Cây dây thìa canh trên đất Hải Lộc

06:09, 14/09/2018

Chúng tôi về Hải Lộc (Hải Hậu) vào một ngày mùa thu nắng vàng rực rỡ. Ánh nắng chảy tràn trên những ruộng cây dây thìa canh xanh mướt, khỏe mạnh. Vừa nhanh tay kiểm tra những luống dây thìa canh đã đến ngày thu hoạch, ông Trần Văn Bộ, xóm 8, xã Hải Lộc vừa tranh thủ trò chuyện: “Nhà tôi trồng cây thìa canh đến nay cũng đã 5 năm. So với trồng lúa và nhiều cây dược liệu khác, cây dây thìa canh mang lại hiệu quả kinh tế hơn nhiều. Đầu ra cho sản phẩm đã được bao tiêu, vì thế tôi khá yên tâm. Cho đến nay, những khó khăn trong quá trình trồng và tiêu thụ sản phẩm chúng tôi hầu như không gặp”.

Ông Trần Văn Bộ, xóm 8, xã Hải Lộc chăm sóc, kiểm tra sâu bệnh trên vườn cây dây thìa canh.
Ông Trần Văn Bộ, xóm 8, xã Hải Lộc chăm sóc, kiểm tra sâu bệnh trên vườn cây dây thìa canh.

Cây dây thìa canh còn có tên gọi là dây muôi hay lõa ti rừng. Đây là loài cây thân thảo, một dược liệu quý hiếm giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh tiểu đường, mỡ máu. Ngoài việc hỗ trợ điều trị bệnh nhân tiểu đường, tim mạch, mỡ máu, cây còn giúp hoạt huyết, tăng cường lưu thông máu, ổn định huyết áp, giảm béo, giảm cân, giảm mệt mỏi căng thẳng… Không chỉ là giống cây quý đối với sức khỏe mà dây thìa canh còn là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao với nông dân. 5 năm trước, trên 3 sào đất 2 lúa không hiệu quả, ông Bộ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây dây thìa canh. “Tôi không phải băn khoăn gì nhiều khi quyết định chuyển đổi. Bởi trước đó, chúng tôi được tư vấn rất kỹ về cách trồng, chăm sóc cây, được đảm bảo đầu ra. Do đó, tôi quyết định trồng thìa canh ngay”, ông Bộ tâm sự. Để trồng cây, ông xin giống từ quả, hạt của các hộ gia đình trong xã đã trồng trước đó. Việc chọn hạt giống, theo ông không chỉ dây thìa canh mà đối với cây trồng nào cũng đều rất quan trọng. Do đó, ông cẩn thận lựa chọn những hạt giống tốt nhất, chắc mẩy, kích thước dài để gieo trồng. Khi đã lựa chọn được hạt giống dây thìa canh, ông Bộ ươm hạt vào các bầu đất, trong môi trường thích hợp với nền nhiệt từ 20-35 độ. Khâu làm đất cũng được ông hết sức lưu tâm. Theo đó, trước khi trồng, ông vượt ruộng, san nền, làm sạch cỏ, băm nhỏ đất rồi mới lên luống. Với các đặc tính không ưa trũng, ngập úng nên khi trồng dây thìa canh, ông Bộ bắt buộc phải đánh luống, thiết kế hệ thống thoát nước tốt cho cây. Mỗi luống cây ông đánh rộng từ 1,4-1,5m, đánh theo hướng Đông, Tây để cây có thể hứng ánh nắng mặt trời được nhiều nhất. Nhằm giúp cây dây thìa canh sinh trưởng, phát triển tốt, ông Bộ còn đầu tư gần 100 triệu đồng để đúc cột bê tông, mua lưới thép làm giàn cho cây leo. Khi cây non lên được vài lá, ông Bộ mang bầu cây ra ruộng trồng. Về kỹ thuật trồng và chăm sóc dây thìa canh, theo ông, đây là loại cây trồng cũng khá đơn giản. Từ khi trồng đến khi thu hoạch lần đầu ông Bộ bón thúc 3 lần vào 3 giai đoạn cụ thể là: 1 tuần sau khi trồng, sau lần thứ nhất 10 ngày, khi cây leo 2/3 giàn. Ngoài ra, sau mỗi lần thu hoạch ông cũng bón thúc định kỳ. Mặc dù thìa canh là loại cây tương đối “dễ tính”, kháng sâu bệnh song cây vẫn bị một số loại sâu bệnh như: rệp sáp và muội đen. Để phòng bệnh cho cây, ông Trần Văn Bộ thường xuyên theo dõi nhằm có biện pháp phòng trừ kịp thời. Đảm bảo đúng quy trình trồng và chăm sóc khoa học theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO) nên hầu như ruộng thìa canh của ông ít bị sâu bệnh, đạt năng suất cao.

