Ramsar Xuân Thủy - Sức hút mùa hoa sú, vẹt

05:04, 14/04/2017

Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy (Giao Thủy) được thiên nhiên ưu đãi và ban tặng, đặc biệt là cánh rừng ngập mặn sú, vẹt kéo dài 2.000ha. Hằng năm, khoảng từ tháng 4 đến tháng 7, khi cây sú, vẹt đồng loạt trổ hoa, những người nuôi ong từ khắp nơi đến với VQG Xuân Thủy thực hiện hành trình “Đưa ong đi tìm mật” để khai thác hệ thực vật Khu Ramsar từ nguồn hoa sú, vẹt.

Tháng 4, đến Khu Ramsar Xuân Thủy, đứng trên tầng 5 đài quan sát, dõi mắt về khu rừng nước ngập mặn dọc theo sông Hóp, sông Vọp, du khách được “mục sở thị” vẻ đẹp rực rỡ mùa hoa sú. Trong tiết trời giao mùa, những chùm hoa sú trắng muốt nở rộ khoác lên sắc xanh màu rặng sú vẻ đẹp tinh khiết, cũng là thời điểm, những người thợ nuôi ong từ khắp khu vực phía Bắc thực hiện quy trình khai thác vụ mật xuân - hè.

Anh Phạm Văn Chinh, quê xã Xuân Hòa (Xuân Trường) - người được mệnh danh là “Vua ong” đất Bắc đã hoàn thành công đoạn vận chuyển gần 1.000 thùng ong từ Bắc Giang về VQG Xuân Thủy. Đàn ong “thiện chiến” của anh nhanh chóng thích ứng với môi trường, phát triển tốt, hối hả tìm hoa, nhả mật. Trong giới nuôi ong, anh Chinh có thâm niên hơn 20 năm tạo đàn, nhân giống, có nhiều kinh nghiệm trong khai thác mật ong từ nguồn lợi thiên nhiên. Năm 1997, anh Chinh là một trong những người đầu tiên đưa nghề nuôi ong, lấy mật khai thác mùa hoa sú, vẹt tại VQG Xuân Thủy. Đã 20 năm gắn bó với công việc “đưa ong đi lấy mật”, anh hiểu rõ đặc tính cây sú, vẹt và những giá trị to lớn từ nguồn lợi hệ sinh thái rừng ngập mặn. Phù sa màu mỡ của sông Hồng và vùng biển bồi đã tạo dựng nên khu đất ngập nước với nhiều loài động thực vật sinh sống. Rừng ở đây góp phần cố định phù sa để tạo nên các bãi bồi mới, làm vườn ươm và cung cấp thức ăn cho các loài thủy sinh, đồng thời đóng vai trò cân bằng sinh thái của khu vực. Đặc biệt, VQG có thảm thực vật phong phú, bao la với rừng sú, vẹt; lại thêm vườn cây của các hộ gia đình, là nguồn thức ăn dồi dào của đàn ong.

