Vững vàng cột mốc Trường Sa! (kỳ 1)

08:05, 23/05/2018

Trong các ngày từ 27-4 đến 6-5-2018, Đoàn công tác của tỉnh Nam Định do đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đi thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa (Khánh Hoà) và nhà giàn DK1. Nhà báo Xuân Thu, Trưởng Phòng Xây dựng Đảng - Nội chính Báo Nam Định, thành viên trong Đoàn đã được trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của nhân dân, công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trên vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

I. Cuộc sống nơi đảo xa

Xuất phát từ cảng quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa), tàu HQ 571 đưa Đoàn công tác của tỉnh Nam Định vượt gần 1.000 hải lý đến với các đảo Sinh Tồn, Cô Lin, Tiên Nữ, Tốc Tan C, Thuyền Chài C, An Bang, Đá Đông C, Trường Sa Đông, Đá Tây B, Trường Sa và nhà giàn DK1. Thiếu tá Đinh Hữu Đoan, Trưởng tàu HQ 571 vui vẻ giới thiệu: Quần đảo Trường Sa nằm ở phía Nam Biển Đông, phía Bắc là quần đảo Hoàng Sa. Quần đảo Trường Sa gồm hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ và bãi san hô với diện tích vùng biển rộng khoảng 180 nghìn km2 và án ngữ vùng biển rộng lớn phía Đông Nam nước ta. Khoảng cách giữa các đảo cũng khác nhau, gần nhất từ đảo Song Tử Đông đến Song Tử Tây là 1,5 hải lý; xa nhất từ Song Tử Tây (phía Bắc) đến An Bang (phía Nam) khoảng 280 hải lý. Khí hậu trên quần đảo Trường Sa rất khắc nghiệt, nước ngọt hiếm, trung bình mỗi năm có tới 131 ngày bão, gió từ cấp 6 trở lên, mỗi tháng có từ 13 đến 20 ngày gió mạnh. Hiện nay, trên các đảo và bãi san hô đã có một số công trình và nhà ở kiên cố, một số đảo có dân cư sinh sống; có đèn biển và âu tàu, tạo thuận lợi cho các phương tiện hàng hải vào tránh giông bão…

Tàu Trường Sa của Bộ Tư lệnh Hải quân đưa đoàn công tác của tỉnh Nam Định cập bến đảo Trường Sa lớn.
Tàu Trường Sa của Bộ Tư lệnh Hải quân đưa đoàn công tác của tỉnh Nam Định cập bến đảo Trường Sa lớn.

Vượt qua muôn vàn khó khăn, vất vả, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo và nhà giàn DK1 luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng cuộc sống, sinh hoạt, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Đặt chân lên đảo nhỏ Đá Tây điểm B có diện tích chưa đầy 2.000m2, nằm cách bán đảo Cam Ranh 235 hải lý về phía Đông Nam, chúng tôi có thể quan sát được gần 70% diện tích bãi san hô mặt đảo khi thủy triều xuống thấp. Từ đảo Đá Tây điểm B phóng tầm mắt về hướng Đông Bắc khoảng 3 hải lý là đảo Đá Tây điểm C và cách đó không xa, khoảng 3,5 hải lý nữa là đảo Đá Tây điểm A. Thượng úy Phạm Ngọc Thạch, Chỉ huy trưởng Đảo Đá Tây điểm B cho biết: Khí hậu ở đây cơ bản chỉ có 2 mùa khô và mưa. Mùa khô từ tháng 2 đến tháng 4 và mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau. Nhiệt độ trung bình hằng năm từ 26 đến 300C; độ ẩm trung bình từ 76 đến 80%, cao nhất có thể lên tới 97%. Độ ẩm cao mang theo nhiều hơi muối làm cho trang bị vũ khí, khí tài nhanh chóng xuống cấp; lương thực, thực phẩm dễ bị hư hỏng. Tuy nhiên, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, khắc phục mọi khó khăn cán bộ, chiến sĩ luôn sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, đơn vị còn thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giúp đỡ ngư dân ra khai thác, đánh bắt hải sản chấp hành nghiêm pháp luật trong nước, quốc tế. Ngư dân vừa tham gia sản xuất trên biển, vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Năm 2017 và 4 tháng đầu năm nay, đơn vị đã khám, cấp thuốc cho 55 ngư dân bị ốm đau trên biển, hỗ trợ 2.150 lít nước ngọt và một số nhu yếu phẩm khác cho ngư dân.

