Làm báo "thời khó"

07:06, 20/06/2018

“Chúng tôi thời đó hầu như đều là những “tay ngang” làm báo, do những duyên cớ nhất định, chúng tôi trở thành nhà báo. Làm báo thời đó nhiều vất vả, khó khăn, thậm chí nguy hiểm nhưng cũng không thiếu niềm vui. Đó là sự dấn thân đối với nghề nghiệp, là tình cảm tin yêu của cơ sở dành cho nhà báo, là được tham gia phản ánh những thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc, đất nước... Để cho đến hôm nay, khi nhìn lại một thời làm báo nhiều gian khó, chúng tôi có thể kể về quãng thời gian tuổi trẻ sôi nổi một cách nhẹ nhàng”, nhà báo Lương Ngọc Chương, nguyên Tổng biên tập Báo Nam Định chia sẻ.

Nhà báo Lương Ngọc Chương đọc Báo Nam Định.
Nhà báo Lương Ngọc Chương đọc Báo Nam Định.

Làm báo thời “nhiều khó”

“Những năm bao cấp là quãng thời điểm chúng tôi làm báo vất vả nhưng cũng nhiều kỷ niệm nhất”, ông Chương cho biết. Và, trong những câu chuyện đời, chuyện nghề, ông nhiều lần nhắc đến những chiếc xăm “cố vấn”. Theo lời kể của ông, thời điểm đó, kinh tế đất nước vô cùng khó khăn: “nghèo là nghèo chung cả nước chứ không chỉ riêng nhà báo. Trong cái nghèo, cái khó, mỗi người lại có cách khắc phục riêng để làm nghề. Những năm ấy, ai có cái xe đạp đi đã là “oách” lắm rồi”. 1 phòng/quý được phân 1 lốp, 1 xăm xe. Đến lượt được chia, ai nấy đều có cảm giác sung sướng, khoác ngay lốp xe lên vai và gọi vui là “huân chương sao vàng” (xăm, lốp mang nhãn hiệu Sao Vàng). Vì cái xe đạp là cả một gia tài nên khi đi công tác đường xa các nhà báo luôn giữ gìn rất cẩn thận. Hồi đó chưa chia tách tỉnh, địa bàn rộng, đường xá xấu nên việc đi cơ sở rất khó khăn. Mỗi nhà báo thường xếp lịch đi công tác từ 2-3 ngày hoặc có khi đi cả tuần. Đi lại nhiều nên xăm, lốp xe rất nhanh mòn, hỏng. Để giữ xe, các nhà báo nghĩ ra cách lồng thêm xăm vào nhau. Do đó, họ gọi vui là xăm “cố vấn” (vấn vít với nhau). Lồng nhiều “ruột” nên khi đi có cảm giác xe nặng trình trịch. Chuyện đi lại đã vất vả, chuyện ăn, mặc, viết của nhà báo thời bao cấp cũng có những chi tiết “cười ra nước mắt”. Mỗi lần đi công tác, việc đầu tiên các nhà báo chuẩn bị là phải nhờ bộ phận hành chính đổi tem phiếu lẻ. Để khi xuống cơ sở báo cơm thanh toán. Nhà báo Nguyễn Văn Bạo, nguyên Thư ký Toà soạn Báo Nam Định kể lại một kỷ niệm vui. “Lần đó để chuẩn bị cho chuyến đi viết bài về một HTX ở huyện Duy Tiên, (lúc đó là tỉnh Nam Hà), tôi dậy từ sáng sớm đạp xe đi. Gần trưa, tôi đến được Lý Nhân vào ăn cơm mậu dịch. Buổi chiều, tôi vào nhà một người dân phỏng vấn, nói trước với họ là nhờ nấu cơm sẽ gửi tiền. Chắc có lẽ họ ngại hoặc vì gia cảnh quá nghèo, chiều tối khi đến bữa họ chỉ mời “rơi”. Tôi biết ý không dám ăn. Đêm hôm đó tôi nằm ngủ mà nghe bụng róc rách suốt đêm”. Chuyện viết bài của nhà báo cũng có nhiều thứ để nói. Trung bình một người mỗi tháng được cấp một quyển sổ, một tuần được cấp một tập giấy. Đó là loại giấy xỉn màu, rất dễ bị nhòe chữ khi viết. Trước khi viết các nhà báo phải gấp tờ giấy lại, ước lượng số chữ viết ở mỗi mặt giấy để khi “căn” lên trang không bị lệch. Viết bài đã khó, khâu làm ảnh còn khó hơn nhiều. Theo lời kể của ông Chương, thời đó làm được ảnh tốn rất nhiều thời gian, tâm huyết. Có một câu chuyện kể về sự kiện năm 1969 mà chắc hẳn nhiều người làm Báo Nam Định thế hệ trước vẫn còn nhớ. Đó là năm Bác Hồ mất. Để có được bức ảnh chụp linh cữu Người, Ban Biên tập báo cử nhà báo Phạm Định ra tận Báo Nhân Dân túc trực chờ nhà in in xong, xin mượn bản kẽm về in lại. Thời điểm đó không chỉ có Báo Nam Định ra hỏi mượn mà còn có nhiều báo khác cùng ra. Sau khi Báo Nam Định xin được bản kẽm, bức ảnh này nhanh chóng được in ra hàng vạn số báo. Dịp này, để thông tin các sự kiện liên quan đến Bác Hồ, tình cảm của nhân dân trong tỉnh với Bác, Báo Nam Định lần đầu tiên ra số hằng ngày… Tuy làm báo trong điều kiện khó khăn, song đó cũng là thời điểm Báo Nam Định xuất hiện những cây bút có những bài viết rất tốt, phản ánh sâu sắc tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh. Trong đó có những tác phẩm đạt giải cao tại các giải báo chí quốc gia như các bài viết 3 kỳ: Công ngoài khoán ở Gia Viễn, năm 1983 và Công ngoài khoán ở Bình Lục, năm 1986 của nhà báo Nguyễn Văn Bạo, đạt giải Bông lúa vàng do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Bộ NN và PTNT tổ chức.

