Đẩy mạnh quản lý, bảo vệ môi trường làng nghề

06:06, 29/06/2018

Bên cạnh mặt tích cực về giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân các địa phương, góp phần xây dựng NTM, các làng nghề trên địa bàn tỉnh ta chưa được quan tâm quản lý và thực hiện nghiêm công tác BVMT theo quy định.

Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng trên tuyến sông dọc làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực).
Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng trên tuyến sông dọc làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực).

Huyện Trực Ninh có 9 làng nghề với khoảng 3.000 hộ sản xuất các ngành nghề: dệt, may, đan, thêu thủ công mỹ nghệ, mộc dân dụng… Theo UBND huyện đánh giá, đến nay, các xã, thị trấn chưa quản lý, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề theo quy định. Huyện Nam Trực có 13 làng nghề được UBND tỉnh công nhận; tuy nhiên đến nay một số làng nghề hầu như không còn hoạt động sản xuất, chỉ còn 9 làng nghề với khoảng 1.052 cơ sở sản xuất, tập trung vào các ngành nghề như cơ khí (làng nghề Vân Chàng, Đồng Côi và thôn Tư); cơ khí, tái chế kim loại Bình Yên; trồng hoa cây cảnh (Vỵ Khê, Vô Hoạn); làm hoa nhựa Báo Đáp; dệt may Liên Tỉnh; tái chế nhựa Vô Hoạn. Theo đánh giá của UBND huyện, công tác BVMT làng nghề còn chưa được quan tâm, ý thức BVMT của các hộ làm nghề còn hạn chế. Hầu hết các cơ sở chưa lập hồ sơ pháp lý về môi trường; hiện nay mới có 489/1.052 cơ sở sản xuất trong làng nghề có hồ sơ pháp lý về môi trường. Tình trạng các hộ sản xuất xen lẫn trong khu dân cư diễn ra phổ biến. Nước thải của các cơ sở sản xuất trong làng nghề chưa được xử lý mà xả thải trực tiếp ra môi trường. Chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường của cơ sở sản xuất chưa được thu gom, xử lý theo quy định. Trừ 2 làng nghề Vô Hoạn và Liên Tỉnh đã lập phương án BVMT trình UBND huyện phê duyệt; đã lập hồ sơ tự quản về BVMT làng nghề; các làng nghề còn lại chưa có phương án BVMT, chưa lập tổ tự quản về BVMT. Theo đánh giá của UBND tỉnh, thực trạng công tác BVMT làng nghề như trên tồn tại ở các địa phương trong tỉnh. Nghiêm trọng hơn, dù tỉnh đã nỗ lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ TN và MT, các tổ chức quốc tế để thực hiện các dự án nhằm cải thiện, phục hồi môi trường tại một số làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng như làng nghề sản xuất cơ khí Tống Xá (Ý Yên), làng nghề sản xuất cơ khí, tái chế cô đúc nhôm phế liệu Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực) nhưng chính quyền cấp xã và nhân dân chưa tích cực tiếp nhận, đưa công trình vào vận hành, cải thiện mức độ ô nhiễm môi trường địa phương. Cụ thể như làng nghề sản xuất cơ khí, tái chế cô đúc nhôm phế liệu Bình Yên phát sinh nước thải công nghiệp, bụi, khí thải và chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường. Từ nhiều năm trước, qua các thông số quan trắc của ngành TN và MT đã cho thấy tình trạng ô nhiễm ở mức trầm trọng. Ngày 18-12-2011, Chính phủ đã có Quyết định số 2406/QĐ-TTg phê duyệt làng nghề Bình Yên nằm trong danh mục làng nghề được hỗ trợ vốn để khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường trong các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012-2015 và phê duyệt thực hiện dự án “Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề cơ khí Bình Yên, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định”, giao Sở TN và MT làm chủ đầu tư. Cuối tháng 5-2014, UBND tỉnh quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư cho dự án là 88 tỷ 939 triệu đồng. Mục tiêu chung của dự án nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của làng nghề do nguồn nước thải và khí thải; kiểm soát ô nhiễm, xây dựng và thực thi quy chế, chính sách quản lý môi trường làng nghề theo hướng cân bằng lợi ích môi trường và phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, Trạm xử lý nước thải tập trung của làng nghề Bình Yên đã được bàn giao cho UBND xã quản lý nhưng do UBND xã chưa thu được kinh phí từ các hộ sản xuất trong làng nghề nên không vận hành được trạm xử lý nước thải. Chính thái độ không nghiêm túc trong chấp hành các quy định pháp luật của các hộ sản xuất và sự thiếu quyết liệt trong quản lý, xử lý từ cấp chính quyền địa phương đã dẫn đến tình trạng không đưa hoặc chậm đưa công trình BVMT đã được đầu tư vào sử dụng, gây lãng phí nguồn vốn trong điều kiện kinh tế chung còn nhiều khó khăn.