Tháng 2 đến tháng 6 hằng năm là thời điểm thích hợp nhất để trồng cây dây thìa canh. Thời điểm mới trồng, cũng như nhiều hộ gia đình khác, ông Bộ trồng xen canh rau ở dưới các luống cây. Tuy nhiên cho đến hiện tại, để cây đạt năng suất tốt nhất hiện vườn của ông chỉ trồng mỗi dây thìa canh. “Đối với thìa canh, từ khi trồng đến khi thu hoạch, chúng tôi mất khoảng 6-8 tháng, trồng 1 lần có thể thu hoạch trên 10 năm. Một năm có thể thu hoạch từ 3-5 lần, từ tháng 4 đến tháng 12, cứ 2 tháng cây cho thu 1 lần. Mùa nắng cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn nên sẽ cho thu hoạch nhanh hơn. Từ khoảng tháng 10 trở đi, khi thời tiết trở nên dịu mát cây sẽ phát triển chậm lại”, ông Bộ chia sẻ thêm. Theo tính toán của ông Bộ, trung bình 1 sào dây thìa canh thu được 3-4 tạ thành phẩm. Thu hoạch cây về, gia đình ông phân công người cắt thái, người phơi. Đây cũng là thời điểm nhà ông bận rộn, tấp nập nhất. Ông Bộ thường thái cây thành các khúc dài khoảng 3cm, phơi khô rồi nhập bán cho HTX trồng cây dược liệu Nam Lộc ở xã. Hiện, HTX đang thu mua thìa canh khô với mức giá 35 nghìn đồng/kg. Dịp nào xuống giá, không đảm bảo lợi nhuận, ông có thể thu hoạch, phơi khô, chờ thị trường ổn định lại mới xuất bán. Một năm, trừ chi phí, gia đình ông Bộ thu về 40-50 triệu đồng tiền lãi từ bán dây thìa canh. “Với 3 sào cây, tính ra thìa canh cho thu nhập hơn lúa gấp nhiều lần, “ăn đứt” một số cây dược liệu khác. Đặc biệt, chúng tôi không phải lo đầu ra cho sản phẩm khi trồng đến đâu được HTX Nam Lộc thu mua ngay đến đó”, ông Bộ nói. Để chứng minh ưu thế của cây dây thìa canh, ông Bộ lấy ví dụ ngay sào đinh lăng trong vườn ông trồng đã 2 năm. Theo ông, “phải mất 2-3 năm trồng đinh lăng mới cho thu hoạch. Hơn nữa, cây “khó tính” hơn thìa canh, không chịu được úng ngập, dễ bị thối gốc, vàng lá, sâu bệnh. Có lẽ vì vậy mà tôi thấy, nhiều hộ dân đã chuyển dần từ trồng đinh lăng sang dây thìa canh”. Với các ưu điểm phù hợp trên đồng đất Hải Lộc, chịu được nắng mưa, rét mướt, hạn chế phân bón, thuốc trừ sâu, không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí ban đầu thấp, cho thu hoạch nhanh… cây dây thìa canh đang được trồng ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh. Tại xã Hải Lộc, cũng theo ông Bộ, hầu như ở tất cả các xóm đều trồng thìa canh. Một số xóm trồng nhiều như xóm 3, xóm 7… Thời gian tới, nếu có điều kiện, ông Bộ cũng như nhiều hộ gia đình khác ở Hải Lộc mong muốn được mở rộng diện tích trồng cây dây thìa canh.

Rời Hải Lộc khi nắng trưa đã trở nên gay gắt, trước mặt chúng tôi, vườn cây dây thìa canh của ông Trần Văn Bộ càng xanh mướt. Giữa vườn, những tay, những cành, những ngọn dây thìa canh ở các luống vươn dài, bám vào nhau chằng chịt, che khuất cả lối đi. “Đợt này mưa nhiều nên tôi chưa muốn thu hoạch. Vì thu hoạch rồi mà không phơi được sản phẩm sẽ dễ bị nấm mốc, mất giá. Bà nhà tôi hằng ngày ở nhà đều theo dõi chương trình dự báo thời tiết sát sao để xem mưa nắng thế nào. Nếu từ nay đến cuối tuần còn nắng, chúng tôi sẽ tranh thủ thu hoạch cây rồi phơi khô nhập bán luôn. Chỉ mong thời tiết thuận hòa, thị trường ổn định, bõ công cả nhà tôi sớm hôm ra đồng chăm bẵm cây”, ông Bộ vui vẻ nói trước khi chia tay chúng tôi. Một vùng trồng dược liệu mênh mông với những đinh lăng, thìa canh đang ngày càng thuần thục trên đồng đất Hải Lộc cũng như nhiều huyện, xã khác trong tỉnh hứa hẹn những mùa ấm no cho bà con nông dân./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com