Tăng cường quản lý thị trường mỹ phẩm

07:02, 23/02/2018

Mỹ phẩm được sản xuất để phục vụ nhu cầu làm đẹp cho con người. Tuy nhiên nếu sử dụng phải mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng thì hậu quả lại khôn lường, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhan sắc và tính mạng người tiêu dùng. Thời gian gần đây, tình trạng sản xuất, kinh doanh, vận chuyển mỹ phẩm vi phạm pháp luật bị phát hiện ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn làm giả, làm nhái hàng chính hãng nổi tiếng rất tinh vi để đánh lừa người tiêu dùng.

Hãng Unilever tập huấn kỹ năng nhận biết mỹ phẩm giả cho cán bộ, nhân viên lực lượng quản lý thị trường tỉnh.
Hãng Unilever tập huấn kỹ năng nhận biết mỹ phẩm giả cho cán bộ, nhân viên lực lượng quản lý thị trường tỉnh.

Khó có thể đưa ra số liệu chính xác về các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh ta, tên tuổi các nhãn hàng, thương hiệu mỹ phẩm đang lưu thông trên thị trường cũng như lượng hàng hóa mỹ phẩm cung ứng cho người tiêu dùng ở một thời điểm nhất định. Bởi hiện tại chưa có quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh mặt hàng này. Do đó mỹ phẩm được bán tràn lan ở khắp các cửa hàng tạp hóa, sách vở, đại lý bánh kẹo, nước giải khát, hiệu cắt tóc, gội đầu và cả cửa hiệu photocopy, quầy hàng ăn cũng tranh thủ trưng biển, hàng mẫu để chào bán mỹ phẩm. Điều này chứng tỏ thị trường mỹ phẩm còn khá lộn xộn và việc quản lý của cơ quan chức năng rất khó khăn, phức tạp. Tìm hiểu thực tế thị trường mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh ta mới thấy hết những khó khăn của người tiêu dùng khi lựa chọn mặt hàng này. Nếu như trước đây mỹ phẩm thường được bán tại các địa chỉ kinh doanh trên các tuyến phố lớn như: Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Bà Triệu (TP Nam Định), các trung tâm huyện họa hoằn mới có, còn ở địa bàn cấp xã thì hầu như không có thì thời gian gần đây ở địa bàn nào cũng có cửa hàng, điểm bán mỹ phẩm từ cao cấp đến phổ thông. Tiểu thương nhập các loại mỹ phẩm từ dành cho tóc, chăm sóc da đến trang điểm như son, phấn, chì kẻ mắt, kem dưỡng môi… về bày bán với hàng trăm loại khác nhau. Bên cạnh đó, thị trường kinh doanh trực tuyến trên mạng internet bùng nổ với vô vàn sản phẩm là mỹ phẩm tự chế, hàng xách tay của các hãng nổi tiếng như Chanel, Lancôme, Bella, Pond’s… được rao bán với giá “phải chăng” được mua bán rất sôi động. Sự phong phú của thị trường đã giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình. Tuy nhiên vấn đề ở chỗ nếu đúng là hàng xách tay đảm bảo nguồn gốc, chất lượng thì tốt nhưng khi bị giả mạo, hoặc hàng kém chất lượng thì hậu quả khôn lường. Tại cửa hàng tạp hóa trên phố Trần Huy Liệu (TP Nam Định) có thể dễ dàng mua được một thỏi son, một hộp phấn hay trọn gói một bộ mỹ phẩm hoàn chỉnh của các hãng nổi tiếng: Pond’s, Hazelin, DeBon, Shiseido, Lancôme, Dior, Chanel, OHui... nhưng chỉ với giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng, một mức giá không thể có, như vậy chưa cần kiểm tra chất lượng, mẫu mã hàng hóa cũng có thể khẳng định