Mùa mía ở Trực Thắng

08:12, 14/12/2018

Khi làn gió heo may lùa hơi mát khua những ngọn lá mía đánh ràn rạt khắp các cánh đồng, mùa mía ở Trực Thắng đang vào chính vụ, thân cây chuyển vàng óng ả vươn lên đón nắng. Trời càng lạnh, mía càng ngọt sâu. Chúng tôi gặp bà Vũ Thị Việt, xóm 3, xã Trực Thắng (Trực Ninh) khi bà đang lúi húi bóc lá mía trong vườn. Vừa làm bà vừa tranh thủ trò chuyện:“Tôi bỏ ruộng để trồng mía đã được khoảng 5 năm. Mặc dù tốn nhiều công hơn trồng lúa nhưng trồng mía cho thu nhập cao gấp nhiều lần nên gia đình tôi sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích trong những năm tới”.

Bà Vũ Thị Việt, xóm 3, xã Trực Thắng chăm sóc vườn mía của gia đình.
Bà Vũ Thị Việt, xóm 3, xã Trực Thắng chăm sóc vườn mía của gia đình.

Nhớ lại những ngày đầu mới trồng mía, bà Việt có hơn 1 sào đất chuyển đổi đang loay hoay chưa biết chọn trồng cây gì, nuôi con gì để có hiệu quả kinh tế. Thế rồi nghe một người trong xóm hay đi chợ cùng “mách” nên trồng mía, bà đã rất nhanh chóng quyết định chọn giống mía voi để canh tác. Để trồng mía voi, ban đầu, bà xuống tận chợ ở xã Trực Cường mua hom mía với giá 1.000 đồng/hom. Chọn những ngày tháng 3 âm lịch ấm nóng, đất còn tương đối ẩm, thuận lợi cho sự sinh trưởng, phát triển của cây mía, bà Vũ Thị Việt tranh thủ bắt đầu vụ mùa mới. Các công đoạn trồng mía cũng rất “công phu”. Cày đất là khâu quan trọng giúp bộ rễ mía ăn sâu, chịu hạn, chống đổ và tăng khả năng cung cấp dinh dưỡng cho cây. Theo đó, bà cày bừa kỹ đất, làm vệ sinh ruộng mía để diệt trừ cỏ dại và các loại sâu bệnh. Cày bừa xong thì tiến hành xẻ rãnh, đặt hom giống. Khoảng cách lý tưởng nhất để đặt hom theo bà Việt là 3 hom/1m. Rãnh cách rãnh từ 1,4-1,5m. Giống mía có vai trò rất quan trọng trong thâm canh cây mía, vì vậy việc chuẩn bị hom mía được bà Việt hết sức lưu ý. Đối với hom giống, bà yêu cầu phải đạt các “tiêu chí”: mỗi hom có khoảng 5, 6 mắt mầm trở lên, mầm không được quá dài. Hom đạt độ lớn cần thiết, không mang mầm mống sâu bệnh, không lẫn giống, bị sây sát hoặc quá già. Chọn được hom giống, trước khi trồng, bà tiến hành ngâm xuống ao trong 1 đêm. Mục đích là để diệt trừ những sâu bệnh còn bám lại trên thân hom. Trước khi đặt hom, bà Việt còn cẩn thận bốc bùn ao lót xuống rãnh, độ dày từ 3-5cm. Việc cho bùn ao vào rãnh giúp hom mía nhanh bén rễ, cố định cho hom khỏi lung lay khi có gió. Công đoạn chuẩn bị đất xong xuôi, bà Việt cẩn trọng đặt hom vào trồng trong rãnh. Khi đặt, bà ấn nhẹ cho hom mía lún xuống khoảng nửa thân để giữ ẩm cho mầm và rễ phát triển. Xong đâu đấy, bà phủ lớp đất thịt lên trên, cố định hom. Cây mía có nhu cầu ka li, đạm và lân cao nên bà chú trọng việc bón phân, chăm sóc cho cây. Tùy thuộc vào từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây mà bà bón các lượng phân đạm khác nhau. Giai đoạn mới trồng đến khi đẻ nhánh, cây mía voi cần nhiều đạm, lân, ka li để đâm chồi đẻ nhánh, phát triển bộ rễ giúp cây mía cứng cáp, chống chịu sâu bệnh. Giai đoạn từ khi vươn lóng đến thu hoạch, cây mía cần nhiều ka li và đạm hơn so với lân. Chính vì vậy bà Việt phân kỳ dùng các loại phân, đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây. Không chỉ chú trọng bón phân, bà Việt còn quan tâm đến việc phòng trừ bệnh cho mía. Mặc dù đây là loại cây tương đối dễ trồng, không kén đất nhưng mía voi thường gặp một số loại sâu bệnh nhất định như: thối đỏ, bệnh than đen, sâu đục thân, sâu hại gốc, rệp trắng... Để phòng bệnh cho mía, phương pháp hữu hiệu nhất theo bà Việt vẫn là thường xuyên bóc lá hạn chế sâu bệnh, rệp, chuột và hiện tượng ra rễ trên thân. Ngoài ra bà còn theo dõi sát sao quá trình phát bệnh của cây để sử dụng các loại thuốc phòng thích hợp... Nhờ chăm sóc, phòng bệnh đúng quy trình, ruộng mía voi của hộ gia đình bà Vũ Thị Việt sinh trưởng và phát triển rất nhanh. Tháng 3 năm trước trồng, tháng 3 năm sau ruộng mía sẽ cho thu hoạch. Theo ước tính của bà, với gần 1,5 sào mía, mỗi vụ bà có khoảng trên 2.000 cây mía. Năm 2017, thời điểm chính vụ và được giá, thương lái vào tận vườn chọn mua các cây to với mức giá dao động từ 17-20 nghìn đồng/cây. Cây nhỏ nhất cũng bán được với giá từ 4-5.000 đồng/cây. Trừ chi phí, vụ mía năm ngoái bà thu về gần 14 triệu đồng/sào. “Tính ra, năm ngoái tôi vẫn thất thu. Lý do là vì vườn bị ngập lụt, ảnh hưởng của đợt mưa nhiều hồi tháng 10. Do đó khoảng 500 cây mía của tôi bị thối rễ, chết hoặc phát triển chậm, dẫn đến năng suất, chất lượng, giá thành thấp”, bà Việt cho biết. Đến thời điểm hiện tại, mía trong vườn của bà Việt đã cao khoảng gần 2m. Nếu thời tiết ấm, thuận lợi, cây sẽ phát triển hơn nữa, đạt chiều cao tối đa từ 2,3-2,5m. “Với chất lượng mía như năm nay, có bán “đổ đồng” tôi cũng được khoảng 10 nghìn đồng/cây. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi sẽ có lợi nhuận trên dưới 20 triệu đồng”, bà Việt phấn khởi cho biết. Theo tính toán của những người trồng mía voi ở Trực Thắng, mía cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa hoặc một số cây hoa màu khác, mặc dù công chăm sóc cũng sẽ nhiều hơn. Nhận thấy giá trị kinh tế của cây mía, nhiều hộ dân trong xã đang chuyển hướng sang trồng loại cây này. Cũng theo bà Việt, hầu như xóm nào của Trực Thắng cũng có hộ gia đình trồng mía. Các xóm trồng nhiều hơn cả là xóm 2, 3, 5 và xóm 6. Một số hộ trồng diện tích lớn có thể kể đến như hộ gia đình bà Bá, bà Độ, anh chị Thúy Trường, xóm 6. Xóm 3 có gia đình bà Tài, bà Việt, xóm 2 có hộ ông Quang, ông Khải, bà Mừng, bà Vân… Hộ ít nhất cũng có 1 sào, hộ nhiều có thể trên 2 sào.

