Giúp người tiêu dùng tiếp cận với thực phẩm an toàn

08:08, 04/08/2017

Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là vấn đề chưa bao giờ hết “nóng”. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trên cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng, việc cung cấp thực phẩm sạch, an toàn đã được các cấp, các ngành và người sản xuất nỗ lực triển khai thực hiện. Tuy nhiên hành trình đưa những sản phẩm thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng không đơn giản. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp giúp người tiêu dùng tiếp cận với thực phẩm an toàn như: tăng cường giám sát, quản lý chất lượng VSATTP; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về VSATTP; hỗ trợ thành lập Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định, hình thành nhiều chuỗi cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn…

Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm tại cửa hàng thực phẩm sạch Linh Chi (TP Nam Định).
Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm tại cửa hàng thực phẩm sạch Linh Chi (TP Nam Định).

Là tỉnh sản xuất trọng điểm các nông sản, thực phẩm chủ lực như: rau, thịt, thủy sản… nên việc giám sát, quản lý chất lượng VSATTP được tỉnh, Sở NN và PTNT đặc biệt quan tâm. Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành 21 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn nhằm cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm có nguồn gốc và đảm bảo VSATTP. Tuy nhiên, việc đưa thực phẩm an toàn đến tay người dân đang là bài toán khó không chỉ đối với cơ quan quản lý Nhà nước mà còn cả đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn trong khi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng. Thực trạng này là do người tiêu dùng vẫn còn có thói quen mua thực phẩm tại các chợ truyền thống, chợ cóc, tụ điểm, hàng rong... vì sự tiện lợi. Song, hàng hóa tại đây rất khó kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng, không bảo đảm VSATTP… Bên cạnh đó, hiểu biết của người dân về ATTP chưa cao; tâm lý của người tiêu dùng chưa hoàn toàn tin tưởng vào nông sản, thực phẩm sạch và những cơ sở, cửa hàng cung ứng thực phẩm an toàn. Việc đưa thực phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng còn gặp khó khăn nữa đó là yếu tố giá. Chi phí sản xuất thực phẩm sạch cao hơn so với thực phẩm thông thường, doanh nghiệp tổ chức sản xuất nông sản sạch khi liên kết với người sản xuất phải cam kết thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường thì nông dân mới làm đúng quy trình sản xuất an toàn theo quy định. Thậm chí phải cử cán bộ giám sát, kiểm tra; phải gửi mẫu đất, mẫu sản phẩm đi phân tích, xét nghiệm, chưa kể chi phí sơ chế, bao bì, đóng gói và mở điểm bán hàng... Trong khi nhiều người tiêu dùng thì vẫn lựa chọn hàng theo tiêu chí giá rẻ để mua. Mặt khác, một số cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch đang hoạt động chưa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu của một cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, người kinh doanh thực phẩm sạch chưa được tập huấn kiến thức đầy đủ về ATVSTP… Không nhiều điểm bán hàng có thể cung cấp nguồn gốc xuất xứ hàng hóa minh bạch. Việc tổ chức các kênh phân phối thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng chưa được các cơ quan chức năng và người sản xuất quan tâm một cách thích đáng.

Để giúp người tiêu dùng tiếp cận với thực phẩm an toàn, trong thời gian qua, Sở NN và PTNT chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản nắm bắt, rà soát toàn bộ các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh. Chi cục đã thành lập đoàn kiểm tra đi kiểm tra, đánh giá, xếp loại đối với 100% số cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch đang hoạt động. Kết quả kiểm tra cho thấy một số cửa hàng vẫn còn lỗi cần khắc phục như: bố trí khu vực kinh doanh rau, thịt chưa tách biệt; ghi chép về việc mua, bán hàng chưa đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các cửa hàng này dừng hoạt động kinh doanh, khắc phục xong các lỗi trên mới được kinh doanh trở lại và lấy tên cửa hàng "thực phẩm sạch" được. Đồng thời Chi cục tăng cường công tác giám sát, yêu cầu các cửa hàng thực phẩm sạch chủ động giám sát chất lượng sản phẩm kinh doanh bằng cách truy xuất nguồn gốc hàng hóa khi nhập về phân tích chất lượng sản phẩm. Bố trí các trang thiết bị, dụng cụ bảo quản, chứa đựng phù hợp để không bị lây nhiễm sản phẩm. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản lấy mẫu giám sát thường kỳ tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch và tại các chợ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm đảm bảo kiểm soát chất lượng ATTP cho nông sản, chủ lực của tỉnh. Trong công tác tuyên truyền, Sở NN và PTNT đã phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng thời lượng, cải tiến các nội dung tuyên truyền về sản xuất nông nghiệp, ATTP, hướng dẫn sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Thực hiện tuyên truyền lưu động và in, phát tờ gấp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ quan quản lý và người tiêu dùng theo nội dung “Chung tay bảo đảm ATTP vì một nền nông nghiệp bền vững”. Tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền phổ biến các nội dung của Luật ATTP, các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP, các tiêu chuẩn, quy chuẩn điều kiện VSATTP và kiến thức khoa học về VSATTP… Từ đó nâng cao hiểu biết cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về ATTP. Đồng thời công khai trên trang thông tin điện tử của Sở danh sách, địa chỉ các cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch đủ tiêu chuẩn. Một số cửa hàng đã được tiến hành kiểm tra, giám sát điều kiện ATTP và đã được cấp giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP như: cửa hàng rau sạch Sunday, cửa hàng thực phẩm sạch Linh Chi, cửa hàng Minh Long, cửa hàng hoa quả sạch nhập khẩu, cửa hàng Hậu Lan… Vừa qua, Sở NN và PTNT đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thành lập Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định nhằm quản lý chất lượng VSATTP, tạo khối lượng lớn thực phẩm sạch an toàn cung cấp cho người tiêu dùng; hướng dẫn các doanh nghiệp, các địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất sạch. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số chuỗi sản xuất nông sản, thủy sản an toàn như: Chuỗi sản xuất gạo sạch của Cty TNHH Toản Xuân; chuỗi sản xuất ngô sấy, khoai tây sấy của Cty TNHH Minh Dương; chuỗi sản xuất cá bống bớp của doanh nghiệp tư nhân Sơn Nguyệt; chuỗi sản xuất nghêu, hàu sạch của Cty Thủy sản Lenger; một số chuỗi cung ứng đang trong giai đoạn hoàn thiện như: chuỗi sản xuất trứng gà sạch Công Phượng (Hải Hậu), chuỗi sản xuất thịt lợn sạch HTX Yên Lợi (Ý Yên), chuỗi sản xuất rau an toàn Loan Chinh (Hải Hậu)…

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Ánh, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng (Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản), hiện nay công tác ATTP vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm ở tỉnh chủ yếu là nhỏ lẻ, trong khi lực lượng quản lý còn mỏng. Do vậy trong thời gian tới cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp huyện, xã. Đối với người tiêu dùng nên quan tâm, lựa chọn các cơ sở xếp loại A, B (là các cơ sở đủ điều kiện ATTP) để mua hàng hóa phục vụ bữa ăn cho gia đình. Hơn hết, người tiêu dùng phải là một mắt xích quan trọng trong việc giám sát chất lượng ATTP, là người quyết định trong việc ngăn ngừa và loại bỏ những thực phẩm không đảm bảo chất lượng./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com