Phát triển kinh tế thuỷ sản ở Giao Thủy

07:04, 17/04/2017
Huyện Giao Thủy có 32km bờ biển, có hai cửa sông lớn là sông Hồng và sông Sò, cùng với vùng đất bãi bồi ven biển đã tạo nên lợi thế để người dân trong huyện phát triển các ngành kinh tế biển như khai thác, chế biến và nuôi trồng thủy sản. 
 
Hiện nay, tổng diện tích nuôi thủy sản toàn huyện là 5.125ha. Trong đó, diện tích nuôi thủy sản nước mặn lợ là 3.940ha; diện tích nuôi thủy sản nước ngọt là 1.185ha. Các đối tượng nuôi chủ yếu là ngao, tôm sú, tôm thẻ chân trắng và các loại cá nước ngọt truyền thống. Huyện đã tập trung rà soát, quy hoạch phát triển các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung tại các xã, thị trấn: Giao Thiện, Quất Lâm, Bạch Long; nuôi ngao ở vùng đệm và phục hồi sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy. Nghề nuôi thủy sản phát triển mạnh, giải quyết việc làm cho nhiều người dân, có những hộ thu lãi cả tỷ đồng. Là 1 trong 5 xã thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy, xã Giao Thiện có tổng diện tích nuôi thủy sản là 985ha, tổng sản lượng thu hoạch trung bình hằng năm trên 1.200 tấn; trong đó chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, nhiều hộ trong xã đã mạnh dạn đầu tư xây dựng, tu bổ cơ sở hạ tầng, nguồn nước để phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thích ứng với biến đổi khí hậu, tiêu biểu như hộ ông Trần Hữu Lợi, xóm Tân Hồng thực hiện nuôi tôm thẻ chân trắng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông đã đầu tư đầy đủ các thiết bị như máy quạt nước, máy bơm, dụng cụ đo môi trường và một số dụng cụ thiết yếu khác. Ông Thiện cho biết nuôi tôm thẻ chân trắng theo phương pháp thích ứng với biến đổi khí hậu thành công hơn hẳn so với trước kia, đàn tôm khỏe mạnh, không có hiện tượng bị dịch bệnh và phát triển đồng đều. Thị trấn Quất Lâm cũng phát triển mạnh nuôi tôm thẻ chân trắng. Một số hộ nuôi tiêu biểu như hộ anh Trần Văn Phú, Mai Văn Tĩnh (xóm Lâm Dũng). Hộ anh Trần Văn Phú nuôi 2 vụ tôm, mỗi vụ anh thu được 8-10 tấn tôm thương phẩm. Nhờ đó đời sống gia đình anh ngày càng khấm khá. Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng cho hoạt động nuôi thủy sản thì khâu sản xuất giống cũng đã được huyện tập trung chỉ đạo. Toàn huyện có hơn 90 trại, cơ sở sản xuất, cung ứng con giống tập trung vào các đối tượng chủ lực như: tôm sú, ngao, cá bống bớp, tu hài, cua biển, cá hồng mỹ… Trung bình mỗi năm toàn huyện sản xuất được hơn 6.200 triệu con giống, đáp ứng được nhu cầu con giống của các hộ nuôi trên địa bàn. Về khai thác thủy sản, toàn huyện có 819 tàu thuyền khai thác hải sản; trong đó, số tàu có công suất dưới 20CV là 550 tàu, còn lại 269 tàu khai thác có công suất từ 20CV trở lên; đặc biệt đã có 63 tàu được trang bị máy thông tin liên lạc, 2 tàu được trang bị máy vệ tinh tầm xa Movimar. Được sự quan tâm và tạo điều kiện của chính quyền địa phương, nghề khai thác thủy sản được duy trì và phát triển tốt. Ngư dân đã tập trung huy động các nguồn vốn để mua sắm ngư cụ, tàu thuyền, đẩy mạnh việc đánh bắt, khai thác thủy sản. Phòng NN và PTNT huyện đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giúp ngư dân nắm được những kiến thức cơ bản để chấp hành tốt các quy định về khai thác. Khai thác và nuôi thủy sản phát triển mạnh nên nghề chế biến thủy sản cũng ngày càng phát triển với các sản phẩm tiêu biểu như nước mắm, mắm tôm, các loại hải sản khô... Nhắc đến đặc sản Giao Thủy thì hẳn ai cũng nghĩ ngay đến nước mắm Sa Châu của xã Giao Châu nổi tiếng thơm ngon, đậm đà. Hiện có 100 hộ ở xã Giao Châu tiếp tục phát triển nghề làm mắm truyền thống. Sản lượng nước mắm toàn xã trung bình đạt 1,5 triệu lít/năm, được bán rộng rãi trong và ngoài tỉnh. 