Cập bến đảo An Bang ở vị trí 7 độ 52 phút vĩ độ Bắc; 112 độ, 54 phút, 30 giây kinh độ Đông, chúng tôi cảm nhận vẻ đẹp xanh ngát của một hòn đảo lớn, diện tích gần 11 nghìn m2 nằm giữa mênh mông biển cả. An Bang có đặc điểm riêng so với các đảo khác ở quần đảo Trường Sa là tại đây luôn có sóng to, gió lớn bất thường, nước từ biển tràn lên đảo nhiều, gây khó khăn cho công tác bảo quản, sử dụng các loại thiết bị điện, điện tử cũng như các vật dụng bằng thép. Quán triệt sâu sắc các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về công tác sẵn sàng chiến đấu, đơn vị luôn duy trì nghiêm các chế độ trực, tổ chức tuần tra, canh gác, quan sát chặt chẽ 24/24 giờ mỗi ngày, kịp thời phát hiện mục tiêu, xử lý đúng đối sách, báo cáo sở chỉ huy các cấp đúng quy định, không để bị động, bất ngờ. Do nằm ở vị trí chốt chặn quan trọng nên đơn vị luôn làm tốt công tác tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ. Từ đó, các lực lượng trên đảo luôn có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, không mơ hồ mất cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hy sinh với tinh thần “còn người, còn đảo, còn chủ quyền quốc gia”. Về công tác hậu cần, do có diện tích lớn nên An Bang có điều kiện tăng gia sản xuất, đánh bắt hải sản, nâng cao đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Trong năm 2017 và những tháng đầu năm nay, đơn vị đã tổ chức sản xuất được 1.670kg thịt, 1.380kg cá tươi, 6.950kg rau xanh, 650kg đậu phụ, vượt chỉ tiêu đề ra. Trong công tác cứu hộ, cứu nạn, năm 2017 đơn vị đã cấp cứu kịp thời cho 8 ngư dân; đặc biệt đã cấp cứu, cứu nạn cho 1 ngư dân tàu cá Khánh Hòa bị giảm áp mức độ nặng do lặn sâu; phẫu thuật cho 3 trường hợp; khám, cấp thuốc cho trên 250 lượt ngư dân. Trong 4 tháng đầu năm nay, An Bang đã cấp cứu cho 3  ngư dân; phẫu thuật 2 trường hợp; khám, cấp thuốc cho 50 lượt ngư dân trên các tàu đánh cá xa bờ của các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận, Quảng Ngãi. Sự quan tâm, giúp đỡ tích cực của những người lính hải quân đã tạo thêm động lực để ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường dài ngày hơn để đánh bắt hải sản, phát triển kinh tế, đồng thời tạo thế trận quốc phòng, an ninh trên biển vững chắc.

Nở nụ cười rạng rỡ khi đón chúng tôi leo lên những bậc thang cao vút của nhà giàn DK1 xây dựng trên bãi cạn Ba Kè, Chỉ huy trưởng, Trung tá Bùi Xuân Bổng, người đã có 29 năm khoác áo lính hải quân, 22 năm gắn bó với các nhà giàn giới thiệu: Trước đây anh em ở trong ngôi nhà cũ 1 tầng có diện tích vỏn vẹn chỉ 192m2. Từ ngày 26-5-2015, công trình nhà giàn mới đã được Bộ Tư lệnh Hải quân đưa vào khai thác gồm 3 tầng, tổng diện tích gần 2.500m2, thoáng mát, bền vững, sạch đẹp. Tận dụng từng khoảng không nhỏ trên nhà giàn, cán bộ, chiến sĩ ở đây đã tích cực tăng gia sản xuất, mỗi năm có thể tự túc được trên dưới 600kg thịt gia súc, 200kg thịt gia cầm, 1.200kg rau xanh và câu được khoảng 1.500kg cá tươi. Đơn vị luôn thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, bảo đảm số quân khỏe luôn đạt 100%.

Trao đổi với Đại tá Hoàng Ngọc Trác, Chủ nhiệm kỹ thuật Quân chủng Hải quân chúng tôi được biết: Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự chung tay giúp đỡ của các địa phương, đến nay ở tất cả 21 đảo, 33 điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa do Việt Nam thực thi chủ quyền quản lý đều đã có công trình nhà ở, nhà làm việc, mạng viễn thông, hệ thống phong điện hoặc pin mặt trời, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Trên mỗi đảo lại có phòng đọc, thư viện, địa điểm huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, nơi tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp, tạo tư tưởng yên tâm công tác đối với những người lính thường xuyên phải xa gia đình, xa người thân để ngày đêm canh giữ vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc./.

(còn nữa)
Bài và ảnh:
Xuân Thu
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com