Sống mãi với nghề xưa: Người "giữ lửa" nghề truyền thống

02:01, 22/01/2019

Làng nghề Vạn Điểm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là một trong những cái nôi lớn của nghề đúc đồng truyền thống. Với bề dày gần 900 năm, những kinh nghiệm về đúc đồng đã lắng tụ và bồi đắp nên một thế hệ nghệ nhân, thợ đúc đồng tài hoa cho làng nghề Vạn Điểm để chế tác ra những bức tượng, tượng đài anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa đồ sộ, hoành tráng nhất nước. Khách về Vạn Điểm sẽ cảm nhận được nhịp sống hối hả của một làng nghề truyền thống. Từ sáng sớm tinh mơ đến chiều tối, đến đâu cũng thấy những bếp lò đỏ rực lửa. Các nghệ nhân tài hoa làng Vạn Điểm với mong muốn duy trì nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt đã tạo ra nhiều sản phẩm tinh xảo có mặt khắp cả nước và trở thành niềm tự hào của người dân Nam Định.

Nghệ nhân Vũ Duy Điệp hoàn thiện sản phẩm tượng đồng.
Nghệ nhân Vũ Duy Điệp hoàn thiện sản phẩm tượng đồng.

Chúng tôi gặp anh Vũ Duy Điệp đang mải mê chỉnh sửa, chau chuốt lại những sản phẩm để chuẩn bị giao cho khách hàng. Vừa làm việc, anh vừa kể cho chúng tôi nghe chuyện đời, chuyện nghề của mình. Anh Điệp sinh ra và lớn lên tại làng Vạn Điểm, nơi có nghề đúc đồng truyền thống. Năm 1993, anh lên đường nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh lăn lộn đi làm thuê cho các xưởng đúc trong làng. Với ý chí cầu tiến, chịu khó, ham học hỏi, được các nghệ nhân trong làng nghề tận tình chỉ bảo, anh nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật của nghề đúc đồng. 

Năm 1999 cơ sở đúc đồng mang tên Vũ Duy Điệp được thành lập. Ban đầu anh chỉ nhận đúc những mặt hàng đơn giản như đồ thờ cúng, đỉnh đồng, lư hương, các sản phẩm trang trí, nghệ thuật phục vụ dân sinh như tượng danh nhân, tượng nghệ thuật,... Với bản tính nhanh nhạy, sáng tạo, biết kết hợp những tinh hoa của nghề truyền thống với công nghệ khoa học, thiết bị hiện đại anh đã đúc được những sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao, trọng lượng lớn. Năm 2005 anh đã thành công trong việc đúc công trình Tượng đài công nhân mỏ ở Quảng Ninh. Từ thành công này, uy tín và thương hiệu của cơ sản xuất Vũ Duy Điệp đã được khẳng định. Năm 2008 anh nhận được hợp đồng đúc 3 pho tượng lớn tại Việt Trì (Phú Thọ), năm 2009 anh liên doanh với Doanh nghiệp Tân Tiến đúc phù điêu cho Nhà hát Múa rối Trung ương, tượng Nguyên Phi Ỷ Lan ở Gia Lâm (Hà Nội)... Năm 2012, cơ sở đúc đồng Vũ Duy Điệp gây tiếng vang lớn trong làng nghề đúc đồng Vạn Điểm khi đúc thành công Tượng Phật Thích Ca cao 14,8m, nặng 150 tấn, được xem là đại tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á đặt tại Trung tâm Phật giáo Trúc Lâm - Thiên Trường (Thành phố Nam Định). 

Năm 2013, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Điệp Oanh được thành lập. Công ty đã tập hợp được đội ngũ thợ lành nghề, nhiều người đã trở thành những nghệ nhân với danh hiệu “Bàn tay vàng”. Hiện nay công ty tuyển dụng cán bộ nhân công có bằng trung cấp, đại học để đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo sự tinh xảo của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng trong và ngoài nước. 