Chiều đông Ramsar. Ảnh: Chu Thế Vĩnh
Chiều đông Ramsar. Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Hai hôm lưu lại VQG Xuân Thủy, chúng tôi được anh Chinh hướng dẫn các quy trình nuôi ong, lấy mật; trực tiếp tham gia các công đoạn nhân đàn, chọn giống, tìm hiểu đặc tính của loài ong làm mật. 6 giờ sáng, khi những cánh hoa sú nở rộ, là thời điểm gần 1.000 đàn ong của anh Chinh hối hả công việc “tạo mật cho đời”. Dựa trên thời tiết, người nuôi ong phải quan sát hoạt động của từng đàn, vệ sinh thùng, kiểm tra cầu mật. Đưa chúng tôi thăm trại ong, anh Phạm Văn Chinh tâm sự: Nghề “ăn lộc trời” của những người nuôi ong phụ thuộc vào từng mùa hoa nên du cư từ Nam ra Bắc. Khi cái lạnh tràn về, báo hiệu vào đông, anh Chinh đưa đàn ong vào các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Bình Phước để lấy mật. Vào mùa xuân, tháng 2, tháng 4 đến tháng 8 ra Bắc lấy mật hoa vải, nhãn. Quy trình di chuyển đàn ong theo mùa hoa lấy mật cũng phải tuân thủ những điều kiện bắt buộc (di chuyển vào ban đêm để không làm ảnh hưởng đến đàn, đồng thời bảo đảm quân số ong đã về tổ đầy đủ rồi mới phủ bạt cẩn thận, xếp lên xe tải đưa đi.). Đối với người nuôi ong, yếu tố thành công là phải nắm rõ diễn biến của thời tiết, nguồn mật nuôi ong và hoạt động của đàn ong. Ở Tây nguyên có cây cà phê, ở miền Đông Nam Bộ có cây ăn trái là nguồn mật dồi dào cho người nuôi ong khai thác. Bình Phước có khí hậu ổn định, con ong không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, đây còn là vựa điều, cao su của cả nước. Song, thời vụ và công tác quản lý đàn ong ở các tỉnh phía Bắc chia làm 4 mùa rõ rệt. Do đó có 4 vụ quản lý đàn ong như sau: Vụ xuân - hè hay vụ mật chính là từ 15-2 đến 20-7. Vụ hè - thu (qua hè): từ 20-7 đến 15-9. Vụ thu - đông từ 21-9 đến 20-12. Vụ đông - xuân (qua đông) từ 21-12 đến 14-2 năm sau. Đặc điểm thời tiết và nguồn hoa vụ xuân - hè ứng với thời kỳ sau Tết âm lịch, nguồn hoa rất phong phú. Vùng đồng bằng trung du có vải chua, vải thiều, nhãn (vụ xuân), đay, bạch đàn, liễu, sú vẹt (vụ hè). Sau tiết thanh minh, trời ấm và nắng, thời tiết thuận lợi. Chính vì thế, với những người nuôi ong như anh Chinh, quy trình thu sản phẩm xuân - hè là vụ mật chính trong năm (kể cả mật và sữa ong chúa). Đây là vụ mật kéo dài 120-130 ngày. Trong nhiều năm lại đây, vụ mật sú vẹt và bạch đàn chiếm 60-70% sản lượng mật cả năm cho nên vụ xuân - hè ở miền Bắc phải vừa thu mật vừa củng cố phát triển đàn ong để lấy mật vụ sau.

VQG Xuân Thủy, là nơi tập trung diện tích sú, vẹt lớn; là hai loại cây đặc biệt có thể sống trong môi trường nửa nước nửa cạn, sở hữu những loại hương hoa đặc biệt thu hút rất nhiều loại ong đến thu lấy mật. Hoa sú nở từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Cây vẹt đồng loạt ra hoa từ tháng 4 đến tháng 7. Thời điểm này, người nuôi ong vào vụ khai thác mật. Để vừa có đàn ong mạnh, vừa có nhiều đàn ong, trong khi thu sản phẩm cần chú ý bảo vệ ong chúa. Và cần tính toán tốt để chọn nguồn hoa thích hợp. Vào mùa hoa vẹt (thời tiết vụ hè - thu) nắng nóng, mưa kéo dài, bão lụt nên người nuôi ong phải chú ý: Đàn ong không nên để quá yếu vì dễ gây tình trạng ong ăn cắp mật. Chống nóng, che mưa nắng để ong bớt tiêu hao nhiều thức ăn.

