Nhọc nhằn bán dạo nông sản

06:06, 22/06/2018

Bán dạo nông sản giờ thành kế sinh nhai của không ít người dân vùng đồng màu các xã Nam Hùng, Nam Hoa, Nam Dương (Nam Trực)… Xã ít cũng có tới trăm người, xã nhiều có tới bốn, năm trăm người tham gia. Lấy công làm lãi, trên con “ngựa sắt” là đôi sọt cồng kềnh chở đầy khi thì khoai lang, dưa lê, dưa hồng, lúc lại nhãn, vải, dứa, xoài…, đội ngũ này không quản mưa nắng, luồn lách khắp mọi nẻo phố, con ngõ để bán hàng.

I. Cái khó ló cái khôn

Giữa trưa nắng hè oi bức, dưới bóng mát của rặng cây xanh bên hông NVH huyện Hải Hậu, chúng tôi gặp một nhóm dân “xe thồ” bán dạo nông sản đang tranh thủ nghỉ ngơi, hàn huyên. Hỏi chuyện được biết mọi người ở các xã Nam Hùng, Nam Hoa, Nam Dương chuyên đi bán dạo rau, củ, quả quê mình.

Nghề bán dạo nông sản hình thành ngẫu nhiên do nông sản quê nhà làm ra nhiều mà tiêu thụ vẫn nhỏ lẻ cho thương lái và đưa ra chợ nên bán không xuể, đã thế thương lái đến tận ruộng mua thì ép cấp, ép giá, quần quật ngoài đồng ruộng mong được mùa, đến lúc thu hoạch lại lo rớt giá. Vậy là cánh đàn ông con trai sức dài vai rộng không đi xây, đi làm công nhân ở các Cty thì đảm nhận việc mang hàng đi bán rong hằng ngày từ ở chợ xa đến các khu phố, mời mọc rao bán tận cửa từng nhà. Đi bán mãi rồi cũng thành quen, hết vụ thu hoạch nông sản của quê nhà, các anh lại rủ nhau sang xã khác, huyện khác, rồi mạnh dạn đi các tỉnh lân cận thu mua nông sản để mang đi bán dạo. Mùa nào thức nấy, cứ đâu vào vụ thu hoạch, giá cả phải chăng là các anh tìm đến. Năng nhặt chặt bị, lấy công làm lãi nên việc bán dạo nông sản cũng mang lại một khoản thu nhập kha khá. Vậy là người nọ bày cho người kia, hướng dẫn, dắt nhau vào nghề, cứ tranh thủ xong công việc đồng áng nặng nhọc cày bừa, cuốc ruộng là sắp xếp phương tiện, dụng cụ thồ hàng lên đường bán dạo nông sản. Cũng bởi làm ruộng bây giờ cải tiến nhiều, cơ giới hóa nhiều nên việc đồng áng, mùa vụ có thể yên tâm giao lại cho phụ nữ. Cứ như thế, trong cái khó khăn tìm đầu ra cho sản phẩm, cánh đàn ông ở vùng đồng màu ngẫu nhiên có thêm nghề bán dạo nông sản từ lúc nào không hay. Hiện tại chỉ riêng huyện Nam Trực có hơn 1.000 người gắn bó với việc bán dạo nông sản. Trong đó vùng đồng màu xã Nam Dương có đến trên 500 người làm việc này; các xã Nam Hoa, Nam Hùng, Nam Mỹ cũng có vài trăm lao động gia nhập đội quân “xe thồ” với mức thu nhập khá từ 4-6 triệu đồng mỗi tháng.

Những người bán dạo nông sản tranh thủ nghỉ trưa, sắp xếp lại hàng hóa trước khi bắt đầu buổi bán dạo mới.
Những người bán dạo nông sản tranh thủ nghỉ trưa, sắp xếp lại hàng hóa trước khi bắt đầu buổi bán dạo mới.

