mềm mại ra đời, được người tiêu dùng trong và ngoài nước yêu thích. Vào những năm hưng thịnh, làng có hàng nghìn khung cửi thi nhau dệt lách cách ngày đêm. Cũng từ nghề dệt, trong số các bà, các mẹ, các chị vốn chỉ quen với cây lúa, củ khoai có người đã trở thành chủ xưởng hoặc giám đốc các công ty trách nhiệm hữu hạn. Chị Trần Thị Phượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã cổ phần dệt may Hoàng Anh, thôn Dịch Diệp là một trong những trường hợp như thế. “Cứng” tay nghề, năng động sáng tạo, với ý chí vươn lên làm giàu đã giúp chị Phượng trở thành điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi được nhiều chị em học tập, noi theo.

Chị Trần Thị Phượng (bên phải), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã cổ phần dệt may Hoàng Anh hướng dẫn thợ dệt làm việc.
Chị Trần Thị Phượng (bên phải), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã cổ phần dệt may Hoàng Anh hướng dẫn thợ dệt làm việc.

Như bao gia đình khác trong làng, gia đình chị Phượng vốn gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải có từ lâu đời. “Nhà tôi đã 3 đời nay theo nghề dệt. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được làm quen với những công việc như: hái dâu, cho tằm ăn, ươm tơ, dệt vải… Tuổi thơ của tôi là những tháng ngày quanh quẩn bên khung cửi, ruộng dâu. Tôi cảm nhận được sự vất vả của cái nghề “ăn cơm đứng”, từ đó thêm yêu quý, trân trọng công sức người lao động để làm ra từng mét vải”, chị Phượng tâm sự. Yêu thích và quyết tâm theo nghề dệt, năm 1984, chị Phượng bắt tay vào lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương từ nghề dệt truyền thống. “Nghề dệt ở quê tôi đã nuôi sống dân làng bao đời, tôi nghĩ mình cũng có thể lập nghiệp tại quê nếu chăm chỉ, chịu khó. “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay”, câu nói của các cụ hẳn là để nhắc nhở con cháu phải biết gìn giữ lấy nghề xưa”, chị Phượng chia sẻ. Xác định theo nghiệp cha ông, chị Phượng lao vào học thêm về nghề, tìm hiểu thị trường, mày mò cải tiến các công đoạn dệt. Sau khi đi tìm hiểu thực tế ở nhiều vùng có nghề dệt truyền thống và tiếp cận với thị trường, chị Phượng nhận thấy không thể dừng lại ở cung cách dệt và bán sản phẩm như trước đây mà phải có sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và khâu tiêu thụ. Chỉ có như vậy mới tăng được năng suất, hiệu quả lao động, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư vào máy móc, nhà xưởng, cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm, chị còn tìm cách mở rộng thị trường tiêu thụ. Chị Phượng mang sản phẩm đi chào hàng khắp mọi nơi, thuyết phục các đại lý, chủ cửa hàng nhập sản phẩm khăn của xưởng về bán. Dần dà chị liên kết được với các đại lý khăn sợi ở Thành phố Nam Định, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Sản phẩm của xưởng được chủ các đại lý đánh giá cao ở chất lượng và giá thành phù hợp. Công việc làm ăn đang trên đà phát triển thì thị trường Đông Âu, nơi tiêu thụ số lượng lớn các sản phẩm vải, sợi có biến động ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề dệt may của nước ta. Nhiều làng nghề dệt truyền thống trong nước lao đao, không tìm được đầu ra. Nghề dệt ở Dịch Diệp theo đó nhanh chóng rơi vào cảnh ngưng trệ, sa sút. Hầu hết các thợ dệt chuyên sản xuất khăn cho gia đình chị Phượng gác khung, bỏ nghề. Mất thị trường, mất thợ, xưởng dệt của chị đứng trước nguy cơ phá sản. Nhìn lượng lớn khăn sản xuất ra tồn đọng chất đống trong nhà không bán được, chị Phượng vừa xót xa vừa lo lắng: “Bao nhiêu vốn liếng, bao nhiêu tâm huyết của cả gia đình dồn hết vào đây, nếu tôi chịu thua thì xưởng dệt chỉ còn nước đóng cửa. Tôi không muốn mình phải “đầu hàng” sớm như thế”. Nghĩ như vậy, chị Phượng động viên chồng cùng quyết tâm cố gắng, tìm cách vượt qua khủng hoảng. Theo đó, một mặt vợ chồng chị hàng ngày chia nhau đi khắp nơi tìm mối bán hàng, mặt khác chị  chấp nhận hạ giá thành sản phẩm để duy trì nghề lâu dài. Trời không phụ công người chăm chỉ, chịu khó, chỉ trong một thời gian ngắn, vợ chồng chị Phượng đã ký hợp được hợp đồng với hơn chục cơ sở từ Thành phố Nam Định đến Sài Gòn nhận tiêu thụ sản phẩm dệt nội địa. Từ bờ vực phá sản, chị đã vực dậy xưởng dệt, tạo niềm tin cho nhiều hộ gia đình trong làng muốn gắn bó lâu dài với nghề. Cần mẫn làm ăn như con ong chăm chỉ, chị Trần Thị Phượng dần mở rộng được quy mô sản xuất, đầu tư thêm cho nhà xưởng, tạo điều kiện về nguyên liệu cũng như việc làm cho nhiều người trong và ngoài xã. Với mong muốn “giữ lửa” cho nghề xưa, năm 2005, chị Phượng mạnh dạn thành lập Hợp tác xã cổ phần dệt may Hoàng Anh có quy mô sản xuất khăn xuất khẩu lớn nhất Dịch Diệp. Khi mới thành lập vốn điều lệ của hợp tác xã chỉ có 176 triệu đồng, đến nay số vốn đã tăng lên gần 2 tỷ đồng. Hợp tác xã hiện có 35 máy dệt thường xuyên hoạt động, doanh thu hàng năm đạt 3 tỷ đồng. Năm 2016, để mở rộng quy mô kinh doanh, chị Phượng còn đầu tư thêm 6 máy chuyên dệt lưới cước, bước đầu cho thu nhập ổn định. Hiện hợp tác xã liên kết với rất nhiều công ty và đại lý trong, ngoài tỉnh như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thuý Đạt, Liên Tỉnh, Hoàng Vân, Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định… Do đó, chị không còn phải lo lắng nhiều về đầu ra của sản phẩm cũng như nguồn nguyên liệu sản xuất.

 Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân và gia đình, chị còn là một hội viên phụ nữ tích cực, năng nổ, nhiệt tình với công tác Hội, công tác từ thiện nhân đạo của địa phương, chị Phượng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh, giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn, cùng nhau vươn lên thoát nghèo. Đến nay, Hợp tác xã cổ phần dệt may Hoàng Anh đang tạo việc làm ổn định tại chỗ cho 13 chị em tại xưởng và trên 20 lao động vệ tinh trong xã.

Nghề dệt vải ở làng Dịch Diệp xã Trực Chính đã và đang là nghề truyền thống giúp bà con cải thiện cuộc sống, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, giúp họ không phải “ly hương” đi làm ăn xa. Quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, chị Trần Thị Phượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã cổ phần dệt may Hoàng Anh đã tìm ra hướng đi đúng đắn từ nghề dệt cha ông để lại. Nỗ lực làm giàu của chị, vì vậy rất đáng được trân trọng, là tấm gương cho nhiều phụ nữ nông thôn noi theo trên con đường lập nghiệp, làm giàu chính đáng, tiếp nối và giữ gìn những vốn nghề cổ truyền từ xa xưa./.

Bài và ảnh: Hoa Quyên

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com