Nghề đan cói xuất khẩu ở Nghĩa Lợi

06:05, 18/05/2018

"Hằng ngày tôi thường bắt đầu đan từ 7 giờ sáng, nghỉ trưa 2 tiếng rồi lại tiếp tục làm đến khoảng 4 giờ chiều thì nghỉ để làm việc nhà. Bình quân, một ngày tôi đan được 10-12 cái “ró” (các loại làn, bị, túi...) loại nhỏ; 5-6 cái to hoặc cải màu... Hôm ít bù hôm nhiều, được chừng 180-200 nghìn đồng tiền công/ngày. Nghề này không vất vả nắng mưa, mùa vụ mà thu nhập so ra còn cao hơn nhiều nghề khác, nhất là so với trồng lúa, chăn nuôi nên giờ xã này có rất nhiều người làm nghề”. Vừa làm, bà Triệu Thị Vân, năm nay 72 tuổi, đội 15, xóm Đồng Mỹ, xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng) vừa trò chuyện với chúng tôi về nghề đan cói của địa phương.

Sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ cói tại Doanh nghiệp Tư nhân Ánh Túy, xã Nghĩa Lợi.
Sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ cói tại Doanh nghiệp Tư nhân Ánh Túy, xã Nghĩa Lợi.

Theo bà Vân đan cói là nghề truyền thống, đã gắn bó với người dân Nghĩa Lợi trên 60 năm nay. Là một trong những xã thuộc miền hạ của huyện Nghĩa Hưng, giáp với xã Nghĩa Phúc có nghề làm muối và Nông trường Rạng Đông (nơi trước đây trồng nhiều cói) nên từ mấy chục năm trước tranh thủ lúc rảnh rỗi nông nhàn, người dân xã Nghĩa Lợi lại có thêm nghề phụ là đan cói để cải thiện cuộc sống. Sau mùa vụ làm ruộng, đàn ông thì đi các nơi làm đủ nghề, phụ nữ thì quanh quẩn chăm sóc nhà cửa, ruộng vườn, tranh thủ đan bao cói đựng muối bán cho Cty Muối Nam Định. Các sản phẩm này kỹ thuật đơn giản, kiểu đan “nống đôi”, “cất 2 đè 2” mà từ thuở lên 9, lên 10 bà Vân và bạn bè cùng trang lứa đã được các bà, các mẹ dạy đan. Làm nghề từ lúc còn nhỏ nên với các bà, các cô ai cũng thành thạo, nhắm mắt cũng đan được. Với kích thước dài 1,8m, rộng từ 60cm, ngày trước các manh cói đan được dùng thay chiếu, thừa thì mang ra chợ bán với giá mỗi tấm manh một kg thóc; nếu khâu thành bao đựng muối thì bán được hơn một chút, tương đương khoảng 1,5kg thóc/bao. Mỗi tấm “manh” dùng hết 1kg cói, một ngày một người chỉ đan được từ 2-3 tấm. Vì “tự sản, tự tiêu” nên thu nhập của người làm nghề và số lao động tham gia rất hạn chế, chủ yếu là phụ nữ và người già. Bước “chuyển mình” của nghề đan cói ở Nghĩa Lợi bắt đầu khi tổ hợp của ông Vũ Xuân Túy, xóm Ngọc Tỉnh nhận được các đơn hàng sản xuất các sản phẩm đan cói thủ công mỹ nghệ như: túi, làn, bị… xuất khẩu. Để đảm bảo kịp thời hạn giao hàng, ông Túy đã huy động mọi người trong gia đình và một số hộ xung quanh gia công sản phẩm. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, lại tận dụng được nguồn nguyên liệu cói tại địa phương nên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói của Nghĩa Lợi đảm bảo chất lượng, mẫu mã, thời gian, được khách hàng tín nhiệm. Việc tiêu thụ sản phẩm tốt, số lượng hợp đồng ngày một nhiều, số lao động tham gia làm nghề và các khâu dịch vụ liên quan cũng tăng lên. Sau hơn chục năm là “đầu mối” tạo việc làm cho các hộ trong làng nghề, ông Túy đã thành lập Doanh nghiệp tư nhân Ánh Túy để thuận tiện cho hoạt động giao dịch. Doanh nghiệp chuyên cung ứng nguyên liệu, mẫu mã và bao tiêu sản phẩm cho các hộ nhận gia công.