Xử lý nguồn nước nuôi tôm thẻ chân trắng tại hộ ông Trần Hữu Lợi, xã Giao Thiện.
Xử lý nguồn nước nuôi tôm thẻ chân trắng tại hộ ông Trần Hữu Lợi, xã Giao Thiện.
Định hướng phát triển kinh tế biển là một mũi nhọn kinh tế, huyện Giao Thủy tiếp tục thực hiện những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể như nâng cao hiệu quả khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch; kết hợp giữa phát triển sản xuất với thực hiện trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc. Chính quyền địa phương sẽ từng bước chỉ đạo, khuyến khích tổ chức hợp tác sản xuất theo chuỗi sản phẩm khép kín từ cung ứng hậu cần, khai thác, vận chuyển đến thu mua, chế biến, tiêu thụ theo mô hình có tàu dịch vụ hậu cần trên ngư trường; thành lập các tổ đội đoàn kết, HTX khai thác xa bờ. Chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế thay thế các nghề khai thác thủy sản gần bờ kém hiệu quả, gây tổn hại nguồn lợi, không thân thiện với môi trường sang các nghề thích hợp khác. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý kịp thời các vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Phát triển nuôi thủy sản theo hướng bền vững. Chuyển đổi cơ cấu đối tượng nuôi, đa dạng đối tượng và hình thức nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng và từng địa phương; phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, thân thiện với môi trường sinh thái, phát triển mạnh nuôi các đối tượng thủy sản mặn lợ, đặc biệt là những đối tượng có giá trị kinh tế cao như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá song… Các cơ quan chức năng cũng như người dân trên địa bàn huyện phấn đấu xây dựng Giao Thủy trở thành trung tâm sản xuất giống thủy sản nước mặn, lợ của tỉnh. Tập trung sản xuất các đối tượng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh và có thị trường tiêu thụ lớn như tôm sú, ngao, cá bống bớp… đảm bảo nhu cầu cho người nuôi ở trong và ngoài tỉnh. Chú trọng phát triển sản xuất các đối tượng chủ lực theo hình thức tổ hợp tác hoặc HTX, doanh nghiệp tư nhân… nhằm tăng cường sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm, hình thành những trang trại nuôi tôm công nghệ cao, an toàn sinh học, hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Thực hiện cải tạo hoặc chuyển đổi đối tượng nuôi hợp lý đối với những vùng nuôi tập trung đã bị ô nhiễm. Khuyến khích áp dụng nuôi luân canh, nuôi kết hợp, nuôi tuần hoàn tiết kiệm nước nhằm hạn chế xả thải trực tiếp ra môi trường để bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới phát triển bền vững. Khuyến khích, đầu tư phát triển mô hình vùng nuôi thủy sản tập trung, người nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào quá trình nuôi nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm thủy sản. Tiếp tục phấn đấu xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản như ngao sạch Giao Thủy. Thúc đẩy hình thành kênh phân phối hàng thủy sản nội địa từ người sản xuất, doanh nghiệp đến các chợ, các siêu thị thông qua hệ thống các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, siêu thị… Về sản xuất giống, Phòng NN và PTNT huyện tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các cơ sở sản xuất tập trung theo quy mô lớn, tập trung nguồn lực đất đai để có thể xây dựng cơ sở sản xuất tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao và an toàn sinh học./.
 
Bài và ảnh: Thanh Hoa


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com