Vững vàng cột mốc Trường Sa! (kỳ 3)

08:05, 28/05/2018

[links()]

(Tiếp theo và hết)

III. Người Nam Định ở Trường Sa

Ngay khi đáp máy bay xuống Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, Đoàn công tác của tỉnh đã được đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân và Lữ đoàn 146 đón tiếp nồng hậu, thắm tình đồng chí, tình quân dân. Đồng chí Bùi Đình Dương, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), người con của huyện Nam Trực giới thiệu những nét mới của huyện đảo với những đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân khắp mọi miền đất nước, trong đó có con em quê hương Nam Định.

Trung tá Trần Văn Quyền, quê ở xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng) hiện đảm nhiệm chức vụ Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo Trường Sa lớn. Trong cái nắng như đổ lửa làm ướt đẫm lưng áo người lính hải quân, anh Quyền vẫn nhiệt tình dẫn đoàn công tác đến dâng hương tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa Trường Sa… Giữa biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, cơn gió biển chợt ập đến cuốn đi làn khói hương dịu ngọt, phảng phất, lan tỏa khiến mọi người xúc động, cảm phục tinh thần anh dũng, quả cảm của bao thế hệ đi trước vì sự toàn vẹn của non sông, đất nước. Cách đất liền 254 hải lý, Trường Sa là một đảo lớn trên quần đảo Trường Sa. Tại đây, có trụ sở UBND, hệ thống trường học, trạm y tế, khu dân cư, làng chài và âu tàu chứa được trên 90 tàu cá của ngư dân ta vào tránh trú bão. Trên đảo còn có đường băng, nhà ga hàng không, máy bay có thể lên xuống thuận tiện đưa đón các đoàn công tác ra thăm đảo và triển khai các hoạt động cứu hộ, cứu nạn. Vượt lên những khó khăn về điều kiện thời tiết, quân và dân trên đảo đã tích cực tăng gia, chăn nuôi, khai thác hải sản với tổng giá trị thu được khoảng gần 400 triệu đồng mỗi năm. Làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ bộ đội và nhân dân; trong những tháng đầu năm 2018, lực lượng quân y trên đảo đã khám, điều trị cho hơn 1.200 người bệnh, để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp về mối quan hệ quân dân. Với những kết quả đã đạt được, năm 2017 Thị trấn Trường Sa được UBND tỉnh Khánh Hòa tặng Bằng khen; đảo được Tư lệnh Hải quân tặng danh hiệu đơn vị vững mạnh toàn diện. Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược biển đến năm 2020”, trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, quân và dân trên đảo Trường Sa tiếp tục đoàn kết, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đảo “mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực trong quan hệ quân dân”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đoàn công tác của tỉnh chụp ảnh với cán bộ, chiến sĩ con em quê hương Nam Định đang công tác trên đảo Trường Sa lớn.
Đoàn công tác của tỉnh chụp ảnh với cán bộ, chiến sĩ con em quê hương Nam Định đang công tác trên đảo Trường Sa lớn.

Cập bến đảo chìm Đá Đông điểm C vào lúc thủy triều xuống thấp, các thành viên trong đoàn công tác của tỉnh đã tận mắt chứng kiến những hòn đá mồ côi nhẵn bóng nhô lên mặt nước thật lý thú và đẹp mắt. Đại úy Bùi Duy Việt, sinh năm 1988 ở xã Xuân Bắc (Xuân Trường) hiện là Đảo Trưởng giới thiệu: Đảo Đá Đông mang đặc trưng khí hậu thủy văn của quần đảo Trường Sa, mùa hè mát, mùa đông ấm hơn trong đất liền. Do nằm ở vĩ độ thấp nên thời tiết trên đảo buổi trưa rất oi bức. Những tháng mùa khô thời tiết khắc nghiệt, ngày nắng kéo dài từ sáng sớm đến tối xẩm. Tuy nhiên, đây là thời kỳ sóng yên biển lặng rất thuận tiện cho tàu thuyền đi lại, làm ăn. Thủy triều trên đảo là chế độ nhật triều, một lần nước lên, một lần nước xuống. Số ngày nắng trên đảo thường dao động trên dưới 300 ngày trong năm. Đảo chịu sự chi phối của 3 đới gió mùa: Đông Bắc, Đông Nam, Tây Nam, nhưng mạnh và hoạt động dài ngày hơn là gió mùa Đông Bắc về mùa đông và gió mùa Tây Nam về mùa hè mang hơi nước từ biển vào dễ gây hư hỏng cho vũ khí, trang thiết bị sinh hoạt của bộ đội trên đảo. Cùng với các đảo khác trên quần đảo Trường Sa, đảo Đá Đông điểm C là lá chắn vòng ngoài bảo vệ sườn phía Đông của các tỉnh Nam Trung Bộ. Xung quanh cụm đảo Đá Đông, phía ngoài của thềm san hô có nhiều loài cá quý như chim, thu, ngừ, mú và một số loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Mùa sóng yên, biển lặng, các loại tàu thuyền của ngư dân các địa phương ven biển nước ta cũng như các nước trong khu vực đến đây đánh bắt, khai thác, chế biến hải sản tương đối đông đúc, sầm uất.