Anh Phạm Văn Chinh hiện sở hữu gần 1.000 đàn ong, trung bình mỗi mùa hoa sú, vẹt, anh thu 30 tấn mật nguyên chất, đạt doanh thu từ 1,2-1,4 tỷ đồng
Anh Phạm Văn Chinh hiện sở hữu gần 1.000 đàn ong, trung bình mỗi mùa hoa sú, vẹt, anh thu 30 tấn mật nguyên chất, đạt doanh thu từ 1,2-1,4 tỷ đồng. Ảnh: Việt Thắng

 

Qua 20 năm với vai trò “tổng chỉ huy” dẫn dắt gần 1.000 đàn ong đặt chân đến mọi miền Tổ quốc tìm hoa, lấy mật, anh Phạm Văn Chinh đã thành công trong việc nhân giống ong Ý thuần chủng (còn gọi là ong ngoại Apis metifera). Mùa sú, vẹt 2017, tại VQG Xuân Thủy, anh đã nhân đàn 100% ong Ý; chi phí tạo gần 1.000 thùng ong Ý khoảng 700-800 triệu đồng. Anh Chinh cho biết, ưu điểm của giống ong Ý thuần chủng có thế đàn lớn, khả năng thu hoạch và luyện mật tốt. Trong điều kiện nguồn mật lớn, sẽ cho năng suất mật cao và hàm lượng nước trong mật thấp. Ong chúa đẻ khoẻ, đàn ong tăng lên rất nhanh sau vài thế hệ ong ra đời, có thể chủ động thực hiện chiến lược ngắn về tăng - giảm lượng mật nhằm đạt số lượng ong tối đa lúc thu mật và giảm tối thiểu lúc nuôi dưỡng để nâng cao hiệu quả kinh tế. Ong Ý ít chia đàn tự nhiên, rất ít bốc bay, ít bệnh ấu trùng hơn ong nội do chúng tiết ra nhiều keo ong có khả năng kháng khuẩn tốt để giữ vệ sinh cho lỗ tổ. Với gần 1.000 đàn ong, mỗi năm anh thu trên 75 tấn mật; riêng vụ hoa sú, vẹt, lượng mật đạt gần 30 tấn; mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu lãi từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Văn Cách, Giám đốc VQG Xuân Thủy cho biết: Mật ong nguyên chất hoa sú, vẹt được thu gom tại rừng ngập mặn Xuân Thủy có mùi thơm hơi nồng của biển cả, vị ngọt của hoa. Chính điều kiện sống đặc biệt của loại cây này mà mật được lấy từ khu rừng ngập mặn Xuân Thủy chứa khoáng chất vượt trội so với các loại mật ong khác. Sản phẩm mật ong rừng sú, vẹt của VQG Xuân Thủy được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 4-2009-18571 theo Quyết định số 63724/QĐ-SHTT năm 2013. Thương hiệu mật ong rừng sú, vẹt của VQG Xuân Thủy là loại mật ong đặc biệt, được ví như là “mật của biển” hay “vị ngọt của biển”; là loại mật duy nhất được khai thác từ cây rừng mọc ngoài biển, hoàn toàn có nguồn gốc tự nhiên, không bị nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật: Mật ong được khai thác từ diện tích rừng tự nhiên nằm trong VQG Xuân Thủy, có sự kiểm soát quy trình quản lý chất lượng của Ban quản lý vườn theo tiêu chuẩn của quốc gia. Về giá trị dược liệu, sử dụng mật ong nguyên chất hoa sú, vẹt để chữa bệnh, ngâm chanh hay sử dụng hằng ngày là tốt nhất vì trong lượng mật ong được khai thác tại vùng biển chứa lượng muối khoáng nhỏ, rất tốt cho sức khỏe của con người - đặc biệt tốt cho các bệnh về đường tiêu hóa và dạ dày vì chất ta-nanh có trong thành phần của hoa sú vẹt có tác dụng trám vết loét hiệu quả.

Hiện nay, tại VQG Xuân Thủy có khoảng gần 20 trại ong, sản lượng đạt từ 60-80 tấn/năm, được ghi nhận là khu vực khai thác mật ong sú, vẹt với chất lượng và sản lượng tốt và lớn nhất miền Bắc./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com