II. Nhọc nhằn bán dạo nông sản

Ngày ngày tung hoành trên khắp các ngả, người bán dạo nông sản cũng có nhiều buồn vui, nhưng cực nhọc thì ít nghề nào bì được. Nhấp vội chai nước ngọt pha sẵn từ nhà mang theo uống cho lại sức, anh Đoàn Văn Ba, xã Nam Dương (Nam Trực) cho biết: Hàng hóa của anh em chúng tôi ban đầu gồm nông sản quê nhà như dưa lê, dưa hồng, khoai lang, bí xanh, cà chua…; hết vụ rau quả quê nhà, anh em chúng tôi tiếp tục “đánh” hàng tỉnh khác như xoài, cam, quýt, dừa, hành khô… thuận gì bán nấy. Cung đường bán dạo của anh em chúng tôi ban đầu cũng chỉ quanh quanh trong tỉnh, rồi tùy theo mùa vụ, theo mặt hàng mà khi thì Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, lúc lại Thanh Hóa, Nghệ An… Trung bình mỗi ngày chúng tôi đi chừng 300-500 cây số với 2-4 tạ hàng trên xe. Vậy nhưng phương tiện di chuyển chính vẫn là xe máy để thuận tiện luồn lách vào từng dong ngõ, xóm làng, mang nông sản đến tận tay người tiêu dùng. Nếu vào dịp bán nông sản của quê mình còn có thời gian nghỉ ngơi, chỉ cần tối về sắp hàng lên xe, ngủ một giấc, 4h sáng mai lên đường, nhưng lấy hàng tỉnh bạn thì khá vất vả. 10h đêm, anh em trong nhóm đã bắt đầu í ới gọi nhau lên đường. Chạy xe hàng trăm cây số trong đêm, 3h sáng hôm sau mới tới nơi, lựa chọn hoa quả, chằng buộc chắc chắn rồi quay trở về cung đường bán hàng quen thuộc lúc trời vừa sáng nên cũng gặp không ít hiểm nguy. Chỉ tính riêng việc dừng đỗ, lái xe cho an toàn khi vào các ngõ ngách đã khó chứ chưa nói đến chuyện không may va quệt ngoài đường, rồi chuyện mỗi khi thồ hàng lên dốc, qua cầu, qua phà là mỗi lần cực. Nhiều khi gặp phải đối tượng côn đồ, thanh niên đi nhậu về ngà ngà say, khô miệng chặn dừng xe hàng “xin” một vài loại quả hay gọi mua hàng nhưng không trả tiền. Những lúc như thế không lên tiếng thì ức, im lặng thì tạo thành thói quen bị bắt nạt; mà nói năng không khéo ngay lập tức bị các đối tượng này chửi bới, đánh trả hoặc phá hàng… vừa thiệt hại vừa nguy hiểm vô cùng. Do đặc thù nghề phải di chuyển nhiều nên cũng khó tránh khỏi những lúc không may, anh Trần Văn Hùng, xóm 1, xã Nam Dương kể: Năm ngoái trong một lần vào Thanh Hóa mua hàng, tôi không may va vào một cụ già, vậy là bao nhiêu vốn liếng mang tích cóp được đành mang vào lo chi phí thuốc thang đền bù cho cụ… Trước những nhọc nhằn và đặc tính hiểm nguy của việc bán dạo nên thông thường, người bán dạo thường đi theo nhóm. Sau khi chở hàng về địa phận tỉnh nhà mới chia ra các khu vực để bán lẻ nhưng đều phải giữ liên lạc, thông báo cung đường đi của nhau để ứng phó những lúc nguy nan, nghỉ trưa cùng nhau để có người giúp trông hàng hóa khi ăn uống, lúc chợp mắt. “Buôn có bạn, bán có phường”, vào lúc gặp mặt giữa trưa các anh còn san sẻ hàng hóa cho nhau, người “vía” tốt đắt hàng bán giúp người ế hàng, cố gắng không để hàng tồn qua ngày vừa đọng vốn mà nông sản giảm chất lượng.

Vất vả, cực nhọc là vậy nhưng ai đã gắn bó đều không muốn bỏ nghề. Anh Nguyễn Văn Hải, thôn Thọ Tuy, xã Nam Hùng cho biết: Ưu điểm đầu tiên của việc bán dạo nông sản là chủ động tiêu thụ được rau, củ của gia đình mình làm ra với giá bán cao hơn nhiều so với thương lái về mua tại ruộng. Hơn nữa có đi bán hàng, nói chuyện với khách mua chúng tôi mới nắm được nhu cầu của người tiêu dùng mà điều chỉnh sản xuất cho hiệu quả. Ví như cũng là quả dưa lê nhưng người mua lại thích loại dưa siêu ngọt dù quả nhỏ và nhìn không đẹp mã hơn loại dưa xanh quả to, mã đẹp. Hay như dưa hồng có nhiều giống khác nhau, chúng tôi từng thử nghiệm trồng giống dưa ếch bởi vỏ quả dưa có sọc xanh vàng giống như da ếch nhưng không được người tiêu dùng hưởng ứng nên vụ sau trồng giảm hẳn, tập trung trồng giống dưa hồng (dưa bở) gốc… Đây cũng chính là cách tiếp cận với thị trường nhanh hơn, người dân đồng màu vì thế mà năng động, sáng tạo hơn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com