đó là hàng giả, hàng nhái kém chất lượng. Tinh vi hơn, hiện nay nhiều loại mỹ phẩm được sản xuất trong nước rồi thuê đóng bao bì tại nước ngoài, gắn nhãn hiệu ngoại rồi đưa vào lưu thông trên thị trường nội với giá bán cao “ngất ngưởng” ngang bằng hoặc rẻ hơn chút ít so với hàng chính hãng. Lực lượng Quản lý thị trường từng vạch trần thủ đoạn và buộc chủ hàng phải thừa nhận đó là hàng sản xuất ở nước thứ ba chứ không phải hàng chính hãng. Theo đó trong tháng 12 năm 2017, Đội Quản lý thị trường số 1 (TP Nam Định) đã phát hiện thu giữ lô hàng mỹ phẩm hàng chục loại khác nhau gồm có kem nền, phấn má, phấn nước, kem dưỡng da, thuốc tắm trắng, nước uống dinh dưỡng… Mỗi sản phẩm mang một nhãn hàng khác nhau và niêm yết giá bán khá cao. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng đã xuất trình đầy đủ giấy tờ của lô hàng. Tuy nhiên khi kiểm tra thực tế sản phẩm, lực lượng chức năng phát hiện trên nhãn hàng hóa không có tên đơn vị xuất, nhập khẩu hàng hóa. Đồng thời khi truy xuất mã sản phẩm thì phát hiện sản phẩm không có trong danh mục mã hàng mà thương hiệu đó đưa ra thị trường. Thậm chí để đối phó với xu hướng tẩy chay hàng Trung Quốc của người tiêu dùng, các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả đã thay thế dấu hiệu nhận biết phổ biến mà người tiêu dùng thường xem là “made in China” bằng cụm từ “made in PRC” (sản xuất tại CHND Trung Hoa) khiến người tiêu dùng không có kinh nghiệm nhầm tưởng sản phẩm của các quốc gia khác như Pháp hay Úc sản xuất. Lực lượng chức năng đã thu giữ toàn bộ lô hàng trên với lý do vi phạm về nhãn mác hàng hóa. Cùng với với vụ việc trên, lực lượng chức năng còn thu giữ nhiều loại mỹ phẩm nhập nhèm về tem mác, nhãn hiệu hàng hóa và hạn sử dụng. Bên cạnh việc giả nhãn mác sản phẩm nổi tiếng của các hãng mỹ phẩm quốc tế, theo lực lượng chức năng, một vài loại mỹ phẩm sản xuất trong nước có công năng làm trắng, mềm, mịn da đang lạm dụng khá nhiều chất bị cấm sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm như Corticoid, Clobetasol propionate, Acid Salicylic... Đây là những thành phần không được sử dụng trong mỹ phẩm bởi khi sử dụng ban đầu sẽ làm đẹp da nhanh chóng nhưng sử dụng kéo dài một thời gian sẽ khiến da bị mỏng dần, các mao mạch bị giãn nở, gây ngứa ngáy và mẩn đỏ, mụn và nám da sẽ xuất hiện nhiều hơn, khi ngưng dùng sẽ khiến da khô sần, nhăn nheo, thậm chí còn bị kích ứng, hư hại da nghiêm trọng và rất khó chữa, chưa kể đến quá trình thẩm thấu gây ảnh hưởng phụ tiêu cực đến sức khỏe các bộ phận khác.

Mỹ phẩm là sản phẩm có nhu cầu thị trường lớn, chính vì vậy việc giữ ổn định thị trường, ngăn chặn, loại bỏ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ra khỏi thị trường là yêu cầu quan trọng đối với ngành chức năng. Bên cạnh đó mỗi người tiêu dùng phải chủ động trang bị kiến thức về mỹ phẩm, cách phân biệt hàng thật, hàng giả, biết cách truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của mỹ phẩm; kiểm tra hạn sử dụng để đảm bảo mua được sản phẩm chất lượng, đúng giá trị./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com