Lửa nghề

“Làm báo thời khó, khó trăm đường nhưng không vì thế mà đội ngũ phóng viên chúng tôi kém lửa và ý thức kỷ luật với nghề. Thậm chí có những lúc tác nghiệp trong điều kiện sinh tử nhưng bài vở luôn được hoàn thành đúng thời gian”, nhà báo Lương Ngọc Chương nói. Để chứng minh cho lời nói của mình, ông kể thêm cho chúng tôi nghe về những ngày làm báo trong mưa bom, bão đạn của các đồng chí, đồng nghiệp. Năm 1972, khi đế quốc Mỹ leo thang ném bom miền Bắc, phố Hàng Thao (TP Nam Định) được coi như trọng điểm bắn phá. Khi xác người vẫn còn nằm ngổn ngang, các nhà báo đã xuống hiện trường phản ánh tình hình. Cũng trong năm 1972, trong một lần đến Sở KH và CN lấy tư liệu, viết tin bài, nhà báo Nguyễn Văn Bạo mới bước chân ra khỏi cổng thì trụ sở bị đánh bom. Lần ấy là lần “chết hụt” của ông. Chính nhà báo Lương Ngọc Chương cũng có lần “tưởng chết” ở Nhân Hậu (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Đó là kỷ niệm trong những ngày cả cơ quan Báo phải sơ tán tránh bom. Mọi người cùng chung tay đào hầm trú ẩn. Hầm sập, “chôn vùi” luôn cả ông... 

Không chỉ có những câu chuyện nhiều khó, nhiều khổ, trong một buổi chiều, chúng tôi còn được họ, những nhà báo đi trước kể cho nghe những chi tiết cảm động trong đời làm báo. “Khi ấy xã Hải Quang (Hải Hậu) đạt mức huy động 1.000 tấn thóc cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Xã sau đó được Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm, biểu dương. Thời điểm này, tôi xuống xã để viết bài phản ánh. Khi tôi về Hải Quang trời đã tối, tôi được chủ nhiệm HTX mời về nhà. Sáng ra, thấy con trai của chủ nhiệm HTX đang chơi ngoài sân, tôi hỏi, con ăn gì sáng nay? Cậu bé trả lời, sáng con ăn cơm không, trưa con ăn cơm độn, tối con ăn cơm không (ăn cơm không là không ăn cơm). Nghe xong, trong lòng tôi có nhiều cảm giác rất khó tả, vừa xót xa vừa tự hào. Vì tiền tuyến lớn, đồng bào miền Bắc có thể nhịn ăn, nhịn mặc để góp công, góp của dốc toàn lực cho miền Nam thân yêu”, ông Bạo nói. Hay cũng trong sự kiện năm 1969, Bác Hồ mất, ông Chương được tòa soạn giao đi phỏng vấn về tình cảm của các tầng lớp nhân dân đối với Bác. Nhân vật được chọn là một chị công nhân ở nhà máy Dệt Nam Định. Xen lẫn giữa tiếng máy ầm ĩ, ông Chương kiên nhẫn đi tua trên máy cùng nhân vật hàng tiếng đồng hồ chỉ để ghi đoạn phỏng vấn nhỏ. Trong lúc phỏng vấn cả nhân vật và nhà báo đều khóc… Đó còn là bản lĩnh của người làm báo trước những vấn đề nhạy cảm. Năm 1969, vụ chiêm xuân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Nhà báo Lương Ngọc Chương được giao xuống HTX Hải Quang (Hải Hậu) để viết bài. Phát hiện một số ruộng lúa ở đây cấy giống lúa không hợp lý, cấy giống thấp cây trên ruộng trũng gây thất bát mùa màng. HTX khi đó không muốn phản ánh sự thật, mong muốn nhà báo viết về những cánh đồng tốt hơn của họ nhưng ông không đồng ý. Theo ông, báo chí là phải thông tin đúng sự thật. Sau đó ông vẫn có bài phản ánh tình trạng cấy lúa bất hợp lý ở xã.

Một thời làm báo nhiều gian khó đã lùi xa. Thế hệ chúng tôi - những nhà báo trẻ hiện nay được may mắn làm việc trong điều kiện tốt hơn. Chúng tôi nguyên mãi giữ được trong trái tim mình ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê, bản lĩnh nghề như lớp cha anh đi trước, để tờ báo, đội ngũ những người làm báo ngày càng phát triển./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com