Dạo bước trên đảo Trường Sa Đông dưới những bóng cây bàng vuông và hàng phong ba xanh ngát, gặp gỡ, động viên những người lính đang làm nhiệm vụ giữ đảo, đoàn công tác của tỉnh rất vui khi biết tại đây có khá nhiều con em Nam Định. Đó là Trung tá Trần Minh Đức, Chính trị viên đảo; Trung tá chuyên nghiệp Khương Văn Phú, phụ trách cơ yếu; Thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Khương Duy, ở bộ phận ra-đa; Thượng úy Mai Xuân Hải, trợ lý hóa học. Dừng tay khám bệnh cho một người lính còn khá trẻ, Thiếu tá, bác sĩ chuyên khoa I Bùi Trần Khoa, quê ở xã Yên Quang (Ý Yên) tỏ vẻ đầy lo lắng bởi bệnh tật của ngư dân trên biển ngày càng đa dạng với nhiều diễn biến phức tạp. Gắn bó với biển, đảo khá lâu nên anh cũng chẳng còn nhớ trên chặng đường 46 năm tuổi đời, 25 năm tuổi quân của mình đã từng điều trị cho bao nhiêu người bệnh với thuốc men và dụng cụ y khoa giản đơn, thiếu thốn. Chỉ biết rằng, trong  năm 2018, Bệnh xá đảo Trường Sa Đông đã cấp cứu thành công 10 bệnh nhân, trong đó có 4 trường hợp: Trung sĩ Mai Anh Tuấn, Thượng úy Phạm Văn Chiêm, Binh nhất Nguyễn Quốc Tuấn và ngư dân 26 tuổi Trịnh Dương Mến ở tàu cá Quảng Nam đều phải mổ cấp cứu do viêm ruột thừa cấp. Điều rất mừng là sau một thời gian dưỡng sức, tất cả các bệnh nhân được phẫu thuật đều đã lành bệnh, mang lại niềm vui cho y, bác sĩ để họ ngày càng yên tâm, gắn bó lâu dài với cuộc sống lao động, chiến đấu trên đảo.

Tiếp tục hải trình đến các đảo Sinh Tồn, Cô Lin, Tiên Nữ, Tốc Tan C, Thuyền Chài C, An Bang, Đá Tây B và nhà giàn DK1 đâu đâu chúng tôi cũng gặp những người lính con em quê hương Nam Định đang công tác trên đảo, nhà giàn. Đại tá Trần Minh Thuần, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, đơn vị trực tiếp quản lý quần đảo Trường Sa, người con của huyện Ý Yên thống kê sơ bộ: Người Nam Định đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa hiện có 84 đồng chí; trong đó 66 người trên đảo, 17 người trên tàu, 1 người trên nhà giàn DK1. Xa quê hương, đến với Trường Sa, những người lính hải quân dù được biên chế ở đơn vị nào, đảm nhận công tác chính trị, kỹ thuật hay hậu cần thì họ luôn có chung một ý chí là ra sức đóng góp trí tuệ, tuổi thanh xuân của mình vào công cuộc xây dựng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước, xứng đáng với truyền thống của quê hương Nam Định thân yêu./.

Bài và ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com