Với các đặc điểm như mềm, ngọt mát chứ không “gắt” như các giống mía khác, cây mía voi đang được người tiêu dùng trên thị trường  rất ưa chuộng. Vì thế, bà Việt hầu như không phải mang mía ra chợ bán. Mùa mía voi, thương lái từ các xã Trực Cường, Trực Đại vào tận vườn nhà đặt mua. Họ mang theo xe kéo chặt mua một vài trăm cây bán hết lại lấy mẻ khác. Cũng có người mua nhiều, đặt cọc cả vườn trước mùa thu hoạch. Những ngày này, khi ruộng mía đang ở vào thời kỳ sinh trưởng và phát triển tốt nhất, màu xanh khỏe mạnh của lá mía, màu vàng của thân cây đang dần phủ rộng nhiều diện tích đất đai trong xã. Người dân Trực Thắng trồng mía ở mọi nơi mà họ có thể tận dụng đất, trong vườn nhà, dọc hai bên sông, ngoài đồng bãi… Ngoài mía voi, một số hộ gia đình còn xen canh thêm ít mía đỏ, mía trắng, phục vụ nhu cầu ăn hằng ngày cho gia đình, con cái. Hằng ngày, khi rảnh rỗi, các ông già, bà cả trong nhà lại có thể tranh thủ ra vườn bóc lá mía, chăm sóc cây. Và khi mùa thu hoạch đến làng xóm rộn ràng tiếng cười nói, tiếng trả giá, tiếng xe chở mía ồn ào, tấp nập. Cây mía voi đang mang lại những “tín hiệu” kinh tế tích cực, khả quan cho người dân nơi đây./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com