Ông Túy cho biết: hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệp của ông tiêu thụ từ 15-17 tấn cói nguyên liệu được nhập về từ các tỉnh Thanh Hóa, Long An. Cói thô được ô tô vận chuyển về tận nơi, sau đó trải qua các công đoạn xử lý như: tước bỏ phần vỏ ở gốc, ngâm nước khoảng 12 tiếng sau đó vò sạch rồi đem phơi khô, dùng máy ép thành sợi phẳng rồi mới giao cho các hộ gia công. Sản phẩm sau khi phơi khô 1-2 nắng, tiếp tục được sấy trong lò điện 48 tiếng để ngăn nấm mốc trước khi xuất đi. Đến nay doanh nghiệp của ông Túy đã phát triển trên 100 mẫu sản phẩm với nhiều kích thước, màu sắc khác nhau, đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc thị trường. Với chất lượng đảm bảo, mẫu mã đa dạng, các sản phẩm cói mỹ nghệ của Doanh nghiệp tư nhân Ánh Túy đã được xuất khẩu trực tiếp sang các nước: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Từ hạt nhân Doanh nghiệp Ánh Túy, đến nay, nghề đan cói ở Nghĩa Lợi đã phát triển nhanh chóng ra cả 16 xóm trong xã, thu hút gần 1.000 hộ, mỗi hộ từ 1-2 người tham gia. Làng nghề đan cói Đồng Nam của xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt các tiêu chí làng nghề của Bộ NN và PTNT. Ông Nguyễn Văn Giới, xóm Đồng Nam đã gần 20 năm gia công sản phẩm cho Doanh nghiệp Ánh Túy cho biết: “Từ khi gia công sản phẩm cho Doanh nghiệp Ánh Túy, chúng tôi không phải lo mua cói, không phải tự đi bán hàng, mỗi khi có mẫu hàng mới đều được doanh nghiệp hướng dẫn kỹ thuật cặn kẽ nên năng suất lao động và thu nhập cao hơn nhiều lần. Hiện nay, thu nhập của tôi và vợ thường đạt từ 13-15 triệu đồng/tháng”. Ngoài những sản phẩm đặt hàng theo mẫu, doanh nghiệp còn nhận bao tiêu nhiều loại sản phẩm thủ công do người dân tự đan theo kinh nghiệm truyền thống bởi khách hàng nước ngoài luôn ưa thích các sản phẩm tiêu dùng sản xuất theo phương thức thủ công, nguyên liệu thân thiện với môi trường, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống địa phương. Theo thống kê của xã, ở xóm Đồng Nam còn có hộ các ông: Nguyễn Văn Thạch, Nguyễn Văn Quảng đạt mức thu nhập từ 14-15 triệu đồng/tháng cho 2 lao động; hàng trăm hộ (2 lao động) đạt mức thu nhập từ 10 triệu đồng/tháng; một số hộ tận dụng lao động và thời gian nông nhàn cũng đạt thu nhập tối thiểu 200 nghìn đồng/người/ngày. Không phải xa quê kiếm sống, vẫn được chăm sóc gia đình, ruộng vườn, mỗi năm người đan cói chăm chỉ cũng có thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên. Chính vì thế xã Nghĩa Lợi bây giờ thường xuyên có khoảng 1.500 lao động đan cói xuất khẩu, có nhiều người đã làm những nghề khác rồi lại trở về đan cói! 

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com