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các huyện, thành phố chủ động bố trí kinh phí bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ về BVMT làng nghề trên địa bàn. Cụ thể, yêu cầu các xã, thị trấn có làng nghề phải có phương án BVMT làng nghề được UBND huyện phê duyệt và phải tổ chức thực hiện phương án. Các xã, thị trấn phải bảo đảm hạ tầng BVMT làng nghề có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước, không để xảy ra hiện tượng tắc nghẽn, tù đọng nước thải và ngập úng. Hệ thống xử lý nước thải tập trung (nếu có) phải đảm bảo công suất xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường tương ứng đối với tổng thể lượng nước thải phát sinh từ làng nghề trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Điểm tập kết chất thải rắn hợp vệ sinh, khu xử lý chất thải rắn bảo đảm quy định về quản lý chất thải rắn hoặc phương án vận chuyển chất thải rắn đến khu xử lý chất thải rắn nằm ngoài địa bàn. Có tổ tự quản về môi trường bảo đảm các điều kiện có quyết định thành lập và quy chế hoạt động do UBND cấp xã ban hành, được trang bị phương tiện và bảo hộ lao động đầy đủ. Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương phải tăng cường tuyên truyền, vận động để các hộ sản xuất trong làng nghề hiểu rõ, từ đó nghiêm túc chấp hành mọi trách nhiệm, nghĩa vụ BVMT làng nghề theo quy định pháp luật. Riêng làng nghề Bình Yên, Sở TN và MT đã yêu cầu UBND huyện Nam Trực chỉ đạo xã Nam Thanh khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án thu tiền xử lý nước thải của các hộ sản xuất trong làng nghề và vận hành thường xuyên trạm xử lý nước thải của làng nghề. Tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất trong làng nghề có biện pháp xử lý sơ bộ, lắng lọc nước thải trước khi thải vào hệ thống thoát nước chung của làng nghề để chống quá tải, kéo dài tuổi thọ của trạm xử lý nước thải. Hiện nay, các địa phương đang tập trung rà soát các làng nghề không đủ điều kiện về số hộ sản xuất, có văn bản báo cáo các cơ quan có thẩm quyền đưa ra khỏi danh sách làng nghề. UBND các huyện chỉ đạo các xã tập trung kiểm tra, yêu cầu các cơ sở sản xuất đang hoạt động trong làng nghề phải có biện pháp xử lý chất thải bảo đảm môi trường, không cho phép thành lập mới các cơ sở có hoạt động sản xuất phát sinh bụi, mùi, khí thải độc hại và nước thải chứa nhiều hóa chất, kim loại nặng trong làng nghề theo quy định của Luật BVMT. UBND các huyện cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục liên quan để triển khai xây dựng các CCN: Thịnh Lâm, Yên Dương, Đồng Côi...; tiếp tục lựa chọn CCN ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa nhằm khuyến khích di chuyển các cơ sở sản xuất ở trong làng nghề ra, bảo đảm vừa phát triển sản xuất ở nông thôn vừa đáp ứng yêu cầu BVMT. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020, di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất thuộc nhóm tái chế giấy, kim loại, nhựa, nhuộm và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang hoạt động trong khu dân cư vào CCN làng nghề. Phấn đấu cơ bản kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, không phát sinh thêm các làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng mới. Phấn đấu xử lý 100% các làng nghề bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo danh mục của Bộ TN và MT xác định. 100% CCN làng nghề tuân thủ đầy đủ các quy định về BVMT./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com