Bát nháo thị trường thực phẩm chức năng

08:06, 08/06/2018

Chăm sóc sức khỏe bằng thực phẩm chức năng (TPCN) đang là xu hướng tiêu dùng phổ biến không chỉ đối với người dân ở thành phố mà cả khu vực nông thôn. Tuy nhiên việc sử dụng TPCN của đa số người dân không theo tư vấn hướng dẫn của bác sĩ mà dựa theo quảng cáo và trào lưu xã hội. Lợi dụng xu thế này, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN thường quảng cáo “vống lên” về tác dụng của sản phẩm với hiệu quả nhanh để lừa gạt người tiêu dùng; tiêu thụ sản phẩm chủ yếu qua hình thức kinh doanh đa cấp; trong khi quy định pháp luật điều chỉnh, quản lý lĩnh vực này chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn khiến thị trường TPCN càng thêm phức tạp. 

Thời gian gần đây, người tiêu dùng trong cả nước hoang mang, phẫn nộ với việc Cty TNHH Vinaca (Hải Phòng) sản xuất mỹ phẩm, TPCN chữa bệnh ung thư giả. Theo số liệu của cơ quan chức năng cung cấp, sản phẩm của Vinaca có tới 2.000 nhãn hiệu. Trong đó, lưu thông phổ biến trên thị trường là các dòng: Vinaca Vi5 (loại 874nl), Vinaca ung thư CO3.2, Baby Vinaca Vi6, Vinaca Activated Carbon đa dụng, Vinaca vi lượng (nhỏ mũi), Vinaca đa dụng và một số chất bột cùng chất lỏng không nhãn mác khác… Vấn đề ở chỗ các loại TPCN và hóa mỹ phẩm được Cty Vinaca tổ chức sản xuất vô cùng sơ sài, đơn giản là đốt tre, nứa thành than, sau đó nghiền thành bột, đóng thành viên nang hoặc hòa với nước, rồi đóng gói, dán nhãn mác và bán ra thị trường... mà không có bất kỳ nghiên cứu, ứng dụng hay những tác động mang tính dược học trong sản phẩm này nhưng Cty lại giới thiệu, quảng cáo về công dụng của Vinaca chẳng khác nào “thần dược”. Đặc biệt sản phẩm Vinaca Co3.2 được giới thiệu có tác dụng trên hệ tiêu hóa, “có thể hủy diệt 100% tế bào ung thư”… Sản phẩm được bán dưới hình thức đa cấp, tổ chức các hoạt động quảng bá, hội thảo rầm rộ trên toàn quốc. Thế nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra, hầu hết các cơ sở sản xuất, phân phối sản phẩm Vinaca chữa ung thư và một số sản phẩm khác đều không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, chưa được đăng ký, công bố tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, cũng như việc thực hiện các quy định bắt buộc về nhãn mác sử dụng đối với TPCN (phải ghi rõ “sản phẩm không phải là thuốc và không dùng thay thế thuốc chữa bệnh”). Tại thị trường tỉnh ta, trong tháng 4-2018, cơ quan chức năng đã phát hiện 5 cơ sở có kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm, TPCN chữa bệnh ung thư giả do Cty Vinaca sản xuất tại các huyện Mỹ Lộc, Nam Trực và Thành phố Nam Định. Tại thời điểm kiểm tra, 2 trong số 5 cơ sở đã đóng cửa từ trước đó. Các cơ sở khác đều đang bày bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng chữa bệnh ung thư giả do Cty Vinaca sản xuất. Chủ các cơ sở kinh doanh không xuất trình được giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh cũng như hồ sơ công bố chất lượng của sản phẩm do Cty Vinaca sản xuất nhưng vẫn tổ chức tư vấn, bán hàng. Lực lượng chức năng đã thu giữ 750 sản phẩm do Cty Vinaca sản xuất bao gồm: 124 lọ ung thư Vi3; 220 lọ Baby Vinaca Vi6; 9 lọ Vinaca ung thư Co3.2; 30 lọ Vinaca xương khớp Co2; 62 lọ Vinaca tẩy mùi hôi Vi5; 27 hộp Vinaca đa dụng; 257 lọ Vinaca tỉnh táo Vi7...; hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Cũng theo số liệu của cơ quan chức năng, số lượng sản phẩm do Cty Vinaca sản xuất thu giữ được trên địa bàn tỉnh cao nhất so với các địa phương khác, có thể cho thấy lượng người tiêu dùng sản phẩm này cũng rất nhiều. Chị Phạm Thị Tâm, xã Nam Thanh (Nam Trực) cho biết: Gia đình có người nhà bị trọng bệnh, khi được người làng rỉ tai nói về “thần dược Vinaca” là hàng Việt Nam chất lượng cao, doanh nghiệp được tặng nhiều giải thưởng cao quý nên chị tin và mua ngay. Khi sử dụng thuốc thấy chất thải của bệnh nhân toàn màu đen đúng như lời người bán hàng tư vấn đó “là dấu hiệu thải độc tố, tế bào ung thư trong cơ thể bị đẩy ra ngoài” nên gia đình rất vui và tiếp tục mua thêm các sản phẩm hỗ trợ khác như thuốc tắm “để tránh vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài vào cơ thể bệnh nhân”. Nhưng khi nghe thông tin đó là thuốc giả, gia đình rất hoang mang và oán giận vô cùng bởi họ dám trục lợi cả những người đã kiệt quệ vì bệnh tật. Trên thực tế nhiều gia đình có điều kiện kinh tế còn mua TPCN của Cty Vinaca về làm đẹp và tăng cường sức khỏe cho người già, phụ nữ, trẻ em trong gia đình. Mỗi lộ trình sử dụng TPCN được tư vấn đều lên đến hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng khiến người tiêu dùng rất phẫn nộ khi nghe tin là sản phẩm giả. 

Ngoài vụ việc TPCN giả do Cty Vinaca sản xuất, phân phối lực lượng chức năng cho biết thời gian qua đã phát hiện, đình chỉ lưu thông nhiều loại TPCN vi phạm về chất lượng, nhãn mác gian lận thương mại. Chưa kể tình trạng một số loại TPCN được các cơ quan chức năng, doanh nghiệp thông báo phải thu hồi do bị lỗi kỹ thuật nhưng thực tế việc thu hồi không được bao nhiêu do đã bán đến tay người tiêu dùng, hoặc người bán hàng ở xa trung tâm, vùng nông thôn không để ý hoặc cố tình giữ lại để tiếp tục bán kiếm lời. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, kinh tế của người tiêu dùng.

Để làm tốt hơn nữa công tác quản lý thị trường TPCN, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khám chữa bệnh có hành vi đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, cố tình kê TPCN vào đơn thuốc, ghi công năng sai với bản chất vốn có của sản phẩm… các ngành chức năng cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPCN. Đặc biệt đối với người tiêu dùng phải hết sức thận trọng tìm hiểu thông tin và lựa chọn sử dụng TPCN để bảo vệ bản thân và gia đình, tránh nguy cơ “tiền mất tật mang”./.

Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com