Bao giờ khắc phục tình trạng ngập úng tại đường Trần Hưng Đạo kéo dài?

08:08, 10/08/2018

Cứ sau các trận mưa lớn, cả đoạn phố Trần Hưng Đạo kéo dài, mà trọng điểm là từ khúc cong hồ Truyền Thống đến đoạn rẽ vào hồ Hàng Nan, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) nhanh chóng bị ngập úng. Tình trạng này không chỉ làm giảm tuổi thọ công trình giao thông, khiến người đi đường vô cùng chật vật, hư hại phương tiện mà còn gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân nơi đây. 

Các hộ dân nhiều năm phải chung sống với tình trạng úng ngập sau các trận mưa lớn ở tổ dân phố số 2, phường Lộc Vượng cho biết: Mặc dù ở gần hồ nhưng tình trạng ngập úng kéo dài sau các trận mưa lớn thường xuyên xảy ra kể từ khi tuyến đường Trần Hưng Đạo kéo dài khánh thành, đưa vào sử dụng. Riêng trong mùa mưa năm 2017, có nhiều trận mưa lớn, liên tiếp nên số đợt bị úng ngập nhiều, nước ngập cao vào nhà dân trong nhiều ngày. Mỗi đợt ngập úng, các hộ dân bị nước tràn vào nhà đều phải di chuyển, kê dọn đồ đạc, rất bất tiện trong sinh hoạt. Sau khi nước thoát lại phải rửa dọn vệ sinh khử trùng nhà cửa để tránh phát sinh dịch bệnh. Các hộ kinh doanh, buôn bán hàng ăn ven tuyến phố thì thất thu do không thể bán hàng trong tình cảnh ngập nước. Ông Hứa Văn Hướng, tổ trưởng tổ dân phố số 2 phường Lộc Vượng cho biết: Tổ dân phố đã nhiều lần kiến nghị với các cấp chính quyền tìm hướng khắc phục, giải quyết bất cập này. Ông Vũ Văn Thanh, sống tại tổ dân phố số 2 (nguyên là Trưởng Phòng Quy hoạch Sở Xây dựng đã nghỉ hưu) cho biết: Qua theo dõi thực địa trong nhiều năm chúng tôi nhận thấy tình trạng ngập úng tại khu dân cư không chỉ do khách quan là lượng mưa quá lớn mà còn do nhiều nguyên nhân khác. Trong đó, do khu vực này có hai hồ điều hòa của thành phố là hồ Truyền Thống và Hàng Nan nên thành phố thiết kế hướng tuyến tiêu thoát của 3 khu vực nội đô đổ về đây; vì vậy cùng lúc lưu lượng thoát nước về khu vực đường Trần Hưng Đạo kéo dài rất lớn. Các hướng cống từ đường Trường Chinh, Trần Hưng Đạo được thiết kế chảy về đảo điều tiết nước ở tuyến đường ngang hồ Truyền Thống nhưng có những thời điểm lá, cành cây và rác ùn tạo thành đập chắn ngang cửa cống, gặp mưa lớn không kịp phát hiện để vớt rác, cửa cống bị lấp, dẫn đến lượng nước bị ùn ứ ở đây sẽ dội ngược về các khu vực tổ dân phố số 2, số 3 phường Lộc Vượng. Tuyến cống từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trụ sở Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chạy dọc về đường Thành Chung, vượt qua đường Trường Chinh cũng thoát nước về hồ Hàng Nan nên khi nước hồ Hàng Nan không tiêu thoát kịp cũng tràn ứ lên. Khu vực thứ 3 là toàn bộ hướng cống đường Kênh vòng ra địa giới phường Cửa Bắc, đường Điện Biên cũng thoát về khu vực này. Cũng theo ông Thanh, ngay cả người không có chuyên môn về cầu cống cũng dễ nhận thấy tổng thể hệ thống đường nội đô phía bắc thành phố có cốt đường cao hơn và độ dốc thoải dần về đường Trần Hưng Đạo kéo dài. Đỉnh đường Trường Chinh ở mức 3,68m nhưng đỉnh đường Trần Hưng Đạo kéo dài chỉ 2,5m, vì vậy với mức chênh lệch theo chiều hướng thấp hơn tới 1,68m thì toàn bộ lượng nước ùn ứ của đường Trường Chinh sẽ chảy xuôi về đường Trần Hưng Đạo kéo dài. Ngoài ra theo dõi việc thiết kế và quá trình thi công hệ thống cống trên tuyến đường Trần Hưng Đạo kéo dài có rất nhiều vấn đề phải bàn đến. Tuyến cống dọc đường Trần Hưng Đạo từ đường cong hồ Truyền Thống đến đoạn vào hồ Hàng Nan, khi thiết kế, thi công chỉ bảo đảm công suất thoát nước độc lập cho riêng tuyến đường này mà không tính đến lượng nước của các hướng cống trong nội đô thành phố dồn về. Khi thi công hạ cống quá sâu so với mặt nước thường xuyên ở hồ Truyền Thống nhưng không bảo đảm đủ độ dốc nên bình thường lượng nước ở cống đã luôn đầy; gặp mưa lớn cùng với nước các hướng tuyến dồn về sẽ ngay lập tức dâng cao tràn ngược ra đường. Có một nghịch cảnh là chỉ cách nhau khoảng một mét giữa vỉa hè tuyến đường Trần Hưng Đạo kéo dài với lòng hồ Truyền Thống nhưng ngay sau khi mưa lớn lòng đường bị úng ngập, thậm chí có lúc ngập già nửa bánh xe ô tô nhưng mặt hồ không tràn nước. Bên cạnh đó, trong quá trình thi công tuyến đường Trần Hưng Đạo kéo dài đã có sự thay đổi nhà thầu. Khi nhà thầu mới tiếp quản thi công tự tiến hành be bờ, làm cống tiêu thoát nước lưu dẫn giữa hai hồ Truyền Thống và hồ Hàng Nan mà không nhận sự bàn giao hiện trạng thi công của nhà thầu cũ dẫn đến khả năng các đoạn cống nhà thầu trước đã làm bị hoành triệt gây tắc ứ ngầm. Theo thiết kế, thi công thì toàn bộ khu vực thoát nước giữa hồ Hàng Nan và hồ Truyền Thống thông nhau nhưng hiện nay mực nước có sự chênh lệch khiến hai nguồn nước không thể lưu dẫn, điều thoát, càng làm tăng mức độ ngập úng cho khu vực này. Tiến độ đầu tư dự án kè hồ Hàng Nan của thành phố đã nhôi nhai kéo dài từ cả chục năm nay vì chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Hiện tại, bãi vật tư tập kết của dự án kè hồ Hàng Nan đang che lấp phần cửa cống làm ảnh hưởng tới lưu lượng, tốc độ dòng chảy lưu dẫn giữa hồ Truyền Thống với hồ Hàng Nan. Bên cạnh đó, hồ Hàng Nan được địa phương cho khoán thầu để nuôi thủy sản cũng là một nguyên nhân khiến việc điều tiết nước hồ đảm bảo tiêu thoát nước đệm phục vụ thoát nước của thành phố gặp khó khăn. Tại các vị trí đấu nối cửa xả thoát nước chủ thầu hồ làm hệ thống cửa phai, lưới và tấm đan chặn để giữ nước phục vụ nuôi thủy sản. Vì vậy lượng nước chảy vào hồ và thoát ra ngoài không đảm bảo chủ động tiêu thoát nước cho khu vực. 