Thi công công trình đúc Tượng Phật Thích Ca nặng 150 tấn (lớn nhất Đông Nam Á) tại Trúc Lâm Thiên Trường, Thành phố Nam Định.
Thi công công trình đúc Tượng Phật Thích Ca nặng 150 tấn (lớn nhất Đông Nam Á) tại Trúc Lâm Thiên Trường, Thành phố Nam Định.

Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ở nhiều nơi đã lạm dụng việc đưa máy móc vào sản xuất sản phẩm hàng loạt. Về vấn đề này anh Điệp tâm sự: “Tôi không lạm dụng công nghệ trong sản xuất mà vẫn coi trọng cách làm thủ công truyền thống, bởi sự tinh tế của nghệ nhân khiến sản phẩm tinh xảo hơn”. Thực tế các sản phẩm của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Điệp Oanh làm ra chủ yếu vẫn bằng phương pháp thủ công truyền thống. Để nâng cao tính thẩm mỹ cho các sản phẩm đúc, anh Điệp mạnh dạn học hỏi và cộng tác với các họa sĩ, nhà điêu khắc để sản xuất những sản phẩm đẹp về mẫu mã và kiểu dáng. Bên cạnh đó, anh đã chinh phục thành công công nghệ đúc tượng liền khối với tượng có chiều cao từ 7m đến trên 10m mà chỉ có 1 khuôn, 1 lần đúc. Đây đang là công nghệ đúc khó, kể cả với các nước có công nghệ đúc phát triển trên thế giới. Theo anh Vũ Duy Điệp để có sản phẩm đạt chất lượng, khâu đầu tiên là phải làm mẫu tốt, khuôn tốt và công đoạn quan trọng nhất, quyết định nhất trong quá trình sản xuất là lúc rót đồng vào khuôn. Trước khi rót đồng nóng chảy vào khuôn, phải nung khuôn nóng đều, đủ nhiệt độ cho đồng chảy đều trong khuôn. Đây cũng là một trong những khâu khó nhất, phải nhờ kinh nghiệm của đôi mắt và khả năng phán đoán của người thợ. Thời khắc ấy, một thói quen đã thành phong tục là người thợ đúc đồng nào cũng phải thành kính đốt một bó nhang xin với tổ tiên và cụ tổ nghề, cầu mong cho ra đời một sản phẩm hoàn thiện.

Với sự nhiệt huyết, đam mê sáng tạo, anh Vũ Duy Điệp đã gặt hái được nhiều thành công trong việc kế thừa và phát triển nghề đúc đồng truyền thống: Danh hiệu “Nghệ nhân Bàn tay Vàng 2014”; “Nghệ nhân Quốc gia 2015”... và nhiều Bằng khen, Giấy khen của các bộ, ngành.

Năm 2017, nghệ nhân Vũ Duy Điệp đã được UBND tỉnh, Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” của tỉnh đề nghị Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Anh tự hào khi chia sẻ: Là một nghệ nhân trẻ của tỉnh trước vinh dự này, tôi thấy mình càng phải có trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy giá trị của nghề đúc đồng truyền thống. Cùng với bề dày kinh nghiệm những tác phẩm của anh cứ lần lượt ra đời có giá trị nghệ thuật cao, thu hút ngày càng nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Đã có những đơn đặt hàng lên đến hàng trăm tỷ đồng. Những ngày đầu năm 2019 công ty của anh đang khẩn trương sản xuất lô hàng khá lớn để xuất khẩu ra nước ngoài. Việc đưa những sản phẩm đúc đồng mỹ nghệ của làng nghề đúc đồng Vạn Điểm ra nước ngoài đã mở ra hướng phát triển mới của nghề đúc đồng Vạn Điểm.

Bằng kinh nghiệm, năng lực và ý chí vươn lên, anh Vũ Duy Điệp hy vọng sẽ đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình làm giàu cho quê hương và khẳng định vị thế của một làng nghề truyền thống có sức trường tồn với thời gian./.

Bài và ảnh: Phi Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com