Theo ông Hướng, từ nhiều năm nay tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri do thành phố tổ chức, đại diện người dân khu phố đều kiến nghị, đề xuất thành phố quan tâm xem xét, khắc phục các điểm bất hợp lý kể trên. Để tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư, nhân dân khu phố đã kiến nghị thành phố hỗ trợ địa phương thực hiện các phương án giảm thiểu mức độ ngập lụt khả thi như: tăng cường nạo vét đảo điều tiết nước ở tuyến đường ngang hồ Truyền Thống để nước thoát nhanh, không bị ùn ứ dốc ngược về địa bàn tổ dân phố số 2; đầu tư một số hố ga thu nước đúng chỗ để nước tiêu thoát nhanh; làm một hố ngang đủ năng lực điều dẫn nước đoạn cống nối từ hồ Truyền Thống sang hồ Hàng Nan. Đồng thời phải tiến hành khơi thông toàn bộ tuyến cống thay vì chỉ xử lý tại các hố ga, nhất là tại cửa cống đổ xuống hồ. Tại hồ Hàng Nan đề nghị cắm cọc tiêu, xác định mốc cốt nước và yêu cầu chủ thầu hồ chấp hành, cơ quan quản lý có biện pháp xử lý khi chủ hồ không tuân thủ, giữ mức nước quá cao không đảm bảo việc tiêu thoát nước cho khu vực. 

Theo ông Hướng, nhiều năm khổ sở vì úng ngập nên nhân dân khu phố tha thiết mong các ngành chức năng, chính quyền thành phố quan tâm khẩn trương xử lý bất cập trong tiêu thoát nước tại địa bàn để người dân sớm thoát khỏi cảnh chung sống với ngập úng, ô nhiễm môi trường sau mưa lớn./.

Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com